Sự kiện đã góp phần tạo, hình thành rõ nét về vai trò, tầm quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về việc cần thiếp phải cung cung cấp thông tin, kết nối giải pháp cho cộng đồng DN khi thực hiện CĐS trong giai đoạn hiện tại và tương lai.
Đồng thời, đây được coi là lần đầu tiên hình thành dạng tài liệu quan trọng về nguồn cơ sở dữ liệu (CSDL) về các giải pháp CĐS cho DN, điều này sẽ góp phần thúc đẩy, cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa (SME) của Việt Nam hiện nay và tương lai.
Tài liệu về những giải pháp CĐS
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, qua khảo sát, kết quả hoạt động CĐS ở các DN (năm 2021- 2022), đã có hơn 40% DN phản ánh vẫn còn gặp hạn chế, khó khăn về các thông tin giải pháp CĐS và chưa nhiều giải pháp phù hợp để DN dễ dàng sử dụng.
“Chính vì vậy, Trang vàng các giải pháp CĐS DN sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho cộng đồng DN tham khảo, lựa chọn được các giải pháp CĐS phù hợp, nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông phát biểu
Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, việc thực hiện nhiệm vụ CĐS đang là yêu cầu, trách nhiệm của mọi lĩnh vực, ngành nghề và với các DN giúp nâng cao hiệu quả quản trị, tối ưu chi phí vận hành; giúp các nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác, kịp thời, qua đó tạo giá trị gia tăng mới cho DN…
Vì điều này, Bộ KH&ĐT đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nguồn lực ngân sách hỗ trợ DN thuê, mua giải pháp CĐS theo quy định của Luật Hỗ trợ DN SME. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách có ý nghĩa là vốn mồi, chia sẻ và đồng hành cùng các DN triển khai CĐS trong giai đoạn hiện nay.
“Đặc biệt, cũng để thúc đẩy các hoạt động CĐS cho DN đạt hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tích cực, tăng cường phối hợp cùng Bộ TT&TT, các bộ ngành, hiệp hội liên quan để tiếp tục rà soát, cập nhật thêm nhiều giải pháp hữu ích cho cộng đồng DN”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Ông Trevor Hublin, Phó Giám đốc Phòng Quản trị Nhà nước và Tăng trưởng Kinh tế, USAID Việt Nam chia sẻ Trang vàng giải pháp CĐS DN không chỉ là danh sách các nhà cung cấp giải pháp CĐS, mà các nhà cung cấp giải pháp này đã cam kết đồng hành cùng Chương trình, đưa ra những giải pháp ưu đãi nhất cho các SME.
Do đó, các SME trên toàn quốc có thể dễ dàng tìm kiếm nhà cung cấp giải pháp phù hợp cho DN mình. “Đây chính là một ví dụ điển hình dạng tài liệu về những giải pháp CĐS bền vững mà Bộ KH&ĐT phối hợp với USAID cùng khu vực tư nhân hỗ trợ SME trong hành trình CĐS”, ông Trevor Hublin nhấn mạnh.
Trang vàng giải pháp CĐS cho DN là ấn phẩm giúp các DN lựa chọn các giải pháp công nghệ số phù hợp khi thực hiện CĐS. Cơ sở dữ liệu (CSDL) các giải pháp CĐS trong tài liệu được rà soát, đánh giá và phân loại bởi chuyên gia của Chương trình qua 3 bước: Tạo bộ tiêu chí và câu hỏi khảo sát; công bố rộng rãi mời các DN cung cấp giải pháp CĐS trên toàn quốc tham gia; sàng lọc và đánh giá chi tiết tìm ra 40 DN cung cấp giải pháp CĐS phổ biến cho DN.
Hơn nữa, tài liệu chi tiết nêu cụ thể 04 nhóm nghiệp vụ các giải pháp CĐS bao gồm: Nhóm giải pháp chung cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề (56%); nhóm giải pháp sản xuất (14%); nhóm giải pháp hạ tầng và quản lý thông tin (10%) và nhóm giải pháp đặc thù (20%) của ngành y tế, xăng dầu, ngành vận tải & kho, ngành truy xuất nguồn gốc.
Không chỉ vậy, tài liệu cũng thống kê các DN cung cấp các giải pháp CĐS và phân loại theo nhóm, ngành các nền tảng CĐS đang được áp dụng hiệu quả hiện nay như: Nền tảng quản trị DN hợp nhất MISA AMIS (MISA); Quản lý DN Bemo Cloud (BAP); Quản lý doanh nghiệp Cloudify ERP (Cloudify); Kế toán cho hộ kinh doanh HKDO (EFFECT); Quản trị tổng thể nguồn nhân lực HiStaff (Tinh Vân); Hợp đồng điện tử Bkav eContract (BKAV); Tổng đài 3C và Voice Brandname (MobiFone)…
Đặc biệt, ở từng giải pháp, các ưu điểm, tính năng, giá trị đánh giá cũng được khách quan đề cập, và điều này góp phần giúp các đơn vị, DN lựa chọn dễ dàng, phù hợp với các tiêu chí và các khả năng thực tế hiện nay.
Số hoá SME có thể góp hàng chục tỷ USD vào GDP
Báo cáo “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DN vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Cisco thực hiện cho biết quá trình số hóa của các DN SME tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào GDP trong năm 2024 và góp phần vào phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Dù được đánh giá là xu thế tất yếu, tuy nhiên, quá trình triển khai CĐS còn nhiều thách thức. Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra CĐS trong DN còn có nhiều rào cản. Cụ thể, chi phí ứng dụng công nghệ số cao; thiếu cơ sở hạ tầng; sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân, DN; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh; khó khăn trong việc tích hợp các công cụ CNTT; các quy tắc, quy định không phù hợp với số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động.../.