Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 12/09/2023 - Lượt xem: 101
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số nông nghiệp - đòn bẩy tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản

Với vị trí địa lý là tỉnh miền núi nằm ở phía Đông Bắc, điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển kinh tế nông nghiệp thì những năm qua, nông lâm nghiệp vẫn luôn được Bắc Kạn xác định là thành phần mũi nhọn, chiếm 60% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, Bắc Kạn luôn xác định chuyển đổi số nông nghiệp là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với kỳ vọng tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản.

Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, Sở Thông tin và truyền thông đã chủ trì phối hợp cùng ngành Nông nghiệp hướng dẫn công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, đại diện các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cách tạo tài khoản và đăng ký gian hàng trực tuyến để giao dịch, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Posmart.vn, Voso.vn; cách tạo tài khoản ví điện tử của Viettel, VNPT, Mobiphone.

Ngoài ra, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước, UBND tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (https://backanmarket.vn/).

Sản phẩm nông sản Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử https://shopee.vn

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 72.473 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản và hoạt động tích cực trên sàn thương mại điện tử; 79.433 hộ được đào tạo kỹ năng số; 798 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; 12.736 giao dịch trên sàn thương mại điện tử (tỷ lệ giao dịch đạt 18%).

 Hiện nay, tỉnh đang triển khai kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thương nhân sản xuất kinh doanh và các thương nhân xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín năm 2023, trong đó đã lựa chọn 08 thương nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có tiềm năng, phù hợp với mục tiêu phát triển thương mại điện tử của tỉnh và đáp ứng các tiêu chí, ưu tiên sản phẩm của các xã trong lộ trình hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước là https://shopee.vnhttps://backanmarket.vn.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 02 Liên hiệp HTX với 18 thành viên là các HTX, trong đó: 01 Liên hiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 01 Liên hiệp hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Có 368 HTX, tổng số thành viên HTX là 3.713 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 674 tổ hợp tác, số thành viên là 7.670 thành viên.

Trong đó, có khoảng 5% tổng số HTX có website; có 17% tổng số HTX sử dụng hộp thư điện tử để giao dịch; 5% tổng số HTX có sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành HTX; 2% tổng số HTX tham gia quảng bá, giới thiệu, bán hàng trên các trang thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Shopee, Alibaba…

Ngoài ra, công tác quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường số được tập trung trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo,...) dưới dạng các fanpage, nhóm mua bán, trao đổi hàng hóa hoặc các trang cá nhân.

           Chị Phạm Hoàn, chị Trần Hướng - những người có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh
online livestream quảng bá bí xanh thơm Ba Bể

   Với những nỗ lực trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tại khu vực miền núi Bắc Kạn, lĩnh vực nông nghiệp đã đạt những kết quả đáng mừng.  Đến nay, Bắc Kạn đã có 182 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên trong đó có: 01 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao; 163 sản phẩm 3 sao. Sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao là Miến dong Tài Hoan của Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì. Sản phẩm này được bán rộng rãi trên cả nước và đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trên môi trường số, một số HTX đã chủ động ký kết tiêu thụ sản phẩm bí xanh… với các hệ thống siêu thị lớn.

Khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ “dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Để giúp khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ “dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi số cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và ngay cả lĩnh vực điều hành, quản lý cũng cần ứng dụng mạnh chuyển đổi số để các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất được kịp thời hơn. Có như vậy, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới không bị “lỡ nhịp” chuyển đối số trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

Thực hiện Đề án chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập xây dựng cơ sở dữ liệu nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp trên môi trường mạng, đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu.

Bắc Kạn đang xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin nông nghiệp

Cụ thể, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin nông nghiệp; Xây dựng website quảng bá, giới thiệu, quản lý, buôn bán sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Kạn. Triển khai ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS hỗ trợ quản lý, giám sát và cảnh báo dịch bệnh; đưa vào sử dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao …thông qua các phần mềm hỗ trợ trồng trọt, nông lịch, hệ thống tưới tự động...

Câu chuyện chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chỉ vừa mới bắt đầu và đang được tỉnh kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh vươn lên bắt kịp xu thế của tương lai./.

Nguyễn Nga