Thứ Ba, 28/01/2025
Ngày đăng: 06/11/2024 - Lượt xem: 64
Xem với cỡ chữ

Thanh toán không dùng tiền mặt định hình thị trường tiêu dùng Việt Nam

Làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đang thay đổi từng ngày.

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng

Tháng 9/2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã phối hợp với Công ty BPC Việt Nam tổ chức hội thảo “Chiến thắng cuộc đua thanh toán số trong ngành Tài chính Ngân hàng”.

Tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, hành vi khách hàng đang thay đổi nhanh chóng, sử dụng dịch vụ số mạnh mẽ.

Kỳ vọng cao của khách hàng đối dịch vụ tài chính - ngân hàng (trải nghiệm xuyên suốt, minh bạch, chi phí thấp….). Sự phát triển của các công nghệ lưu trữ, thu thập, tổng hợp dữ liệu cũng như các "điểm tiếp xúc" với khách hàng sản sinh ra khối lượng dữ liệu rất lớn…


Thanh toán không dùng tiền mặt trong 7 tháng đầu năm 2024
 đạt xấp xỉ gần 9,3 tỷ giao dịch.

Theo thống kê của NHNN Việt Nam, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt xấp xỉ gần 9,3 tỷ giao dịch (tăng 58,44% so với cùng kỳ năm 2023) và tổng giá trị giao dịch đạt hơn 160 triệu tỷ đồng (tăng 35,13% so với cùng kỳ năm 2023).

Đến hết tháng 6/2024, toàn Việt Nam có hơn 193 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Trước đó, cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 10 triệu tài khoản được mở mới.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các phương thức như Internet banking, e-banking, mobile banking, ATM, thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng, thanh toán online,… Trong đó, nổi bật nhất là thanh toán bằng mã QR.

Tuy "sinh sau đẻ muộn" nhưng hình thức thanh toán này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, đặc biệt là trong giới trẻ, bởi sự tiện lợi, an toàn và nhanh chóng.

Cũng trong báo cáo của NHNN đầu năm 2024, các kênh thanh toán điện tử đang dẫn đầu xu hướng không dùng tiền mặt (cashless) bao gồm ngân hàng Internet (tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị) và ngân hàng di động (tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị). Đặc biệt, thanh toán bằng mã QR bùng nổ với mức tăng trưởng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị.

Hướng đến nền kinh tế không tiền mặt

Trong Nghiên cứu về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2023 của Visa cho thấy, nhiều xu hướng thanh toán đang định hình nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam, đồng thời mở ra bước tiến quan trọng hứa hẹn sẽ mang tới sự chuyển đổi đáng kể cho bối cảnh thanh toán - tài chính trong thời gian tới đây.

Trước hết, đó là sự “lên ngôi” của ví điện tử. Việt Nam hiện góp mặt trong tốp đầu những thị trường Đông Nam Á đón nhận đông đảo lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử như một phương thức thanh toán yêu thích, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số. Báo cáo cũng cho thấy cứ 5 người thì có ít nhất 4 người tiêu dùng Việt sử dụng ví điện tử thường xuyên.


Việt Nam hiện góp mặt trong tốp đầu những thị trường Đông Nam Á
 đón nhận đông đảo lượt người dùng mới sử dụng ví điện tử.

Cùng với ví điện tử, thời gian gần đây, thanh toán theo thời gian thực (Real-time payment - RTP) đang dần chiếm lĩnh được vị thế với độ phủ sóng đáng kể, một minh chứng nội lực quốc gia trong việc đón nhận các công nghệ tài chính hiện đại. Phương thức thanh toán thời gian thực vừa cho thấy tính hiệu quả vừa nhanh chóng, tiện lợi, cũng từng bước tạo đà cho tiến trình số hóa nền kinh tế diễn ra tích cực hơn.

Ngoài ra, mua trước trả sau (Buy Now Pay Later - BNPL) cũng đang ngày một phổ biến rộng rãi và được nhiều người dùng Việt Nam quan tâm, nhờ khả năng mang đến những phương án thanh toán linh hoạt.

Quan hệ đối tác chiến lược giữa Visa với các nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong Giải pháp Trả góp Visa (Visa Instalment Solutions) là một thí dụ cho những tác động mang tính bước ngoặt của những loại hình thanh toán số đa dạng hiện nay trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh doanh. Thẻ tín dụng, tuy ít được sử dụng để nạp tiền cho ví điện tử, nhưng đổi lại trở thành lựa chọn ưu tiên hàng đầu cho thanh toán BNPL tại Việt Nam.

Trong thanh toán bán lẻ xuyên biên giới, NHNN Việt Nam cũng đã hợp tác với một số quốc gia trong khu vực (Thái Lan, Campuchia, Lào) để triển khai thử nghiệm kết nối thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR.

Bên cạnh đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động ngân hàng cũng đạt nhiều kết quả ấn tượng. Đến cuối năm 2023, có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.

Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, NHNN Việt Nam đã khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa.

Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, định hướng thời gian tới NHNN Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện, trình ban hành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội;.../.

Theo Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông