Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã có mạng LAN và kết nối mạng Internet tốc độ cao FTTH; 100% số máy tính được kết nối mạng internet. Tỷ lệ CBCC cần sử dụng máy tính phục vụ công việc được trang bị máy tính làm việc đạt 100%. Cùng với đó, 100% huyện đã có mạng LAN và kết nối mạng Internet tốc độ cao ADSL, FTTH; 100% số máy tính được kết nối mạng internet. Tỷ lệ CBCC cần sử dụng máy tính phục vụ công việc được trang bị máy tính làm việc đạt 100%. Đối với cấp xã, 100% các xã, phường, thị trấn được kết nối Internet bằng ADSL, FTTH.
Kỹ thuật viên Trung tâm CNTT&TT kiểm tra hoạt động của Trung tâm tích hợp dữ liệu
Trung tâm tích hợp dữ liệu được trang bị hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm cơ bản đáp ứng các yêu cầu. Hiện tại, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đang quản lý toàn bộ ứng dụng dùng chung của tỉnh, bao gồm: Hệ thống phần mềm "Một cửa", "Một cửa liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TDOffice); Cổng TTĐT của tỉnh, trang/cổng TTĐT của hầu hết các sở, ban, ngành, huyện, thành phố và trang TTĐT chuyên ngành; Hệ thống thư điện tử công vụ và một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.
Ngoài ra, một số ngành được trang bị hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm để triển khai các ứng dụng chuyên ngành như: Ngành Tài nguyên - Môi trường, Giáo dục - Đào tạo.
Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được đầu tư từ năm 2009 và đến nay tiếp tục được duy trì hoạt động hiệu quả.
Hệ thống truyền dẫn cáp quang của tỉnh là 2.211km. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được quang hóa, trong đó có 117 tuyến cáp ngầm với tổng chiều dài khoảng 260km đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet của khách hàng, 01 trạm OMC quản lý BTS của của vinaphone. Toàn tỉnh có 550 trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS), trong đó có 550 trạm phát sóng 3G, 2G, và 266 trạm phát 4G; mật độ thuê bao điện thoại cố định, điện thoại di động là 90,2 máy/100 dân; 100% các xã, phường, thị trấn được kết nối Internet và được phủ sóng điện thoại di động. Tổng số thuê bao Internet là 36.045 thuê bao, mật độ thuê bao Internet là 14,8 thuê bao/100 dân.
Hiện tại, tỉnh đã lắp đặt 28 điểm truy cập wifi công cộng công suất lớn, tạo điều kiện cho người dân truy cập internet được nhanh chóng và thuận lợi tại các địa điểm như: Trung tâm các huyện, thành phố, các cơ quan nhà nước...
Việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đã được chú trọng. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh cài đặt các phần mềm có bản quyền, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cơ bản; tỉ lệ máy tính cài đặt phần mềm diệt virus tại các cơ quan, đơn vị đạt trung bình là 75 %, trong đó, tại các cơ quan cấp tỉnh đạt 100%.
Hạ tầng CNTT được đầu tư đồng bộ là điều kiện để đưa CNTT ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực, trở thành một trong những yếu tố quan trọng của sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Trên nền tảng của hạ tầng CNTT, nhiều phần mềm dùng chung đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, mang lại hiệu quả tích cực. Nhận thức của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã tăng lên rõ rệt, việc sử dụng CNTT ngày càng trở thành thói quen, việc ứng dụng CNTT ngày càng phổ biến; người dân, doanh nghiệp kể cả những nơi vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đều được tạo điều kiện để tiếp xúc, khai thác và sử dụng thông tin điện tử và ứng dụng CNTT góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo.
Từ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã góp phần tích cực trong cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính công. Người dân, doanh nghiệp đã bắt đầu được hưởng những lợi ích từ việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các cơ quan, địa phương như việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, nộp thuế, nộp bảo hiểm, đổi giấy phép lái xe; tìm hiểu thông tin của các đơn vị; tra cứu hệ thống văn bản, các thủ tục hành chính dễ dàng và thuận tiện; các doanh nghiệp Viễn thông - CNTT trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nguồn đóng góp cho ngân sách nhà nước và chất lượng dịch vụ được nâng cao.
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin có tác động quan trọng đến vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của ngành Thông tin và Truyền thông, tất cả các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần gắn kết nhiệm vụ phát triển của mình với nhiệm vụ ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Có như vậy mới xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống CNTT từ tỉnh đến cơ sở nhằm đảm bảo thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh./.