Thứ Năm, 21/11/2024
Ngày đăng: 06/11/2024 - Lượt xem: 32
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Kạn

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian qua đã có tác động rõ rệt, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và thư viện.

Số hóa để phát triển du lịch

Từ năm 2022, các mô hình số hóa du lịch của tỉnh Bắc Kạn bắt đầu được xây dựng và đưa vào sử dụng mang lại tín hiệu tích cực cho du lịch địa phương.

Mô hình số hóa Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Nà Tu
phát huy hiệu quả trong quảng bá hình ảnh di tích

Công trình số hóa Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông là sản phẩm số hóa di tích lịch sử - văn hóa đầu tiên của tỉnh, góp phần cụ thể hóa Ðề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ cần quét mã QR trên điện thoại thông minh, du khách có thể tham quan, tìm hiểu toàn bộ Khu di tích lịch sử quốc gia Nà Tu qua công nghệ ảnh 3D và tìm hiểu thông tin, tra cứu tài liệu dựa vào tính năng chỉ đường tích hợp trên ứng dụng. Thuyết minh tiếng Việt và có phụ đề bằng tiếng Anh bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng quảng bá hình ảnh di tích đến với du khách.

Cùng với đó, “Ðiểm truy cập thông tin du lịch Bắc Kạn” tại hồ Ba Bể cũng là mô hình mới phát huy hiệu quả trong việc cung cấp thông tin cho khách du lịch. Tại đây, chỉ cần quét mã QR, du khách sẽ truy cập website chính thức của ngành du lịch Bắc Kạn (tại địa chỉ http://dulich.backan.gov.vn ), từ đó dễ dàng tìm kiếm, tra thông tin về các địa điểm tham quan, tuyến du lịch; các dịch vụ lưu trú, ăn uống, ngân hàng, y tế, phương tiện di chuyển…

Tiếp nối thành công của công trình số hóa Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông và  “Ðiểm truy cập thông tin du lịch Bắc Kạn” tại Hồ Ba Bể, từ năm 2023, Ngành Văn hóa đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển du lịch”.

Theo đó, Ngành tập trung thực hiện số hoá các di tích đã được xếp hạng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, đồng thời tăng cường quảng bá du lịch qua mạng internet, không giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ; đồng thời thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hoá, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, công đồng ở mọi lúc mọi nơi.

 Điểm mới của dự án là sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và tích hợp trên các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, kích cầu du lịch. Du khách có thể tham quan, tìm hiểu các điểm du lịch qua công nghệ thực tế ảo VR360 và tìm hiểu thông tin, tra cứu tài liệu dựa vào tính năng chỉ đường tích hợp trên ứng dụng. Trong ứng dụng có sẵn các thông tin, hình ảnh về điểm đến, cùng với thuyết minh tiếng Việt và phụ đề bằng tiếng Anh, mô hình bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, thuận tiện. Trên cơ sở các thông tin cung cấp sẵn, du khách sẽ có trải nghiệm tương tác, trải nghiệm tham quan ảo, từ đó có thể tự thiết kế t hành trình du lịch phù hợp với nhu cầu của bản thân.

Số hóa ngành thư viện hướng tới Thư viện số

Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động của đơn vị thông qua các hoạt động mới mẻ như giới thiệu sách trên các trang mạng xã hội zalo, facebook; duy trì hiệu quả hoạt động của phòng máy tính của Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam…, qua đó bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc, phát triển văn hóa đọc.

Nhận thức được sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, từ năm 2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã duy trì nhiệm vụ sưu tầm, số hóa tài liệu các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Việc số hóa được thực hiện theo phương pháp chụp ảnh, quét thành dữ liệu lưu trên máy tính, bảo đảm thông tin đúng hiện trạng, nội dung từng tài liệu cổ. Từ sự tài trợ của Quỹ Bill & Melinda Gates (Mỹ), Thư viện tỉnh được trang bị máy chủ, máy chiếu, máy quét ảnh, 40 máy tính, thiết bị ngoại vi… đáp ứng cho việc số hóa các tài liệu, thư tịch cổ.

Năm 2023, Thư viện tỉnh đã sưu tầm, sao chụp được là 4.144 trang tài liệu, trong đó: 2.305 trang tài liệu là bản thảo viết tay chữ Hán Nôm, Nôm Tày; 1.839 trang tài liệu sách in chữ quốc ngữ về văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, về văn hóa, đời sống của từng dân tộc; 05 ảnh hiện vật về công cụ, trang phục.

Theo kế hoạch, các tài liệu sẽ lần lượt được được số hóa lưu giữ trong ổ cứng và đưa lên phần mềm thư viện số Dspace do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ để phục vụ tại Thư viện tỉnh.

Cán bộ thư viện tỉnh sưu tầm, số hóa tài liệu chữ Hán Nôm tại huyện Chợ Đồn

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bắc Kạn sẽ từng bước đầu tư, phát triển Thư viện tỉnh trở thành Thư viện điện tử theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu đọc và tra cứu thông tin của người dân; đẩy mạnh việc ứng dụng, triển khai các phần mềm quản lý thư viện, thư viện số vào hoạt động thư viện; chú trọng phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện với Thư viện Quốc gia, thư viện các tỉnh/thành phố. Đồng thời thực hiện thu thập, số hóa 70% tài liệu, thư tịch cổ, tài nguyên thông tin của các dân tộc thiểu số; ưu tiên số hóa tài liệu địa chỉ có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của địa phương. Hiện nay, Đề án thư viện số tỉnh đã được xây dựng và đang trong quá trình chờ phê duyệt.

***

Với những giải pháp trọng tâm, phù hợp, Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Kạn đã và đang đạt được những kết quả quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số, qua đó góp phần đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số của địa phương./.

Thu Hiền