Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 12/11/2018 - Lượt xem: 44
Xem với cỡ chữ

Tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử

Thời gian qua, việc đầu tư hạ tầng thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước đã được tỉnh từng bước quan tâm. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính - là tiền đề thực hiện thành công chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn.

Thành phố Bắc Kạn là một trong những địa phương đi đầu trong áp dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông vào giải quyết thủ tục hành chính. Ngày 25/12/2017, Bộ phận Một cửa hiện đại của UBND Thành phố chính thức đi vào hoạt động. Trước đó, UBND Thành phố đã có Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa đối với 05 lĩnh vực (đất đai; lao động - thương binh và xã hội; tư pháp, hộ tịch; tài chính kế hoạch; quản lí đô thị). Cùng với bộ phận một cửa hiện đại của UBND thành phố, từ năm 2018, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã, phường cũng chính thức đi vào hoạt động trên các lĩnh vực: Tư pháp, Xây dựng, Văn hóa - xã hội; Tài nguyên - Môi trường; Nông - Lâm nghiệp. Bộ phận Một cửa hiện đại thành phố và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND 08 xã, phường hiện có tổng 69 cán bộ, công chức, được bố trí trực luân phiên đảm bảo tất cả các ngày trong tuần đều có người trực tại bộ phận. Mô hình một cửa, một cửa liên thông đã giúp bà con giảm thời gian và chi phí khi thực hiện các TTHC. Đây có thể coi là bước đột phá về CCHC và hiện đại hóa nền hành chính của Thành phố; thể hiện quyết tâm cải cách của lãnh đạo Thành phố, hướng tới sự thuận lợi và nâng cao mức độ hài lòng cho người dân. 

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông
Thành phố tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC của công dân

Thành phố Bắc Kạn là điển hình tiêu biểu cho thấy quyết tâm cải cách hành chính, hướng tới xây dựng thành công chính quyền điện tử của tỉnh Bắc Kạn. Việc giải quyết thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã từng bước tạo nên môi trường hành chính thông thoáng, minh bạch, thuận tiện cho cá nhân/tổ chức đến giao dịch với cơ quan Nhà nước tại địa phương. Cuối năm 2017, toàn tỉnh có 146 đơn vị đã được triển khai phần mềm một cửa, một cửa liên thông và dịch vụ công mức độ cao. Đến hết quý II/2018, có 16 đơn vị cấp tỉnh, 8 UBND các huyện, thành phố và 99 UBND cấp xã đã đưa phần mềm vào sử dụng. Trong đó huyện Chợ Đồn và Na Rì có 100% số xã đã sử dụng phần mềm. Đặc biệt, qua Cổng thông tin dịch vụ hành chính công (https://dichvucong.backan.gov.vn), người dân, tổ chức dễ dàng truy cập tra cứu thông tin TTHC, yêu cầu hồ sơ, các bước thực hiện và thao tác gửi, theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ trực tuyến. Hiện nay, 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2. Tính đến tháng 10/2018, tỉnh đã cung cấp hơn 1.800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tập trung xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo theo chủ trương của Chính phủ, hiện tỉnh đang tập trung xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, quyết liệt hành động, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước đã được quan tâm đẩy mạnh nhằm xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, đồng bộ, hướng tới xây dựng thành công Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ. Bắc Kạn đã nâng cấp, mở rộng Trung tâm Tích hợp dữ liệu, đảm bảo vận hành ổn định, an toàn các hệ thống ứng dụng dùng chung cho các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Tỉnh cũng đã triển khai nâng cấp, đưa vào vận hành các hệ thống dùng chung như: Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; triển khai hệ thống phần mềm “Một cửa”, “Một cửa liên thông” và dịch vụ công mức độ cao tỉnh Bắc Kạn. Qua đó đảm bảo việc kết nối liên thông toàn bộ hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại các cơ quan khối đảng, chính quyền và đoàn thể từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Trong 10 tháng năm 2018, Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TDOffice) có trên 10 nghìn lượt gửi - nhận văn bản điện tử. 100% văn bản (không mật) trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên đều được gửi bản điện tử và được gắn chữ ký số chuyên dùng đảm bảo giá trị pháp lý. Trong đó, có khoảng 80% văn bản chỉ gửi bản điện tử, số còn lại (20%) là các văn bản bắt buộc phải gửi bản giấy như: Tờ trình, Quyết định, Kế hoạch, Báo cáo và các văn bản khác theo yêu cầu. Từ cuối năm 2017, các xã cũng bắt đầu sử dụng ổn định hệ thống TDOffice và chữ ký số chuyên dùng trong trao đổi văn bản. 6 tháng đầu năm 2018, có 111 xã được đánh giá mức độ sử dụng phần mềm đạt loại Khá, Tốt.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO tại các cơ quan hành chính các cấp thuộc tỉnh, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch duy trì và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Bắc Kạn năm 2018 và Kế hoạch xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2022.

Hiện đại hóa nền hành chính chính là bước đệm nhằm hướng đến việc xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao tính chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự và minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý, điều hành. Cán bộ công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ có ý thức và trách nhiệm hơn; làm việc văn minh, khoa học, hiệu quả hơn. Tình trạng chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính cũng từng bước được khắc phục, vì phải tuân thủ các bước, quy trình một cửa điện tử. Thay đổi cách thức, tăng cường kiến tạo phục vụ nhân dân, cụ thể là đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về mặt hành chính để người dân thuận lợi trong việc giao dịch với cơ quan Nhà nước là nhiệm vụ cấp thiết đang được Bắc Kạn chú trọng thực hiện để đáp ứng yêu cầu của phát triển địa phương trong thời kỳ hội nhập./.

Nguyễn Nga