Nhằm triển khai chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử, thời gian qua, Bắc Kạn đã xây dựng và ban hành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm tích hợp dữ liệu, liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng phù hợp với định hướng của quốc gia về Chính phủ điện tử.
Thực hiện lộ trình triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử, tỉnh đã đầu tư nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, đưa vào hoạt động có hiệu quả các hệ thống ứng dụng như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hệ thống email công vụ; hệ thống một cửa, một cửa liên thông và dịch vụ công mức độ cao; Cổng Thông tin điện tử… Các phần mềm dùng chung được đưa vào hoạt động có hiệu quả đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cùng với việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước, vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin (đặc biệt là thông tin cá nhân và quyền riêng tư khi tham gia giao dịch trên môi trường điện tử nói chung, môi trường Internet nói riêng) là một trong những yếu tố tiên quyết cho thành công của chính phủ điện tử. Thông tin cá nhân (bao gồm những thông tin cho phép xác định chính xác danh tính một người dân cụ thể cũng như tình trạng pháp luật của họ) chính là những thành tố cơ bản nhất của hệ thống thông tin chính phủ điện tử. Với tầm quan trọng đó, thời gian qua, Bắc Kạn đã từng bước quan tâm, chú trọng tới việc đảm bảo an toàn các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản quan trọng về triển khai quyền phủ điện tử và bảo đảm an toàn thông tin. Sở đã triển khai đồng bộ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an toàn thông tin. Trong đó, chú trọng hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an ninh thông tin; phổ biến việc thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn thông tin như Luật An toàn thông tin mạng, các nghị định hướng dẫn cùng các văn bản luật khác như Luật Cơ yếu, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước...
Giao diện Diễn đàn an toàn thông tin Bắc Kạn do Sở Thông tin và Truyền thông quản trị và vận hành
Hằng năm, Sở đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nhằm cập nhật, nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các cán bộ chuyên trách, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các đơn vị, cung cấp kiến thức cơ bản về đảm bảo an toàn thông tin mạng cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức về chuyên môn và kỹ năng sử dụng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin mạng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước, từ đó chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời, Sở còn tổ chức kiểm tra, rà soát và đánh giá tổng thể về công tác đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.
Đến nay, hệ thống hạ tầng và các ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị đều được triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh thông tin mạng như: Trang bị phần cứng, hướng dẫn quản lý, vận hành; cài đặt chương trình diệt vi-rút, sao lưu dữ liệu… Để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, ngăn ngừa mã độc, phần mềm gián điệp tấn công vào các hệ thống thông tin trọng yếu, máy tính cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức, Sở Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, ưu tiên thực hiện một số biện pháp như: Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước về mức độ quan trọng của việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thư điện tử công vụ để gửi các văn bản trao đổi công việc trong các cơ quan nhà nước, không sử dụng các hộp thư điện tử miễn phí (Gmail, Yahoo...) trong trao đổi công việc; thường xuyên và định kỳ thay đổi mật khẩu hộp thư điện tử công vụ, máy tính của mình. Bên cạnh đó, bố trí cán bộ, bộ phận chuyên trách công nghệ thông tin của cơ quan thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống mạng nội bộ (LAN) gồm: Máy chủ, máy trạm, thiết bị mạng, phần cứng, phần mềm hệ thống và các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng nhằm đánh giá tổng thể mức độ an toàn thông tin mạng, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố, lỗ hổng, ngăn chặn, bóc gỡ mã độc tấn công vào hệ thống mạng.
Bên cạnh đó, hệ thống chữ ký số chuyên dùng từng bước được triển khai phục vụ công tác xác thực, đảm bảo an toàn thông tin cho các giao dịch điện tử hướng tới triển khai các ứng dụng CNTT chất lượng cao.
Để đảm bảo các hệ thống ứng dụng CNTT hoạt động tốt trên mạng Internet, đa số các cơ quan quản lý nhà nước đã bước đầu quan tâm thực hiện theo các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh. Nhờ chủ động đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo ATTT nên hệ thống thông tin của tỉnh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh vận hành thông suốt, bảo đảm cho việc ứng dụng CNTT trong chính quyền điện tử và cải cách hành chính.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan Nhà nước, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục coi trọng công tác đảm bảo an ninh thông tin mạng; triển khai thực hiện đồng bộ, từ việc đầu tư trang thiết bị, các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin một cách tổng thể cho đến người sử dụng. Trong đó, việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng và ý thức tuyệt đối chấp hành các quy tắc đảm bảo an toàn thông tin của mỗi người sử dụng là yếu tố cốt lõi. Bởi các hệ thống dù được đầu tư tốt nhưng người vận hành, người sử dụng thiếu kiến thức, chủ quan trong việc đảm bảo an toàn thông tin cũng đều có thể trở thành lỗ hổng để tin tặc khai thác, tấn công vào hệ thống bên trong.
Để người dân, doanh nghiệp sử dụng hiệu quả hơn các hệ thống thông tin do các cơ quan nhà nước triển khai như hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trang/cổng thông tin điện tử, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, đồng thời, hoàn thiện các hệ thống phần mềm dùng chung theo hướng hoàn thiện, lấy người dân làm trung tâm, hạn chế tối đa việc người dân phải cung cấp lại thông tin, dữ liệu.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước đang là một nhiệm vụ quan trọng và không thể thiếu trong công tác ứng dụng CNTT và hoạt động chỉ đạo điều hành. Do đó, các hệ thống thông tin, các ứng dụng phần mềm cũng sẽ tiếp tục được kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ an toàn bảo mật để các cơ quan, đơn vị đưa ra giải pháp kịp thời để đối phó, ngăn chặn các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra./.