Thứ Năm, 21/11/2024
Ngày đăng: 27/02/2023 - Lượt xem: 57
Xem với cỡ chữ

Cần biến tài nguyên dữ liệu thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số

Nhấn mạnh quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chỉ rõ: Cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng về chuyển đổi số

Ngày 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đánh giá kết quả năm 2022 và đề ra nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Hội nghị được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương.
(Ảnh: Lê Anh Dũng)

Được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hội nghị còn có sự tham dự của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Theo Chinhphu.vn, trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Việc thực hiện nhiệm vụ này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số phát biểu khai mạc hội nghị.
(Ảnh: Lê Anh Dũng)

Thủ tướng yêu cầu, phải có tư duy đi trước, đón đầu, đi trước - về trước, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Về dữ liệu, Thủ tướng nhấn mạnh phải quán triệt quan điểm đây là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số. Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số khi công nghệ số được ứng dụng để phát triển các nền tảng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Năm 2022 là năm tăng tốc thực hiện chuyển đổi số với nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh việc đưa người dân lên các nền tảng số “Make in Việt Nam”, đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Với nỗ lực chung của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2022, nhiều chỉ tiêu quan trọng về chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 đã được hoàn thành như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%, vượt 0,5% so với mục tiêu; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán đạt 66%, cao hơn mục tiêu đề ra 1%; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%; 58/63 địa phương đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; đã cấp trên 78,5 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử cho công dân…

Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế khiến cho việc triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam còn chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Cụ thể, bên cạnh các tồn tại trong việc phát triển dữ liệu, triển khai các nền tảng số, nhân lực cho chuyển đổi số, vẫn còn tình trạng thiếu sự chủ động, chậm trễ của các bộ, tỉnh trong lập kế hoạch và tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Cùng với đó là tình trạng thiếu đồng bộ từ trung ương đến địa phương và giữa các địa phương trong triển khai Đề án 06.

Cách tiếp cận Việt Nam để hình thành các công dân số

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số bền vững, thực chất, đồng bộ thì dữ liệu số là yếu tố quyết định. Do vậy, chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, từ đó đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng báo cáo về những nội dung trọng tâm
trong kế hoạch của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã báo cáo về những nội dung trọng tâm trong kế hoạch của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 và Năm Dữ liệu số quốc gia.

Theo đề xuất của cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, các hoạt động trọng tâm của Ủy ban quốc gia và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp sẽ xoay quanh chủ đề chung của năm 2023 là dữ liệu số.

Năm nhiệm vụ trọng tâm sẽ được tập trung gồm: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; và nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Nhấn mạnh từ khóa “nền tảng số”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng lưu ý thêm, để có dữ liệu, dữ liệu có thể liên thông, kết nối liền mạch và khai thác dữ liệu được dễ dàng thì cần phải có các nền tảng số được sử dụng thống nhất, xuyên suốt trong phạm vi quốc gia và trong phạm vi mỗi địa phương.

Cách tiếp cận chung năm 2023, theo đề nghị của đại diện Bộ TT&TT, là kế hoạch giao 32 chỉ tiêu quốc gia cũng là 32 nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương. Đây là những nội dung đã rõ cách làm. Đồng thời, mỗi bộ, mỗi tỉnh được giao thêm 1 nội dung đặc thù.

“Nội dung đặc thù là nội dung đã rõ cách làm nhưng cần tiên phong làm nhanh, ra kết quả trước, để tạo cảm hứng, chia sẻ bài học kinh nghiệm cho các bộ, tỉnh khác tham khảo; hoặc là nội dung mới, chưa rõ cách làm, cần làm thí điểm để từ đó nhân rộng. Như vậy, cơ bản mỗi bộ, tỉnh có khoảng 32+1 nhiệm vụ năm 2023”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.

Trong khuôn khổ hội nghị, theo chương trình, Lãnh đạo 2 bộ TT&TT và Công an điều hành 2 phiên thảo luận  về chuyển đổi số và triển khai Đề án 06.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, từ khóa quan trọng nhất
của chuyển đổi số Việt Nam là “nền tảng số”. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Khẳng định từ khóa quan trọng nhất của chuyển đổi số Việt Nam chính là “nền tảng số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nền tảng số là 1 phần cứng, 1 phần mềm, 1 đơn vị vận hành nhưng dùng chung cho toàn quốc, toàn ngành, toàn địa phương. Bởi vậy, người đứng đầu các bộ, ngành trung ương, người đứng đầu các địa phương phải là người quyết định, chỉ đạo, thực thi triển khai các nền tảng số.

“Năm 2023, mỗi đồng chí Bộ trưởng, mỗi đồng chí Chủ tịch xác định một số nền tảng số quan trọng nhất, giải quyết vấn đề, nỗi đau quan trọng nhất của ngành mình, địa phương mình để triển khai. Quyết tâm chính trị của người đứng đầu là yếu tố quyết định của chuyển đổi số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.

Hình thành công dân số thì quan trọng nhất là hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số để mua, để bán, để học, để làm việc, để sử dụng dịch vụ công, để khám chữa bệnh, để giải trí. Việc hình thành các Tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn, bản, tổ dân phố để có thể đến từng hộ gia đình, đi từng ngõ, gõ từng nhà hướng dẫn sử dụng nền tảng số là cách tiếp cận rất Việt Nam.

“Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Tổ công nghệ số cộng đồng là lời giải của chúng ta. Đây cũng là cách để không ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành TT&TT đề nghị các địa phương hãy coi Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng chuyển đổi số xung kích, mạnh nhất của mình, là những chiến binh chuyển đổi số.

Theo ictnews.vietnamnet.vn