Sáng 9/3, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW) đã phối hợp tổ chức tọa đàm chuyên đề "Đánh giá vòng 2 việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022".
Nghiên cứu này nằm trong chuỗi nghiên cứu thực chứng thường niên việc thực hiện công khai thông tin đất đai ở Việt Nam của chính quyền địa phương từ năm 2021 đến nay. Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Ai-len và UNDP tại Việt Nam cùng tài trợ cho nghiên cứu này thông qua Chương trình nghiên cứu Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của UNDP tại Việt Nam.
Nghiên cứu vòng 2 được thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 02/2023 thông qua việc rà soát cổng thông tin điện tử (TTĐT) chính thức của 63 tỉnh, thành phố và 705 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc. Mức độ công khai thông tin đất đai của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện được đánh giá dựa trên 05 tiêu chí bao gồm: (i) Công khai thông tin; (ii) Khả năng tìm kiếm thông tin; (iii) Tính kịp thời của thông tin; (iv) Tính đầy đủ của thông tin (đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện); và (v) Khả năng sử dụng thông tin (dễ đọc, dễ hiểu và đọc được bằng các phần mềm thông dụng).
Kết quả khảo sát thường niên qua Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 - 2021 cho thấy, dưới 20% số người được hỏi trên toàn quốc biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, và dưới 40% biết đến bảng giá đất chính thức do chính quyền cấp tỉnh ban hành.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ: “Việc chia sẻ thông tin không công bằng cho các nhóm đối tượng về kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ rất lớn”.
Bà cho biết thêm: “Kinh nghiệm thực tiễn tốt ở nhiều quốc gia cho thấy, nơi nào thông tin đất đai được chia sẻ công khai, minh bạch và người dân có cơ hội cho ý kiến vào các dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất, thì nơi đó kiểm soát tốt hơn nguy cơ tham nhũng liên quan đến đất đai, giảm thiểu những bức xúc liên quan đến đất đai, từ đó niềm tin của người dân với chính quyền được cải thiện”.
Việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trên cổng TTĐT của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện chậm cải thiện
So sánh với kết quả rà soát việc công khai thông tin đất đai trên cổng TTĐT của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện năm 2021, kết quả rà soát năm 2022 cho thấy có sự cải thiện trong việc công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh, và mức độ phản hồi của chính quyền địa phương đối với yêu cầu cung cấp thông tin của công dân. Tuy nhiên, việc công khai những nội dung này chưa có nhiều thay đổi giữa hai lần đánh giá, và các chính quyền địa phương cần cải thiện nhiều hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ công khai thông tin đất đai trên môi trường điện tử.
Cụ thể, về việc công khai bảng giá đất cấp tỉnh, tính đến ngày 06/10/2022, có 41/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương (chiếm 65%) đã đăng tải công khai bảng giá đất trên cổng TTĐT của địa phương, tăng 22,2% so với kết quả rà soát năm 2021. Tuy nhiên, tài liệu ở một số cổng TTĐT này được lưu dưới dạng tài liệu nén và lưu trữ thiếu tính hệ thống, dẫn tới khó khăn cho người sử dụng muốn tìm kiếm bảng giá đất.
Về việc công khai kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tính đến ngày 06/10/2022, trong số 705 UBND cấp huyện có 55,2% đã thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất trên cổng TTĐT cấp huyện. Có 19/389 đơn vị công khai KHSDĐ cấp huyện năm 2022 ban hành KHSDĐ đúng thời hạn (chiếm 4,9%). So sánh kết quả rà soát năm 2021 cho thấy, số lượng UBND cấp huyện thực hiện công khai kế hoạch sử dụng đất trên cổng TTĐT tử tăng nhẹ (khoảng 7%).
Về việc công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, nội dung mới được đánh giá vào năm 2022, tính đến hết ngày 06/10/2022, trong tổng số 705 đơn vị huyện trên toàn quốc, gần 49% (tương đương 345 UBND cấp huyện) đã thực hiện công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, trong đó 105/345 cơ quan được ghi nhận đã công khai đúng thời hạn, 116/345 cơ quan công khai không đúng thời hạn và 124/345 cơ quan không xác định được thời gian công khai.
Về tính đầy đủ, có 171 cơ quan (chiếm 49,6% trong số 345 UBND cấp huyện) đã đăng tải đầy đủ 03 văn bản bao gồm quyết định phê duyệt, báo cáo thuyết minh tổng hợp và bản đồ quy hoạch sử dụng đất. Kết quả ghi nhận chỉ có 53 UBND cấp huyện đáp ứng cả 05 tiêu chí đề ra bao gồm công khai thông tin, khả năng tìm kiếm, tính kịp thời, tính đầy đủ và khả năng sử dụng.
Nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ cơ quan nhà nước cấp huyện không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin của công dân vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 21/02/2023, có 146 cơ quan trong tổng số 561 UBND cấp huyện được gửi yêu cầu đã phản hồi bao gồm 108 cơ quan phản hồi cung cấp thông tin (chiếm 19%), 06 cơ quan từ chối cung cấp thông tin (chiếm 1%), 32 phản hồi khác (chiếm gần 6%) và 415 cơ quan (tương đương 74%) không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin.
Một số đề xuất, khuyến nghị
Lý giải nguyên nhân các địa phương ít công khai bảng giá đất, quy hoạch sử dụng đất, bà Hoàng Thị Vân Anh, Nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dù trong luật đất đai hiện hành có quy định nhưng nhận thức về vai trò vị trí của việc công khai thông tin của địa phương chưa tốt. Khi có hành vi vi phạm lại xử lý chưa triệt để, ít mang tính răn đe, chậm xử lý hoặc chưa xử lý đúng...
Nguyên nhân của công bố không đầy đủ, phông chữ không chuẩn mực... là bởi chưa có quy định đầy đủ về công bố công khai thông tin, công khai mang tính hình thức, gây khó dễ cho người có nhu cầu tiếp cận.
Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm
Để thúc đẩy việc công khai thông tin đất đai của các cơ quan nhà nước, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ hóa các quy định pháp luật và chính sách liên quan tới công khai thông tin đất đai giữa Luật Tiếp cận thông tin và Luật Đất đai. Đồng thời, các cơ quan hữu quan ở cấp tỉnh và cấp huyện cần triển khai thực hiện đầy đủ việc công khai thông tin đất đai trên môi trường trực tuyến ngoài môi trường trực tiếp.
Mặt khác, đối với bà con dân tộc thiểu số, để tiếp cận thông tin nói chung và thông tin đất đai nói riêng, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia của UNDP Việt Nam, cho biết họ là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong việc sử dụng các dịch vụ này. Trong thời gian vừa qua và sắp tới, UNDP đã và đang nỗ lực đưa thông tin và dịch vụ công tới các cộng đồng dân tộc thiểu số tại Hà Giang và Quảng Trị để phục vụ bà con tốt hơn. UNDP mong muốn sự chung tay, góp sức này được nhân rộng, các chính quyền địa phương sẽ học hỏi kinh nghiệm để đưa thông tin và dịch vụ công tới bà con bằng các dịch vụ lưu động thay vì yêu cầu bà con đến trực tiếp./.