Giao dịch thu ngân sách, kiểm soát chi được rút ngắn đáng kể
Thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết đơn vị này đã triển khai thành công Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) đã gắn kết chặt chẽ quản lý quỹ NSNN với quy trình quản lý ngân sách. Công tác tập trung nguồn thu và kiểm soát, thanh toán các khoản chi được đổi mới toàn diện (thời gian thực hiện giao dịch thu ngân sách nàh nước (NSNN) từ 30 phút còn 05 phút, thời gian kiểm soát chi từ 7 ngày còn 1-3 ngày), tạo nhiều thuận lợi cho người nộp thuế và đơn vị sử dụng ngân sách, tiết kiệm chi phí tổ chức thu, chi NSNN.
Về công tác thanh toán, quản lý ngân quỹ và huy động vốn cho NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) được đổi mới theo hướng an toàn, hiệu quả; hoàn thành xây dựng tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, theo đó toàn bộ tiền gửi thanh toán tập trung tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các công cụ dự báo luồng tiền, thực hiện đầu tư NQNN tạm thời nhàn rỗi được phát triển. Quản lý NQNN với quản lý ngân sách và quản lý nợ được gắn kết chặt chẽ, tạo thêm nguồn thu và giảm chi phí vay nợ cho NSNN.
Về kế toán nhà nước, KBNN đã xây dựng và hoàn thiện chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN thống nhất dựa trên cơ sở kế toán tiền mặt điều chỉnh. Từ năm 2019, triển khai lập báo cáo tài chính nhà nước, cung cấp thêm một kênh thông tin quan trọng giúp cho Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp có được bức tranh tổng thể về tình hình tài chính nhà nước, phục vụ cho công tác quản lý điều hành và tăng cường tính công khai, minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình theo thông lệ quốc tế.
Hệ thống thanh toán điện tử tập trung của KBNN với NHNN Việt Nam và hệ thống ngân hàng thương mại được xây dựng và vận hành, đảm bảo mọi giao dịch thanh toán của NSNN và các đơn vị giao dịch được xử lý nhanh chóng, chính xác và an toàn. Ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử được đẩy mạnh, theo đó, tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN đã giảm mạnh, góp phần giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt trong khu vực công và tiết kiệm chi phí xã hội.
Công chức kho bạc Nhà nước thực hiện rà soát số liệu thanh toán vốn ngân sách trên DVCTT.
(Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn)
Về cung cấp dịch vụ hành chính công qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), KBNN đã triển khai DVCTT đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng), chiếm trên 99,5% hồ sơ kiểm soát chi NSNN. 100% các DVCTT do KBNN cung cấp đã được nâng cấp lên mức 4 và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, vượt 20% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
“DVCTT đã giúp cho KBNN hoàn thành mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử khi không còn khách hàng và hồ sơ, thủ tục, giấy tờ được đưa lên môi trường mạng...”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Đổi mới KBNN hiệu quả trở thành kho bạc 3 “không” và 3 “có”
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.
Theo Chiến lược mới, KBNN sẽ triển khai xây dựng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ NSNN, NQNN; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN; thực hiện tốt chức năng tổng kế toán nhà nước; kiện toàn bộ máy tổ chức gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại, có sự kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) khác của ngành tài chính, CSDL quốc gia, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước (CQNN), góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.
Ông Nguyễn Đại Trí, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Bộ Tài chính cho biết chiến lược là căn cứ quan trọng để kho bạc tiếp tục triển khai hiện đại hoá kho bạc hướng tới kho bạc số, thông minh. Căn cứ vào chiến lược này, KBNN cũng đã xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.
Để thực hiện kế hoạch, ông Nguyễn Đại Trí cho biết có một số mục tiêu mà KBNN cần quan tâm để hướng tới hình thành kho bạc số là trở thành kho bạc 3 “không” là không tiền mặt, không giấy tờ, không giao dịch tại quầy và 3 “có” là an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng và sử dụng tối ưu các nguồn lực.
Về công việc cụ thể, ông Trí cho biết cần phải có kế hoạch cụ thể cho việc nâng cấp, thậm chí có thể phải thay thế hệ thống thông tin TABMIS. Đây là hệ thống lớn, thành công nhưng đã đi vào hoạt động 10 năm, công nghệ thay đổi rất nhiều, đặc biệt là yêu cầu của công tác quản lý ngân quỹ, công tác kiểm soát chi của kho bạc cũng thay đổi rất nhiều. Cùng với đó là các đòi hỏi, áp lực của cải cách hiện đại hoá văn phòng không giấy tờ. Theo đó, cần tập trung, nghiên cứu kế hoạch nâng cấp mới, thậm chí giải pháp mới để đáp ứng yêu cầu quanh hệ thống TABMIS có các hệ thống vệ tinh nhằm đảm bảo cho hoạt động của kho bạc.
Thứ hai cũng giống như tất cả các ngành khác trong thời đại công nghệ 4.0, ông Trí chia sẻ phải lấy câu chuyện dữ liệu là nguồn thông tin rất quan trọng. “Dữ liệu là cơ sở để hình thành chính sách, quyết định, hình thành quy trình để kiểm soát. Theo đó, cần phải đầu tư xây dựng kho dữ liệu chuyên ngành, phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ kho bạc, trong đó đặc biệt là dữ liệu về thu, chi ngân sách”.
Thứ ba, do đòi hỏi của việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa kho bạc và các đơn vị trong và ngoài ngành ngày càng cao, trên tinh thần của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của CQNN, KBNN cũng cần tập trung vào xây dựng nền tảng tích hợp kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ yêu cầu về chia sẻ thông tin, kết nối dữ liệu.
Ông Trí nhấn mạnh: “Đây là ba điểm nếu làm tốt sẽ là tiền đề rất tốt để KBNN đạt được mục tiêu là hướng tới Kho bạc số vào năm 2030”.
Kho bạc Nhà nước tăng cường áp dụng CNTT (Ảnh thoibaotaichinh)
Đào tạo nguồn nhân lực để hướng tới kho bạc số
Hướng tới kho bạc số vào năm 2030, nhân lực đóng vai trò quan trọng. Chia sẻ về kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho CĐS KBNN, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết KBNN đã trải qua 33 năm xây dựng và phát triển, trong các hệ thống của ngành tài chính, KBNN được coi là có tuổi đời trẻ nhất. Mặc dù vậy, suốt quá trình 33 năm qua từ khi KBNN được tái thành lập năm 1990 đến nay ngay từ những ngày đầu luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp. Hơn nữa là sự quan tâm đầu tư của các thế hệ lãnh đạo KBNN, đặc biệt là đào tạo cán bộ và trong đó có cán bộ CNTT. Theo đó, KBNN được đánh giá là đơn vị đi đầu về ứng dụng CNTT và hiện đại hoá.
Từ những thập niên 90 của thế kỷ trước, ông Cường cho biết KBNN đã xây dựng và triển khai thành công hệ thống Kế toán ngân sách cho Kho bạc và gọi tắt là TKB, mặc dù là hệ thống lúc đầu là phân tán nhưng đã phục vụ rất tốt cho nhu cầu quản lý thu chi ngân sách trong bối cảnh khó khăn. Bước sang những năm đầu của thế kỷ 21, KBNN từ sớm đã có được những đầu tư, hiện đại hoá công nghệ quản lý, đặc biệt là triển khai các ứng dụng CNTT.
Đi kèm với đó, một trong những thành công nổi bật là việc xây dựng, triển khai hệ thống TABMIS - hệ thống thông tin tích hợp quản lý ngân sách và kho bạc. Dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB) cũng như các đối tác CNTT IBM, Oracle, FPT, đây là hệ thống CNTT nhưng bản chất là đổi mới về cơ chế quản lý ngân sách và kho bạc. Dùng ứng dụng CNTT làm đòn bẩy để đổi mới cơ chế quản lý.
Dự án này bắt đầu triển khai vào năm 2005 và triển khai diện rộng từ 2012 và đến nay đã khẳng định được sự thành công. Qua kinh nghiệm triển khai, ông Cường cho biết KBNN nhận thấy một trong những bài học quan trọng là đội ngũ cán bộ mà nòng cốt là cán bộ làm CNTT từ Trung ương đến địa phương, sau đó là mở rộng đào tạo cho cán bộ nghiệp vụ trong việc am hiểu sử dụng công nghệ thành thạo CNTT và minh chứng trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của KBNN ngày nay thì rất nhiều cán bộ trưởng thành từ CNTT và giữ trọng trách cao, và trưởng thành tự dự án TABMIS.
Qua triển khai hệ thống, theo ông Cường, thành công lớn nhất là có một đội ngũ cán bộ làm CNTT từ trung ương đến địa phương. Qua việc triển khai và tiếp nhận vận hành, có lực lượng cán bộ vững chắc, là tiền đề cho việc triển khai chiến lược KBNN đến năm 2030. Mặc dù vậy, KBNN xác định còn nhiều khó khăn, thách thức. Thách thức lớn nhất vẫn là đội ngũ làm CNTT.
Trong 5 năm vừa qua, KBNN cán bộ làm CNTT rất yên tâm công tác, ổn định. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra cho KBNN trong công cuộc 4.0, CĐS buộc KBNN cần phải có đánh giá khách quan hơn.
Theo ông Cường, tồn tại và hạn chế của đội ngũ, trong những năm gần đây là việc tuyển dụng mới gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. “Theo đó, cần có những tháo gỡ đồng bộ từ cơ chế tuyển dụng của Nhà nước, đến cách tổ chức triển khai trong tuyển dụng. KBNN sẽ tính lại tuyển dụng tách riêng, không tuyển dụng chung với cán bộ nghiệp vụ được thì mới hy vọng sẽ có những cái bổ sung nguồn lực tuyển dụng về ứng dụng CNTT”.
“Chúng tôi luôn xác định rõ câu chuyện liên quan đến việc giữ được đội ngũ hiện nay là quan trọng. Do đó, chương trình đào tạo là quan trọng. KBNN luôn đào tạo cho cán bộ trẻ, để thành thạo trong triển khai hệ thống ứng dụng CNTT, mở đào tạo cho cán bộ chuyên sâu CNTT, nghiệp vụ để nắm bắt am hiểu về hệ thống CNTT để phù hợp hơn với công nghệ hiện nay, độ mở của hoạt động KBNN. Đồng hành với KBNN có sự đồng hành lớn của các công ty công nghệ lớn như MISA”, ông Cường chia sẻ.
Mặc dù đã triển khai thành công hệ thống DVCTT nhưng một vấn đề hiện nay là câu chuyện kết nối, không chỉ trên hệ thống DVCTT của KBNN mà đòi hỏi kết nối trực tiếp từ các đơn vị sử dụng ngân sách, các đơn vị giao dịch để tối ưu hoá dữ liệu đầu vào.
Đi kèm với chương trình đào tạo, ông Cường cho rằng điểm quan trọng mà KBNN đã đạt được và cần phát huy trong thời gian tới liên quan đến môi trường làm việc.
“Ở đây không chỉ là thu nhập, phúc lợi mà ở đây cán bộ làm về CNTT cần được ghi nhận và khẳng định về vị trí, cơ hội phát triển, chính trị. Đây là những điểm mà KBNN đã thu được trong thời gian trước cũng như sẽ tiếp tục có những giải pháp đồng bộ để mà tạo môi trường làm việc để cán bộ CNTT làm việc từ trung ương đến địa phương sẽ yên tâm hơn, gắn kết, yêu nghề hơn. Đây là việc KBNN triển khai trong thời gian tới”, ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đội ngũ làm về CNTT tại Kho bạc Trung ương, ông Cường cũng chia sẻ: “KBNN đang nhìn thấy một thách thức trong đội ngũ làm về CNTT tại địa phương. Do đó chúng tôi tiếp tục phải có những chính sách liên quan đến tuyển dụng tập trung để khuyến khích cán bộ CNTT đến làm việc tại KBNN tại địa phương”./.