Ngày 31/3/2023, Advantech Việt Nam đã tổ chức ngày hội Công nghệ "The Future of Smart City & Smart Manufacturing in the AloT Era" nhằm nâng cao nhận thức và giới thiệu các ứng dụng công nghệ thông minh trong việc sản xuất, vận hành ở Việt Nam. Sự kiện cũng nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm thành lập Tập đoàn Advantech và 5 năm phát triển tại Việt Nam.
Nhiều DN, chuyên gia đã dự ngày hội công nghệ "The Future of Smart City & Smart Manufacturing in the AloT Era"
Giữa công nghệ và bài toán ứng dụng cụ thể luôn có khoảng cách
Trong những năm gần đây, làn sóng công nghệ mới nổi đã thu hút được sự quan tâm rất cao của toàn xã hội như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ kết nối vạn vật (IoT), công nghệ dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing), mạng di động tốc cao 5G hay công nghệ dữ liệu chuỗi khối (blockchain)…
Đặc biệt, chủ đề CĐS được đề cập hàng ngày tại nhiều diễn đàn, nhiều hội nghị và hiện diện trong nhiều chính sách, thậm chí cả chiến lược của quốc gia. Đây có lẽ là chủ đề đang chiếm sóng nhiều nhất và xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực, đời sống xã hội từ các ngành công nghiệp tới các ngành dịch vụ, từ giáo dục tới y tế, từ năng lượng đến giao thông….
Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam cho biết việc triển khai áp dụng các công nghệ này vào thực tế và tiến trình CĐS đang diễn ra khá chậm và còn nhiều hạn chế. “Tại sao những công nghệ có thể mang lại sự thay đổi đột phá nhưng thực tế lại chưa có được những kết quả như kỳ vọng? Nguyên nhân có phải các công nghệ đó có vấn đề hay còn vì lý do nào khác?”, ông Đỗ Đức Hậu đặt vấn đề.
Theo ông Hậu, chúng ta cần nhận thức rất rõ ràng là giữa công nghệ và các bài toán ứng dụng cụ thể luôn có khoảng cách khá xa và cần nhiều thời gian để có thể đưa các công nghệ áp dụng vào thực tế ở quy mô lớn. Song song với đó, công nghệ không tự nó có thể tồn tại mà không đi kèm các điều kiện khác từ chính sách của cơ quan quản lý, hay hệ sinh thái các nhà phát triển ứng dụng, hoặc vai trò của các nhà cung cấp nền tảng phần cứng phù hợp, thậm chí là sự chia sẻ từ các đơn vị sử dụng thụ hưởng công nghệ.
Ông Đỗ Đức Hậu, Tổng Giám đốc Advantech Việt Nam
Lấy ví dụ với bài toán AI, ông Hậu cho rằng bản thân công nghệ là một sự sáng tạo lớn của thế giới, có thể mang lại nhiều sự thay đổi đột phá. Trên thực tế chúng ta cũng đã có những bài toán ứng dụng AI tạo được sức hút lớn như ChatGTP hay công nghệ nhận diện hình ảnh. Nhưng các bài toán ứng dụng cụ thể của AI so với nhu cầu còn rất khiêm tốn. Đặc biệt với các lĩnh vực có sự chi phối của nguồn vốn ngân sách hay cần có các quy định riêng như như an ninh, y tế, giao thông… thì việc thiếu các chính sách khuyến khích và quy định về ứng dụng công nghệ dẫn tới rất khó đưa vào triển khai trong thực tế.
Trong lĩnh vực sản xuất, việc thiếu sự kết nối và chia sẻ giữa các đơn vị làm công nghệ, đơn vị phát triển ứng dụng và các đơn vị thụ hưởng dẫn tới việc đơn vị làm công nghệ không có được các bài toán cụ thể, rõ ràng để hoàn thiện giải pháp, các đơn vị phát triển ứng dụng không đủ đội ngũ nhân sự để có thể tham gia một cách chủ động, đưa công nghệ vào giải quyết các “pain point” (điểm đau) cụ thể.
Tìm kiếm giải pháp phá vỡ các rào cản, tăng tốc tiến trình CĐS
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại sự kiện, sự thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các đơn vị làm công nghệ và các đơn vị phát triển ứng dụng, các đơn vị thụ hưởng sẽ dẫn tới các bài toán ứng dụng chưa chạm tới và chưa giải quyết triệt để các vấn đề của DN. Việc các đơn vị thụ hưởng chưa thực sự đánh giá cao vai trò công nghệ hay tác động tích cực của CĐS với DN của mình, dẫn tới việc khó tiếp cận và chia sẻ với các đơn vị cung cấp các giải pháp công nghệ cho mục tiêu CĐS của mình.
Khách thăm quan khu vực triển lãm tại sự kiện
Với việc thành lập DN tại Việt Nam, Advantech xác định trở thành người đồng hành đưa DN Việt đến gần hơn với những giải pháp công nghệ mới nhất, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và góp phần vào tiến trình CĐS tại Việt Nam.
Nói về thị trường Việt Nam, ông Đỗ Đức Hậu cho biết: “Khi được chứng kiến sự đón nhận tích cực của các DN Việt trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, chúng tôi tin tưởng Việt Nam là một thị trường trẻ, nhanh nhạy và đầy tiềm năng trước những sự đổi mới”.
“Trong quá trình phát triển, bản thân chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của DN Việt trong các sự kiện thông tin về các giải pháp công nghệ. Điều này cho thấy người Việt rất quan tâm và nắm bắt rất tốt những xu hướng của thế giới. Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ thông minh trong mọi lĩnh vực cũng được Chính phủ dần đầu tư. Những yếu tố này cũng góp phần giúp chúng tôi bắt nhịp tốt hơn với thị trường Việt Nam và tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng”, ông Đỗ Đức Hậu nói./.