Chủ Nhật, 24/11/2024
Ngày đăng: 18/04/2023 - Lượt xem: 49
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số cần dựa trên dữ liệu số chia sẻ

Chuyển đổi số (CĐS) trong ngành xây dựng, các doanh nghiệp (DN) xây dựng là việc làm cần thiết, tiến hành càng nhanh càng tốt, vì giúp nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh, cải thiện các vấn đề về quản lý.

Và khi nói về vấn đề này, ông Đỗ Hữu Binh, chuyên gia tư vấn giải pháp CĐS của Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng (KC&CNXD) Việt Nam đã có những quan điểm phân tích, góc nhìn bổ sung về sự phát triển.

Cần sự tăng tốc số hóa trong ngành xây dựng

Theo đó, chuyên gia Đỗ Hữu Binh cho rằng CĐS ngành xây dựng và các DN xây dựng chính là việc áp dụng công nghệ số và các công cụ số để số hóa các dữ liệu dự án, quy trình quản lý dự án, để đảm bảo thông suốt, truy cập dữ liệu dự án theo thời gian thực giữa công trường và các bộ phận ở văn phòng, giữa công trường và kho, bộ phận cung ứng, quản lý…

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ số cũng tạo ra giá trị để tăng năng suất công việc, giúp tối ưu hóa việc lập kế hoạch dự án, quản lý và theo dõi dòng tiền dự án theo thời gian thực, từ đó theo dõi thông tin thay đổi của dự án, trên cơ sở đó có thể đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng, chính xác.

Hơn nữa, CĐS còn giúp ngành, lĩnh vực, DN xây dựng: Tăng tính an toàn, giảm thiểu rủi ro dự án; thiết kế các bản vẽ phức tạp, có độ chính xác cao; nâng cao tính tương tác (tạo ra một môi trường làm việc dựa trên dữ liệu số chia sẻ).

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn được tạo ra, theo đánh giá chủ quan của chuyên gia Đỗ Hữu Binh, những năm trở lại đây, mặc dù ngành xây dựng nói chung đã có những bước tiến phát triển tích cực, nhưng vẫn chưa thực sự như mong muốn, và điều này ảnh hưởng nhiều tới tốc độ số hóa trong ngành.


CĐS  ngành xây dựng cũng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu cho các hạ tầng kỹ thuật (Ảnh: internet)

Đó là vẫn còn chậm về mặt áp dụng các công nghệ số, nền tảng số mới như: các công nghệ mô hình hóa thông tin của tòa nhà (BIM); dữ liệu lớn (big data); trí tuệ nhân tạo và học máy (AI và ML); Internet của vạn vật (IoT); các phần mềm quản trị dự án...

Hơn nữa, vấn đề đào tạo con người trong việc thực hiện nhiệm vụ CĐS vẫn chưa được chú trọng, thường xuyên, thiếu hiểu biết những kiến thức, sự am hiểu về công nghệ, phần mềm.

Về điều này, chuyên gia Đỗ Hữu Binh lý giải cái khó của vấn đề chính là nguồn nhân lực, công nhân lao động chân tay trong ngành xây dựng luôn chiếm tỉ trọng lớn (lao động lớn tuổi, lao động tự do). Do đó, muốn giải quyết vấn đề hiệu quả phải gắn việc CĐS, kiến thức trang bị CĐS với các trường, trung tâm hướng nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, các công ty ngành xây dựng.

Bên cạnh những mặt hạn chế, điều chưa tích cực về việc áp dụng các nền tảng số, công nghệ số, đào tạo, thì việc việc CĐS đối với các: công trình, dự án xây dựng; hợp đồng tổng thầu và nhà thầu... hiện nay vẫn chưa có mối liên kết bền chặt, đa dạng về mặt dữ liệu.

“Do đó, muốn làm tốt, hiệu quả những nội dung đề cập nêu trên, điểm mấu chốt không thể thiếu chính là dữ liệu. Khi có dữ liệu chính xác, kịp thời và đầy đủ thì các công cụ CĐS mới có thể đưa ra được các biểu đồ, phân tích, báo cáo chính xác”, chuyên gia Đỗ Hữu Binh nhấn mạnh.

CĐS giúp cải thiện các vấn đề về quản lý

Đưa ra các quan điểm phát triển, chuyên gia Đỗ Hữu Binh cho rằng, việc áp dụng công nghệ BIM trong thiết kế, thi công và vận hành công trình cần đẩy mạnh ngay từ giai đoạn tạo dựng mô hình 3D cho đến việc dùng mô hình đó trong giai đoạn thiết kế (hồ sơ bản vẽ), thi công (quản lý khối lượng, lập biện pháp, an toàn lao động…) và quản lý tòa nhà (bảo trì các thiết bị cơ điện nước), xuyên suốt vòng đời của công trình.

Cũng xác định được tầm quan trọng của BIM đối với ngành xây dựng, ngày 03/03/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2021 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Trong đó, BIM được nhắc đến như một công nghệ số được phép sử dụng trong các hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.

“BIM đã trở thành một công nghệ được ủng hộ bởi luật pháp Việt Nam và được chỉ định áp dụng trực tiếp cho ngành xây dựng, do đó, cần sự đầu tư và đòi hỏi các kỹ sư có trình độ chuyên cao trong vận hành, sử dụng”, chuyên gia Đỗ Hữu Binh đánh giá.

Đối với big data cũng cần phải được xây dựng, hoàn thiện vì big data có khả năng tập hợp dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp. Khi có big data, ngành, DN xây dựng dễ dàng khai thác để phân tích lịch sử dữ liệu của các công trình để đưa ra các dự báo về rủi ro (dòng tiền, tiến độ công việc)… và điều này sẽ làm tăng tính hiệu quả cũng như tính an toàn của dự án.


CĐS xây dựng cần áp dụng các công cụ công nghệ, nền tảng số mới (Ảnh: internet)

AI và ML cũng tạo ra nhiều lợi thế phát triển, bởi đây là công nghệ số cho phép máy móc hoạt động giống như con người bằng cách tái tạo hành vi và bản chất, cho phép máy học đưa ra dự đoán dựa trên kinh nghiệm (tập dữ liệu).

AI và ML giúp gợi ý những phương pháp xử lý, nâng cao tuổi thọ của tòa nhà, định hướng tính thẩm mỹ của tòa nhà theo nhu cầu người dùng; nhận biết và tiến hành tự động hóa các công việc lặp đi lặp lại để tiết kiệm nhân lực dự án cũng như tăng năng suất (thời gian, chi phí) của dự án”, chuyên gia Đỗ Hữu Binh phân tích.

Cũng tạo ra các ưu điểm như các công nghệ trên, IoT là một hệ thống các thiết bị tính toán, máy móc cơ khí và kỹ thuật số hoặc con người có liên quan với nhau và có khả năng truyền dữ liệu qua mạng mà không yêu cầu sự tương tác giữa con người với máy tính.

Hơn nữa, IoT khi áp dụng trong ngành xây dựng sẽ hỗ trợ các thiết bị cảm biến và hệ thống giám sát để giảm chất thải tại công trường và giảm lượng khí thải carbon của máy móc đang hoạt động tại công trường.

Đối với các phần mềm quản trị dự án sẽ hỗ trợ các DN xây dựng trong công tác số hóa dữ liệu công trình và quy trình quản lý các dự án của ngành xây dựng. Các phần mềm quản trị dự án có thể được sử dụng như: AMIS Công việc của MISA; Công cụ quản lý dự án xây dựng Online DigiNet; Phần mềm quản lý dự án xây dựng Sinnova; Phần mềm quản trị dự án Landsoft; Bộ phần mềm Base; Bộ phần mềm 1Office...

Tất cả các phần mềm quản trị dự án ở trên đều hỗ trợ công tác CĐS về tài liệu và quy trình cho các công tác quản trị dự án như: Lập kế hoạch, theo dõi công việc, xây dựng quy trình quản lý dự án...

Như vậy, qua phân tích và những quan điểm về sự phát triển, có thể thấy rằng CĐS trong ngành, các DN xây dựng là việc làm cần thiết, cần tiến hành càng nhanh càng tốt để giúp DN nâng cao năng suất, tăng tính cạnh tranh, cải thiện các vấn đề về quản lý. Khi chúng ta giải quyết, làm tốt các vấn đề trên sẽ tạo ra sự phát triển bền vững của ngành xây dựng./.

Theo ictvietnam.vn