Khi đó, yêu cầu về việc đổi mới lý luận trong quy hoạch đô thị là nhu cầu tất yếu, cần được coi trọng và làm thường xuyên. Để hiểu rõ hơn về những điểm cốt lõi trong công tác lập quy hoạch để phát triển đô thị, PGS. TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng và TS. Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) - Bộ Xây dựng đã có những quan điểm phân tích, đề xuất phát triển.
Quan điểm quy hoạch cần được bổ sung, đánh giá
Quy hoạch đô thị thông minh (ĐTTM) cần gắn liền với quản lý phát triển
Theo đó, khi nói về tầm quan trọng cũng như các mô hình trong công tác lý luận quy hoạch đô thị, PGS. TS. Lưu Đức Hải cho biết, các nước phát triển trên thế giới khi phát triển đô thị đã áp dụng thành công nhiều mô hình lý luận như: Thành phố vườn (bao quanh bởi các khu cây xanh và đất đai sản xuất nông nghiệp); thành phố dải (sử dụng điều kiện tự nhiên đề tổ chức cơ cấu quy hoạch hợp lý về các mặt tổ chức sản xuất và đời sống); thành phố theo đơn vị ở (dựa vào mối quan hệ cơ bản của cộng đồng khu vực)…
Đặc biệt, trong các mô hình trên, ở mỗi giai đoạn phát triển sẽ lại có những mục tiêu quy hoạch khác nhau. Do đó, quan điểm về lý luận đổi mới trong tác quy hoạch sẽ luôn được bổ sung việc đánh giá, nhận định trên cả phương diện quan điểm tiếp cận, thể chế quản lý, thực hiện.
“Trong xu thế phát triển, các quan điểm lý luận sẽ hướng đến sự toàn diện trên phương diện không gian địa lý, ngành, lĩnh vực… từ đó, chất lượng không gian đô thị, hiệu quả đô thị cũng từng bước được cải thiện tích cực. Đồng thời, thu hút sự tham gia của cộng đồng cho phép quy hoạch kết hợp được tiếng của cộng đồng, doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách”, PGS. TS. Lưu Đức Hải phân tích.
Còn khi nói về công tác lý luận quy hoạch đô thị hiện nay tại Việt Nam, PGS. TS. Lưu Đức Hải nhấn mạnh, chúng ta luôn hướng đến mô hình phát triển lồng ghép tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, ĐTTM. Hơn nữa, việc phát triển ĐTTM của Việt Nam hiện nay đang được thực hiện đúng theo định hướng, quy định tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Như vậy, theo các văn bản chỉ đạo này, PGS. TS. Lưu Đức Hải cho rằng, việc quy hoạch đô thị theo hướng thông minh sẽ đảm bảo nguyên tắc chung, cùng vận hành trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) đô thị số hóa và được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích dữ liệu đa chỉ tiêu, công cụ dự báo, các phần mềm hỗ trợ ra quyết định quy hoạch.
Hơn nữa, việc quy hoạch theo hướng thông minh cũng giúp gia tăng các dịch vụ tiện ích thông minh; tạo cơ chế điều phối liên cấp, liên vùng, giữa đô thị và nông thôn để giải quyết vấn đề theo phạm vi ảnh hưởng.
Để làm tốt những điều này, việc lập quy hoạch cũng cần phải được đảm bảo kỹ lưỡng, có khả năng đáp ứng, sẵn sàng, chủ động để tham gia hiệu quả khi thực hiện yêu cầu CĐS toàn diện cho các khu đô thị.
“Theo đó công tác lập quy hoạch phải đảm bảo luôn có sự chuyển đổi nhận thức; kiến tạo thể chế; phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng số; tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đổi mới sáng tạo trong môi trường số…”, PGS. TS. Lưu Đức Hải nêu quan điểm.
Không chỉ nêu quan điểm phân tích sâu về các quan điểm lý luận trong công tác quy hoạch, theo TS. Lưu Đức Hải, muốn phát triển các ĐTTM hiện nay hiệu quả, chúng ta cần áp dụng những giải pháp công nghệ để hỗ trợ quy hoạch theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đó là các ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), xây dựng CSDL Quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quản lý thống nhất trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đô thị; áp dụng mạnh mẽ các ứng dụng hệ thống quản lý thông tin công trình (BIM) vào các dự án đầu tư xây dựng.
“Chúng ta cần nghiên cứu, liên kết hệ thống CSDL GIS quy hoạch xây dựng và CSDL BIM công trình, liên kết với CSDL liên thông của tỉnh và quản lý đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường, số liệu thống kê,... tăng tính hiệu quả phục vụ quản lý”, TS. Lưu Đức Hải đề xuất.
Quy hoạch gắn liền với quản lý phát triển
Công tác quy hoạch đô thị cần đổi mới lý luận quy hoạch và quản lý phát triển đô thị
Ở quan điểm khác khi nói về các nội dung quan trọng cầm bám sát trong công tác quy hoạch ĐTTM hiện nay, TS. Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc AMC cho rằng, chúng ta cần bám sát tích cực, chủ động xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch đô thị. Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin trong quy hoạch đô thị.
Đặc biệt, công tác quy hoạch đô thị cần đổi mới lý luận quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, vì quy hoạch và phát triển đô thị là cơ chế huy động xã hội. Mặt khác, sự đổi mới phải hài hòa với hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch hệ thống đô thị - nông thôn quốc gia; quy hoạch đô thị phải tích hợp đa ngành; tạo điều kiện chuyển đổi tiếp cận đến mô hình phát triển đô thị tăng trưởng xanh, đô thị nén, thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Việc đổi mới thể chế quy hoạch đô thị cho phép gắn kết chặt chẽ quy hoạch với quản lý phát triển đô thị…”, TS. Lưu Đức Minh nhấn mạnh.
Khi đưa ra quan điểm đề xuất giải pháp để phát triển các ĐTTM hiện nay, TS. Lưu Đức Minh cho rằng chúng ta cần: Ưu tiên phát triển đô thị hóa theo các phân vùng kinh tế; ứng dụng có chọn lọc về hạ tầng ICT để thúc đẩy và nâng cao vai trò động lực, cực tăng trưởng của các vùng đô thị chuyên ngành…
Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc định hướng phát triển hệ thống đô thị gắn với phát triển kinh tế, thông qua việc phát triển các khu công nghiệp thông minh có hệ thống quản lý và vận hành thông minh trên nền tảng công nghệ 4.0 (AI, IoT, CSDL lớn …), tự động hóa và liên kết ở tất cả các cấp độ khu công nghiệp, nhà máy và xưởng sản xuất.
Khi phát triển các ĐTTM cần đồng bộ đâu tư, trang bị các thiết bị số: Chỉ dẫn giao thông thông minh (ứng dụng ICT vào lĩnh vực giao thông đô thị; CSDL giao thông); hạ tầng thoát nước thông minh (ứng dụng ICT lĩnh vực thoát nước, bản đồ cảnh báo ngập úng); hệ thống cấp nước thông minh (ứng dụng ICT vào lĩnh vực cấp nước; tích hợp các công nghệ bản đồ số GIS, công nghệ di động, công nghệ điện toán đám mây); hệ thống chiếu sáng thông minh (ứng dụng ICT vào lĩnh vực chiếu sáng đô thị trong quản lý, vận hành và điều tiết hệ thống chiếu sáng đô thị)…
Như vậy, có thể nói với những phân tích và đề xuất từ hai chuyên gia, công tác lập quy hoạch và sự cần thiết phải đồng bộ, đầu tư trang bị các thiết bị số mới cho các đô thị hướng đến các ĐTTM chính là việc làm lâu dài, không thể sớm kết thúc trong ngày một, ngày hai. Và từ những kinh nghiệm chia sẻ, đề xuất nêu trên, góp phần giúp chúng ta thêm những góc nhìn bổ sung hướng đến thực hiện, thúc đẩy, phát triển các ĐTTM tại Việt Nam ngày càng hiệu quả, bền vững./.