Thứ Hai, 25/11/2024
Ngày đăng: 26/05/2023 - Lượt xem: 31
Xem với cỡ chữ

Dữ liệu giúp kiến tạo ra các giá trị mới, cốt lõi

Phát triển, vận hành, quản lý hiểu quả chính phủ số, chính phủ điện tử (CPĐT), yếu tố quan trọng cần tập trung chính là phải tạo, quản lý, làm sạch nguồn dữ liệu.

Thuộc khuôn khổ “Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023”, Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề “Kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển Chính phủ, Chính quyền số vừa diễn ra, các ý kiến của các chuyên gia cho rằng, muốn xây dựng, phát triển, vận hành, quản lý hiểu quả nền chính phủ số, CPĐT, yếu tố quan trọng cần tập trung chính là phải tạo, quản lý, làm sạch nguồn dữ liệu, vì đây chính là nguồn tài nguyên để đảm bảo cho sự phát triển, kiến tạo nên các giá trị mới, cốt lõi.

Thủ tục hành chính (TTHC) hướng đến một cửa số, dịch vụ số

Để hiểu rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục CĐS quốc gia - Bộ TT&TT cho biết, hiện nay chúng ta đang thúc đẩy, xây dựng, sử dụng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từng bước theo đúng các quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và Khung kiến trúc CPĐT.

“Điều này có nghĩa, chúng ta đảm bảo việc thưc hiện dựa trên: Quy trình kết nối; thẩm quyền chia sẻ; quản trị dữ liệu; mô hình tham chiếu, kết nối; hệ thống trung gian NGSP/LGSP…”, ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.


Năm 2023 sẽ có hơn 10 bộ, ngành địa phương xây dựng cổng dữ liệu mở

Hơn nữa, chúng ta đang thực hiện việc chia sẻ dữ liệu theo phương thức: Dữ liệu mở; chia sẻ dữ liệu mặc định; chia sẻ dữ liệu theo yêu cầu đặc thù; giải quyết vướng mắc chia sẻ dữ liệu.

Cũng nhờ việc chúng ta triển khai tốt mô hình kết nối dữ liệu qua NDXP quốc gia và sử dụng mạnh mẽ nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, nên đến nay kết quả ban đầu thu được tích cực khi có: 90 đơn vị, bộ , ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp (DN) thực hiện việc kết nối dữ liệu; hình thành 09 nhóm CSDL; 13 hệ thống CSDL.

Đáng mừng, tính đến tháng 4/2023 qua hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu NDXP đã đạt 27 triệu giao dịch (nâng tổng giao dịch thực hiện qua NGSP đạt 1,2 tỷ giao dịch) và trung bình có 2,4 triệu giao dịch/ngày.

Để đạt hiệu quả hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ kết nối, chia sẻ dự liệu hiện nay, theo ông Nguyễn Phú Tiến, cần có sự phối hợp tổng thể theo hướng chuyên ngành, lĩnh vực.

Đặc biệt, yêu cầu đặt ra đối với hệ thống dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước phải được coi là nhiệm vụ, việc làm thường xuyên và phải có trách nhiệm cung cấp dữ liệu mở; đảm bảo năm 2023 có hơn 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dữ liệu mở; Cổng dữ liệu quốc gia Data.gov.vn đảm bảo đạt hơn 10.000 tập dữ liệu.

Ở quan điểm khác khi nói về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, DN được hiệu quả, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó trưởng Phòng Kiểm soát TTHC, Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho rằng, chúng ta đã đổi mới thực hiện TTHC phục vụ nhu cầu của người dân ngày một tốt hơn.

Mới đầu TTHC của chúng ta nhiều cửa, nhiều dấu xong hướng đến một cửa, một dấu và tiếp tục thay đổi thành một cửa có sử dụng ứng dụng CNTT và giờ đây là một cửa số, dịch vụ số.

“Một cửa số, dịch vụ số giúp thực hiện TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính; tự động tiếp nhận, giải quyết TTHC; chỉ đạo, điều hành bằng dữ liệu, theo thời gian thực… Quan trọng hơn là tạo ra công dân số - chính phủ số- kinh tế số - xã hội số”, ông Nguyễn Đình Lợi nhấn mạnh.

Mọi giải quyết TTHC giữa người dân và cơ quan nhà nước được thực hiện trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), trong đó có 4.385 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); 1,86 tỷ lượt truy cập; hơn 7,1 triệu tài khoản đăng ký; hơn 204 triệu hồ sơ đồng bộ; 4,2 triệu giao dịch thanh toán thành công với giá trị 5,5 nghìn tỷ đồng).

Hơn nữa, giờ chúng ta đã vận hành, khai thác hiệu quả các DVCTT - lấy người dân và DN làm trung tâm. Đặc biệt đã triển khai, vận hành hiệu quả hệ thống định danh, xác thực điện tử; hệ thống thanh toán trực tuyến; liên thông các TTHC (Đăng ký xe; đổi giấy phép lái xe; giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp...).

Để tạo ra những kết quả tốt hơn nữa chúng ta cần bổ sung: Pháp lý (Hoàn thiện quy định về giao dịch điện tử, lưu trữ, TTHC…); Kỹ thuật (hình thành CSDL quốc gia và CSDL chuyên ngành; chuẩn hoá kết nối, chia sẻ dữ liệu, đảm bảo có hạ tầng CNTT tốt, ổn định…).

Cần có chiến lược quản trị dữ liệu

Ở quan điểm khác, khi chia sẻ về những kinh nghiệm góp phần giúp tăng cường việc kết nối, khai thác dữ liệu tại TP. HCM hiện nay, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM cho biết, từ năm 2018, TP. HCM xác định lấy dữ liệu làm nền tảng để xây dựng một nền chính quyền điện tử.

Vì thế, TP. HCM tận dụng, khai thác dữ liệu, coi đó như là một nhiệm vụ trọng tâm và kho dữ liệu dùng chung chính là giải pháp thực hiện xuyên suốt trong lộ trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng về kiến trúc mục tiêu đến năm 2025.

Cụ thể hơn, việc kết nối và khai thác dữ liệu của TP. HCM đã được thực hiện giai đoạn 1 (2017-2021) với khẩu hiệu "Tạo lập nền tảng hạ tầng và dữ liệu; giai đoạn 2 (2022 - 2025) với khẩu hiệu “Phát triển và khai thác dữ liệu - Thực hiện chuyển đối số (CĐS)".

Ở giai đoạn 1, TP. HCM đã tập trung vào việc: Triển khai các chính sách, quy trình thực hiện; chuyển hạ tầng rời rạc về tập trung; chuyển dữ liệu về quản lý tập trung; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và cổng dữ liệu.


Việc thuê dịch vụ CNTT cũng là một lựa chọn trong sự phát triển, thực hiện nhiệm vụ quan trọng này

Đối với giai đoạn 2, TP. HCM đã tập trung: Triển khai chiến lược quản trị dữ liệu; mở rộng hạ tầng số và tăng cường  triển khai nền tảng số thống nhất; thực hiện chuyển đổi số (CĐS).

Đặc biệt, ở giai đoạn 2, TP. HCM đã triển khai các nền tảng số cho các nhóm, ngành; thực hiện CĐS (xây dựng hệ sinh thái sáng tạo đổi mới; triển khai chương trình AI; nền tảng dữ liệu mở).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ này, theo bà Võ Thị Trung Trinh, TP. HCM đã nhận thấy có cả thuận lợi: Lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo; đủ nguồn lực thực hiện; có sự hỗ trợ, đồng hành của Bộ TT&TT, VPCP, Bộ Công an, các ban ngành khác.

Còn về khó khăn là hệ thống văn bản hướng dẫn chuyên ngành và hướng dẫn kỹ thuật từ Trung ương vẫn chưa đầy đủ; quy trình thủ tục đầu tư chậm, khó khăn thí điểm công nghệ mới; thiếu nhân lực CNTT.

Để hạn chế những khó khăn và phát huy nhiều hơn những thuận lợi trong quá trình thực hiện kết nối, khai thác dữ liệu của địa phương, bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng thành phố cần bám sát, thực hiện tốt theo hướng dẫn, văn bản từ Bộ TT&TT, VPCP và các Bộ ngành.

Đặc biệt trong công tác thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị của thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Sở TT&TT; huy động tối đa các nguồn lực chuyên gia, tổ chức xã hội, trường, viện; phát huy vai trò Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố; triển khai theo giai đoạn, đồng bộ thống nhất và có trọng tâm, trọng điểm; thuê dịch vụ CNTT…”, bà Võ Thị Trung Trinh nêu đề xuất./.

Theo ictvietnam.vn