Thứ Hai, 25/11/2024
Ngày đăng: 21/06/2023 - Lượt xem: 36
Xem với cỡ chữ

Chiến lược mưa dầm thấm lâu, tự nhiên - thiết thực để triển khai Tổ CNSCĐ

63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 Tổ CNSCĐ và 348.362 thành viên.

Theo Bộ TT&TT, một số bài học chung đúc kết từ các địa phương đã triển khai bước đầu có hiệu quả hoạt động của Tổ CNSCĐ.

Chiến lược “mưa dầm thấm lâu”

Theo Bộ TT&TT, CĐS là một quá trình, khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dân; thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen của người dân; điều kiện cần thiết nhất là người dân có kỹ năng số. Quá trình triển khai nhiệm vụ của các thành viên Tổ CNSCĐ không tránh khỏi nhiều khó khăn, thậm chí hoạt động miệt mài nhưng hiệu quả chưa thấy được ngay, chưa được cộng đồng, xã hội, chính quyền ghi nhận ngay.


Hoạt động của
Tổ CNSCĐ chặng đường dài, nhiệt huyết hay là "mưa dầm thấm lâu"

Chính vì vậy, hoạt động của Tổ CNSCĐ là chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết của chính các thành viên Tổ CNSCĐ, hay nói cách khác là “mưa dầm thấm lâu”, Bộ TT&TT nhận định.

Theo Bộ TT&TT, bồi dưỡng, tập huấn cần thiết tổ chức thường xuyên, nhưng phải trọng tâm theo chuyên đề. Các thành viên Tổ CNSCĐ hoạt động kiêm nhiệm nên việc bố trí tham dự đầy đủ các đợt bồi dưỡng, tập huấn là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên chính là giúp tạo điều kiện cho các thành viên của Tổ CNSCĐ có thể sắp xếp thời gian tham dự một cách linh hoạt, phù hợp.

Lồng ghép vào hoạt động của các cơ sở (trường học, thanh niên, các chương trình nông thôn mới của địa phương để tận dụng được nguồn lực) cũng là giải pháp tốt, tạo nguồn lực tại chỗ cho Tổ CNSCĐ.

Triển khai “đơn giản - tự nhiên - thiết thực”, theo hướng xã hội hóa là chính

Tổ CNSCĐ có sứ mệnh hỗ trợ cho người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân.

Chẳng hạn, đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh thì tập trung hướng dẫn kỹ năng thanh toán trực tuyến, mua bán thông qua các sàn thương mại điện tử; đối với các gia đình có con trong độ tuổi đi học thì tập trung hướng dẫn kỹ năng thanh toán học phí trực tuyến, cách thức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới con em trong gia đình, cách thức cài đặt, sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến; đối với các cụ cao tuổi thì tập trung hướng dẫn cách thức cài đặt, sử dụng các ứng dụng tư vấn khám bệnh từ xa…


Đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh, Tổ CNSCĐ tập trung hướng dẫn kỹ năng thanh toán trực tuyến

Khi người dân sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để phục vụ cho nhu cầu tự nhiên thì hiệu quả mang lại bền vững, người dân thụ hưởng được những lợi ích, giá trị thiết thực do chuyển đổi số mang lại.

Các ứng dụng, phần mềm gần gũi với thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến đời sống hằng ngày để giải quyết, mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thì sẽ được đón nhận, lan tỏa, sẽ tiếp tục thành công sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Nguồn lực triển khai Tổ CNSCĐ huy động sự tham gia tình nguyện theo hướng xã hội hóa, có nòng cốt dẫn dắt là cán bộ chính quyền, ví dụ: cán bộ xã, công an khu vực, Bí thư Đoàn Thanh niên hoặc người có uy tín (Tổ trưởng Tổ dân phố). Trong trường hợp sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ TT&TT cho biết UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động có biện pháp giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện bảo đảm đúng người, đúng việc, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật./.

Theo ictvietnam.vn