Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 06/07/2023 - Lượt xem: 172
Xem với cỡ chữ

Các ngành, lĩnh vực cần cung cấp thêm dịch vụ sử dụng chữ ký số cá nhân

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi), một đạo luật được kỳ vọng góp phần thúc đẩy việc đưa người dân lên môi trường số.

Bên cạnh việc khắc phục những bất cập của Luật GDĐT năm 2005, Luật GDĐT (sửa đổi) còn bổ sung các quy định về quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở, các quy định đối với cơ quan Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động GDĐT, hướng đến việc chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số.


Ông Phạm Ngọc Hoàn: Khi luật GDĐT (sửa đổi) có hiệu lực, văn bản pháp luật của các bộ, ngành khác
sẽ căn cứ vào đây để đưa ra các quy định liên quan đến GDĐT

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ TT&TT ngày 5/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về những lợi ích của Luật GDĐT (sửa đổi), ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT cho biết các văn bản pháp luật mới đều nhằm mục đích mang lại sự thuận lợi cho người dân, DN.

Theo ông Phạm Quốc Hoàn, Luật GDĐT (sửa đổi) chỉ quy định bộ khung với các thành tố cơ bản, không quy định về nội dung, hình thức và điều kiện của các giao dịch. Vấn đề liên quan đến nội dung sẽ do các luật chuyên ngành ban hành.

Khi Luật GDĐT (sửa đổi) có hiệu lực, văn bản pháp luật của các bộ, ngành khác sẽ dựa trên đây để đưa ra các quy định liên quan đến GDĐT trên môi trường mạng của chuyên ngành đó. Khi có quy định, chắc chắn người dân và DN sẽ nhận nhiều lợi ích, giúp các giao dịch trên mạng được thực hiện toàn trình.

Khi định danh điện tử xong, nếu hoá đơn, hợp đồng cần chữ ký, chúng ta có thể ký online bằng chữ ký số (CKS), có giá trị pháp lý như chữ ký tay. Khi tất cả các hệ thống toàn trình, điều này sẽ giúp giảm chi phí lưu trữ, đi lại và thời gian cho người dân, DN”, ông Hoàn nói.

Bên cạnh những kế thừa từ Luật GDĐT 2005, Luật GDĐT (sửa đổi) còn có thêm nhiều thành tố, tạo sự thuận lợi giữa việc chuyển đổi giữa văn bản giấy và điện tử, đảm bảo tính toàn vẹn, từ đó tạo điều kiện để việc chuyển đổi đúng quy định, giúp văn bản điện tử có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy.

Chia sẻ thêm về vấn đề triển khai CKS cá nhân, Phó Giám đốc NEAC cho biết, đây là một yếu tố quan trọng trong các GDĐT. Khi CKS được phổ cập, mọi giao dịch đều có thể được thực hiện trên môi trường điện tử.

Trong năm 2023, Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia đã cùng với các tổ chức chứng thực cung cấp CKS miễn phí cho người dân để thực hiện các giao dịch cá nhân. Hoạt động này hiện đã triển khai được tại 7 tỉnh, thành phố với hơn 500.000 người dân được cung cấp CKS.


Người dân được hướng dẫn đăng ký CKS trên phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội (Ảnh: HL)

Theo ông Phạm Quốc Hoàn, người dân vẫn đang bị hạn chế về môi trường sử dụng CKS cá nhân. Do vậy, các ngành, các lĩnh vực cần cung cấp nhiều hơn các dịch vụ sử dụng CKS cá nhân để người dân có thể sử dụng.

Tại Hội nghị chuyên đề về kỹ thuật và giao ban quý II với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng mới đây, thông tin từ NEAC cho biết 7 tỉnh thành đã triển khai cấp miễn phí chứng thư số cho người dân (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP. Thái Nguyên), 21/63 địa phương đã tích hợp thành công tính năng ký số vào cổng dịch vụ công và tính đến hết quý I năm 2023 đã cấp được hơn 120.000 chứng thư số cá nhân. Đây là một con số còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của xã hội./.

Theo ictvietnam.vn