Thứ Hai, 25/11/2024
Ngày đăng: 03/08/2023 - Lượt xem: 52
Xem với cỡ chữ

Các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng ban hành danh mục các CSDL dùng chung

Đến nay có 03 tỉnh, thành phố được coi là các đơn vị điển hình, tích cực trong việc xây dựng và ban hành chiến lược hoặc kế hoạch về phát triển dữ liệu, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh; Lào Cai; Hải Phòng.

Và bước đầu ghi nhận những kết quả đáng mừng, giúp phục vụ tốt hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, đồng thời, giúp các đơn vị biết được chính xác hiện trạng nguồn tài nguyên dữ liệu số của mình từ đó thực hiện chiến lược trên cơ sở thực tế phù hợp, hiệu quả.

Để có cái nhìn rõ hơn về nội dung này, với vai trò là cơ quan thường trực của UBQG về Chuyển đổi số (CĐS), Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương (đơn vị) cập nhật, tổng hợp, đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ này, cùng với đó nêu ra những đề xuất kiến nghị.

Dự liệu chưa đồng đều, chênh lệch lớn

Theo đó, kết quả đạt được đối với đơn vị cấp bộ, ngành: Có 07 bộ (Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Xây dựng, Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Uỷ ban Dân tộc) đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của Bộ với tổng cộng 198 CSDL.

Cụ thể hơn, đến nay, Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng CSDL quốc gia (CSDLQG) về dân cư, thực hiện thu nhập vào CSDLQG về dân cư khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99%.

Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, cập nhật trên 92.000 trường hợp thôi quốc tịch, gần 5 triệu trường hợp thay đổi thông tin trong hộ tịch để phục vụ việc làm sạch dữ liệu; cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh được hơn 5,3 triệu trường hợp.


Hiện có 38 địa phương đã ban hành danh mục CSDL dùng chung, với tổng cộng 1.545 CSDL

Cùng tích cực như bộ Công an, CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp (DN) tăng số lượng đạt 1,5 triệu DN và hệ thống đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho 12 bộ, ngành cùng 56 địa phương.

Cũng đáng mừng như 02 đơn vị trên, CSDLQG về bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng đã thu thập và quản lý dữ liệu 31,9 triệu hộ gia đình; 16,1 triệu người tham gia BHXH; 83,895 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Ngoài ra, đơn vị cũng đã đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương.

Còn đối với CSDLQG về lĩnh vực đất đai: Địa chính (tích hợp dữ liệu từ 36 tỉnh/thành phố; 322 huyện thị; 4.880 xã, phường với 24 triệu thửa đất; 12,8 triệu giấy chứng nhận và hơn 3,5 triệu hồ sơ tiếp nhận); Quy hoạch (tích hợp dữ liệu 21.000 đơn vị, bao gồm quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trước năm 2010 và năm 2010)…

Khi nói về kết quả việc thực hiện nhiệm vụ này đối với các địa phương, hiện có 38 địa phương đã ban hành danh mục CSDL dùng chung của địa phương với tổng cộng 1.545 CSDL.

Trong đó, trung bình là mỗi địa phương 41,7 CSDL và 28,5 CSDL liệu là con số khoảng giữa hay trung vị (median). Sự chênh lệch lớn giữa con số trung bình và khoảng giữa thể hiện số lượng các CSDL được các tỉnh, thành phố xây dựng không đồng đều, có sự chênh lệch lớn.

Trong kết quả đạt được tích cực này, đáng biểu dương là các địa phương có số CSDL nhiều nhất là: Thừa Thiên Huế được hoạch định 169 CSDL, Thái Bình (109), Hà Giang (81).

“Trong khi đó nhóm các tỉnh có số CSDL ít nhất là: Nghệ An (16), Hà Nam (18), Quảng Trị (19)…”, theo Bộ TT&TT.

Các đơn vị cần nhanh chóng ban hành danh mục các CSDL dùng chung

Từ những kết quả đạt được này của các đơn vị, Bộ TT&TT đánh giá mặc dù các đơn vị đã cố gắng, tích cực, nỗ lực, tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là kết quả như mong đợi, kỳ vọng, vì vẫn còn tình trạng kết quả nhiều đơn vị chưa đồng bộ, chậm, thiếu bước tiến cụ thể trong việc triển khai.

Chỉ ra nguyên nhân cho tình trạng trên, theo Bộ TT&TT, là vì khi triển khai nhiệm vụ này, các đơn vị thực hiện theo những định hướng, mô hình, đặc thù khác nhau: CSDL về dân cư triển khai theo mô hình dữ liệu chủ làm trung tâm kết nối các CSDL chuyên ngành; CSDLQG về đăng ký DN triển khai nằm trong một hệ thống đăng ký DN; CSDL về đất đai đang triển khai theo hướng tích hợp đồng bộ từ CSDL của các địa phương về một phân hệ trung tâm…

Vì những lý do trên nên khi triển khai nhiệm vụ, các đơn vị khi chia sẻ dữ liệu quốc gia nói riêng và các CSDL từ Trung ương tới địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Điều này dẫn đến các địa phương chờ đợi hay tự xây dựng các CSDL của riêng mình”, Bộ TT&TT đánh giá.

Hơn nữa, nhiều danh mục CSDL của các đơn vị chưa phân rõ các CSDL đã hoàn thành xây dựng và CSDL sẽ xây dựng theo lộ trình trong thời gian tới; việc xây dựng các quy định/tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật chậm, mới chỉ có một số loại dữ liệu được ban hành, chưa có chuẩn về dữ liệu…

Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả nhiệm vụ này trong hiện tại và tương lai, Bộ TT&TT đề xuất, kiến nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng ban hành danh mục các CSDL dùng chung của mình để có định hướng và kế hoạch rõ ràng về việc xây dựng tài nguyên dữ liệu số thuộc phạm vi mình.

Hơn nữa, nội dung ban hành cần bám sát hướng dẫn của Bộ TT&TT để đảm bảo sự đồng bộ, thuận lợi cho việc tham chiếu, tham khảo điều chỉnh khi triển khai, hoàn thiện các CSDL.

Mặt khác, các cơ quan cấp bộ cần rà soát phạm vi lĩnh vực quản lý, lập danh sách các loại đối tượng, hoạt động cần số hóa theo ngành, lĩnh vực quản lý; phân định trách nhiệm xây dựng dữ liệu giữa bộ và địa phương, bảo đảm nguyên tắc một loại dữ liệu chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm cập nhật; hướng dẫn các địa phương thực hiện thu thập và kết nối, tích hợp đồng bộ dữ liệu về Trung ương.

Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường quản trị dữ liệu thông qua việc thiết lập hệ thống đầu mối phụ trách dữ liệu để quản lý thống nhất; định kỳ kiểm tra, đánh giá, duy trì dữ liệu bảo đảm chất lượng dữ liệu trong CSDL dùng chung theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

“Các đơn vị cần tích cực triển khai thiết lập CSDL tích hợp dùng chung và nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung cấp bộ, cấp tỉnh để cung cấp thông tin tổng hợp, thống kê, dự đoán, dự báo phục vụ chỉ đạo, điều hành. Đây là bước đầu để tạo ra các giá trị gia tăng từ dữ liệu”, Bộ TT&TT đề xuất.

Như vậy, với những kết quả đạt được và chưa đạt được, việc đánh giá lại nhiệm vụ này rất quan trọng, bởi lẽ, khi làm tốt việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu mở sẽ góp phần tạo ra hệ thống dữ liệu chỉnh thể có quan hệ chặt chẽ xuyên suốt trong cơ quan nhà nước và thúc đẩy nhanh, đắc lực vào tiến trình thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia.

Hiện nay, việc xây dựng và phát triển dữ liệu trong chính phủ điện tử, chính phủ số Việt Nam trải qua 04 giai đoạn:

Giai đoạn 1: CSDL xây dựng một lần, thông qua việc thu thập, số hoá, đo đạc, khảo sát… và đưa vào các CSDL sử dụng phục vụ chủ yếu cho việc thống kê, xuất bản ấn phẩm và gần như không được cập nhật.

Giai đoạn 2: CSDL trong các hệ thống thông tin, được thu thập, cập nhật, khai thác nhưng dữ liệu chủ yếu luân chuyển trong nội bộ hệ thống, trong phạm vi nghiệp vụ, trong cơ quan nhà nước, trong ngành.

Giai đoạn 3: CSDL làm nền tảng phát triển CPĐT, hướng tới CPS, do đó, các CSDL lớn, chuẩn hoá và xây dựng tập trung phục vụ đa mục đích, chia sẻ rộng rãi cho các bộ, ngành, địa phương; tạo nền tảng để cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển những ứng dụng mới.

Giai đoạn 4: Dữ liệu làm nền tảng CĐS quản trị công và phát triển kinh tế số và xã hội số. Dữ liệu phong phú, đa dạng, bao gồm các CSDLQG, dữ liệu chủ, dữ liệu lớn, dữ liệu trí tuệ nhân tạo… góp phần đắc lực vào CĐS quốc gia.

Ở 04 giai đoạn này, hiện nay chúng ta đang tích cực củng cố triển khai giai đoạn 3 và đang định hướng chuyển sang giai đoạn 4./.

Theo ictvietnam.vn