Nhiều cơ sở du lịch đã CĐS như một việc không thể bỏ qua để tiết kiệm chi phí nhân sự, hạ tầng.
Các giải pháp SaaS được ưa thích nhằm tiết kiệm chi phí
Nhà sáng lập, CEO ezCloud Nguyễn Hoàng Dương cho biết, đơn vị này đã hoạt động trong lĩnh vực CĐS du lịch 10 năm và trải qua rất nhiều bài học thành công cũng như thất bại. Trong đó, du lịch là một lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi 2 năm dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Để rồi, ở Việt Nam, thời điểm trước dịch COVID-19, theo thống kê có khoảng 80.000 điểm lưu trú, cơ sở du lịch nhưng hiện nay chỉ còn gần 40.000 cơ sở.
“Đó là một thách thức mà chúng ta phải đối mặt và ezCloud đang đồng hành cùng ngành du lịch để CĐS”, ông Dương cho biết.
Trong bối cảnh ngành du lịch đã có những cải thiện khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Cùng với đó, Chính phủ đã định hướng du lịch là một ngành mữi nhọn, trọng tâm phát triển trong giai đoạn tới. Nhờ đó, doanh thu các cơ sở du lịch đã từng bước được khôi phục.
Bên cạnh đó, theo đại diện ezCloud, thời gian qua, ngành du lịch đã ý thức được việc áp dụng công nghệ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, những doanh nghiệp CĐS trong lĩnh vực này như ezCloud đã được đón nhận một cách tích cực hơn.
“Thay vì nhìn CĐS như một chi phí thì bây giờ mọi người xem đó là một lựa chọn đầu tư không thể bỏ qua trong quá trình vận hành DN”, ông Dương nhận định
Cụ thể, với các DN lưu trú từ 3 - 5 sao, việc áp dụng công nghệ để tiết giảm chi phí là một lựa chọn đầu tư bắt buộc trong tình hình mới. Thay vì lựa chọn các giải pháp "may đo" tốn tiền thì các DN dần thay đổi quan niệm lựa chọn các giải pháp theo mô hình phần mềm như là một dịch vụ (SaaS) nhằm tiết kiệm chi phí nhân sự hạ tầng.
Lý giải cho điều này, nhà sáng lập ezCloud cho biết mô hình SaaS khiến cho các chủ cơ sở du lịch có thể vận hành một cách dễ dàng chỉ trên một chiếc smartphone cùng chi phí đầu tư phì hợp. Qua đó, người chủ điểm cơ sở du lịch có thể check-in, check-out, bán phòng trên các kênh online, xuất hoá đơn điện tử…
Còn các DN lưu trú nhỏ hơn, dưới 2 sao, việc thay đổi thói quen quản lý thủ công sang dùng công nghệ là một rào cản, nhất là các chủ DN lớn tuổi và các cơ sở ở khu vực mà việc tiếp cận các giải pháp công nghệ còn hạn chế.
Ngoài ra, kết nối Internet ở các vùng du lịch mới nổi như Măng Đen, Hà Giang, Tà Xùa… còn hạn chế, đây cũng là một rào cản trong việc ứng dụng công nghệ CĐS du lịch ở các địa phương này.
Du lịch đang là một trong số những ngành bị “đô hộ số”
Cũng theo CEO của ezCloud, ngành du lịch đang là một trong số những lĩnh vực đang bị “đô hộ số” rất mạnh, khi các DN nước ngoài đang chiếm phần lớn thị phần cùng với rất ít sự tham gia của các công ty Việt Nam.
Hậu quả là dòng tiền trong lĩnh vực này đang chảy qua các DN nước ngoài và họ cũng đang lấy một tỷ lệ phí nền tảng rất lớn từ 25 - 30%. “Đây là một vấn đề tương đối đau đầu đối với các cơ quan quản lý", ông Dương đánh giá.
Ông Nguyễn Hoàng Dương: Ngành du lịch đang là một trong số những lĩnh vực đang bị “đô hộ số”
rất mạnh, khi các DN nước ngoài đang chiếm phần lớn thị phần.
Sở dĩ du lịch không có nhiều DN lớn tham gia vì quy mô thị trường không đủ lớn, phân mảnh và mức độ ứng dụng công nghệ không nhiều. Một số DN lớn như Vingroup tham gia vì mục tiêu là giải quyết bài toán cho vấn đề nội bộ của mình trước sau đó mới mở rộng tập khách hàng ra bên ngoài.
Để có nhiều hơn các DN Việt tham gia vào quá trình CĐS du lịch thì hãy để nó vận hành theo cơ chế thị trường. Khi du lịch phát triển, tiềm năng ứng dụng các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực này được nâng lên thì sẽ có thêm các DN Việt tham gia làm sản phẩm.
Tiếp theo, cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) nên có những hoạt động hỗ trợ truyền thông các nền tảng trong nước, triển khai nâng cấp hạ tầng kết nối Internet ở các khu vực du lịch tạo điều kiện để các DN CĐS và DN du lịch có cơ hội ứng dụng công nghệ trong bài toán quản trị và vận hành DN trong tình hình mới.
“Nếu có thể, nhà nước nên có các chính sách bảo hộ các DN nội địa để từng bước xây dựng nên các nền tảng CĐS quốc gia từ đó cung cấp lại cho nhà nước các thông tin dữ liệu chính xác để đưa ra các chính sách phát triển phù hợp dựa trên dữ liệu”, ông Dương bày tỏ.
ezCloud mong muốn được tham gia cùng với Nền tảng CĐS quốc gia,
khi đã xây dựng được một hệ thống báo cáo về dữ liệu ngành.
Chỉ khi có hệ báo cáo về dữ liệu ngành thì hoạch định chính sách mới hiệu quả
CEO ezCloud khẳng định, việc các DN nước ngoài nắm trong tay phần lớn thị trường dẫn đến các đơn vị liên quan trong nước không có những chỉ số báo cáo theo thời gian thực liên quan đến hành vi, thói quen, xu hướng của khách hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạch định chính sách phát triển du lịch quốc gia.
Vì vậy, dưới góc nhìn của một trong những DN ứng dụng công nghệ cho ngành du lịch, ông Dương hy vọng cơ quan quản lý sớm hỗ trợ triển khai các nền tảng CĐS quốc gia, từng bước số hóa toàn bộ dữ liệu ngành du lịch để từ đó có đủ thông tin phục vụ QLNN, đánh giá mức độ tăng trưởng cũng như quy hoạch sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
“ezCloud mong muốn được tham gia cùng với nền tảng CĐS quốc gia, nhất là khi nắm được khoảng 15% cơ sở lưu trú, ezCloud đã xây dựng được một hệ thống báo cáo về dữ liệu ngành”, ông Dương nói.
Ví dụ như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do gần TP. HCM nên thời gian lưu trú chủ yếu ngắn ngày và chi phí cơ sở lưu trú khá cao, trung bình 1,5 triệu do thường đặt vào cuối tuần. Vì vậy, có thể nói, hành vi khách du lịch ở tỉnh chủ yếu là “tối nay đặt xe để ngày mai đi”. Từ những dữ liệu này, cơ quan quản lý sẽ có thông tin để lập kế hoạch, marketing, giảm giá để kích thích du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về lý do phát triển nền tảng báo cáo này, ông Dương cho biết, xuất phát từ bài toán quản trị của tổ chức đó là cái gì đo đếm được thì sẽ quản trị tốt, ezCloud đã bắt tay xây dựng một hệ thống báo cáo quản trị thời gian thực phục vụ công việc của công ty.
Trong tương lai, ông Dương hy vọng số liệu các báo cáo này sẽ từng bước được hoàn thiện với quy mô khách hàng đủ lớn thì các số liệu này sẽ giúp ích cho các cơ quan QLNN, nhất là trong việc hoạch định các chính sách phát triển du lịch tại từng khu vực. Chỉ khi đó, chúng ta mới có cách tiếp cận mới, hiệu quả về việc khai thác dữ liệu ngành phục vụ QLNN.
“Kết quả sau 3 năm, các chỉ số quản trị của hệ thống báo cáo này đã được hoàn thiện, với một số phân khúc và khu vực, các chỉ số này đã đưa ra các thông tin tương đối chính xác phản ánh tình hình du lịch theo thời gian thực”, ông Dương nói.
Ngoài ra, khai thác dữ liệu là một bài toán khó trong tất cả các ngành không riêng gì ngành du lịch vì Việt Nam chưa chú trọng việc xây dựng một nền tảng dữ liệu quốc gia một cách bài bản.
Nhất là với du lịch thì câu chuyện này lại càng trở nên nan giải khi hầu hết dữ liệu này nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài như nền tảng tìm kiếm Google, nền tảng đặt phòng OTA Booking, Agoda, Traveloka.. Các DN này cung cấp dịch vụ cho các DN du lịch và khai thác dữ liệu này để phục vụ lợi ích kinh doanh của họ mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào về việc chia sẻ thông tin cho nhà nước Việt Nam.
“Do đó nhà nước nên có các chế tài yêu cầu các DN này cung cấp dữ liệu thời gian thực cho nhà nước VIệt Nam để từng bước xây dựng một hồ dữ liệu ngành phục vụ công tác quản trị một cách hiệu quả”, ông Dương kết luận./.