Chiều 14/9, tại Nhà Quốc hội, hơn 120 đại biểu quốc tế và 300 đại biểu Việt Nam đã tham dự tọa đàm ''Tăng cường năng lực số cho thanh niên''. Đây là sự kiện đầu tiên khởi động chuỗi hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Quochoi.vn)
Người trẻ phải tiên phong và hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực số
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy nêu rõ, chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng tất yếu khách quan, diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội, trên phạm vi toàn cầu mà không một quốc gia nào, tổ chức nào, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình đó.
Cùng với nhận thức chung của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Trung ương Đoàn xác định CĐS trước hết là chuyển đổi về nhận thức. Muốn CĐS cần có những công dân có đầy đủ năng lực số để học tập, làm việc, kinh doanh, khởi nghiệp, giải trí… trên môi trường số. Trong đó, người trẻ phải là đối tượng tiên phong trong nâng cao năng lực số của bản thân và hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực số.
Trong bối cảnh CĐS, thanh niên phải đối mặt với những thách thức không nhỏ mà điển hình nhất, dễ thấy nhất đó là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động khi máy móc dần thay thế con người trong một số lĩnh vực và sự dịch chuyển về lực lượng lao động toàn cầu.
Với sự cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, nếu thanh niên không quan tâm tới việc tăng cường năng lực số của bản thân, chủ động tham gia quá trình CĐS thì không chỉ ảnh hưởng tới chính cơ hội nghề nghiệp, việc làm, phát triển bản thân trong tương lai của thanh niên mà rộng hơn là thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng.
“Trước đây người ta thường nói "Đứng lại có nghĩa là thụt lùi" nhưng giờ đây nếu bạn đi chậm hơn người khác tức là bạn đã thụt lùi. Vì vậy, CĐS là thách thức song trên hết nó là cơ hội để thanh niên đi nhanh hơn, bứt phá, tạo những giá trị mới; đóng góp vào sự hùng cường thịnh vượng của quốc gia trong tương lai không xa”, anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh.
Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi thanh niên, với trách nhiệm là người bạn đồng hành của thanh niên Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động, góp phần tạo ra môi trường thuận lợi để thanh niên thay đổi nhận thức về CĐS, có cơ hội tiếp cận, nâng cao kiến thức, kỹ năng số cần thiết cho học tập, lao động, khởi nghiệp, lập nghiệp…
Theo anh Bùi Quang Huy, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại thủ đô Hà Nội với chủ đề: "Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo" là một diễn đàn hết sức cần thiết, mang lại nhiều giá trị cho thanh niên Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Trung ương Đoàn vinh dự khi được giao tổ chức tọa đàm "Tăng cường năng lực số cho thanh niên". “Đây là một cơ hội quý báu để nghị sĩ trẻ các nước trên thế giới, các chuyên gia trong lĩnh vực CĐS và thanh niên Việt Nam chia sẻ những vấn đề chúng ta cùng quan tâm”.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy: Người trẻ phải là đối tượng tiên phong
trong nâng cao năng lực số của bản thân và hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực số. (Ảnh: Quochoi.vn)
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng khẳng định và tin tưởng, những ý kiến được chia sẻ tại Tọa đàm sẽ giúp cho các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và các nước trên thế giới có thêm nhiều thông tin quý báu trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, hành động nhằm nâng cao năng lực số cho thanh niên, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc thông qua CĐS và đổi mới sáng tạo (ĐMST); cùng nhau hành động vì sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của mỗi quốc gia và toàn thế giới.
Chia sẻ tại Tọa đàm về những khó khăn, thách thức trong việc nâng cao năng lực số, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết: Thách thức lớn nhất hiện nay trong câu chuyện phát triển năng lực số, kỹ năng số là thay đổi nhận thức. Thanh niên có nhiều mối quan tâm, và năng lực số là một trong số đó.
“Trong kỷ nguyên số, chúng tôi có câu nói vui: Nếu chúng ta vẫn làm những gì chúng ta đang làm, thì chúng ta chỉ có những gì chúng ta đang có. Để nhanh chóng có được năng lực số, kỹ năng số, thách thức lớn nhất là thay đổi nhận thức, khó khăn lớn nhất là thay đổi thói quen. Vì thế, chúng ta cần phải có những giải pháp, cách tiếp cận khác cách thức mà chúng ta nâng cao năng lực thông thường, như triển khai khóa đào tạo online ngắn hạn, rút ngắn thời gian đào tạo, chia thành nhiều đợt, dựa theo nhu cầu thực tế. Đó chính là sự thay đổi về cách tiếp cận”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Việt Nam là ví dụ tiêu biểu về sự ĐMST của giới trẻ
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Martin Chungong, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cho rằng, sự kiện này là bước khởi đầu rất hữu ích để bổ trợ thông tin tại các diễn đàn của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 trong những ngày tới.
Quá trình phát triển, IPU đã thực sự trở thành một tổ chức toàn cầu của nghị viện các quốc gia trên thế giới, với 179 nghị viện thành viên và 14 cơ quan nghị viện khu vực; đồng thời đại diện cho 90% dân số thế giới. Vì thế, việc tạo động lực và trao quyền cho giới trẻ là nhiệm vụ của IPU.
Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong. (Ảnh: Quochoi.vn)
“IPU tiếp tục tin tưởng mạnh mẽ và ủng hộ vai trò của các nghị viên trẻ, với những năng lực số và thanh niên là lực lượng tiên phong trong CĐS. Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu khi chúng ta được chứng kiến sự năng động và ĐMST của giới trẻ. Đặc biệt, Việt Nam có cách tiếp cận CĐS với nhiều tiến bộ và giới trẻ là lực lượng đi đầu trong công cuộc này” - Tổng Thư ký Martin Chungong đánh giá.
Tổng Thư ký IPU cũng cho biết, IPU đang xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn 2022 - 2026, trong đó đặt CĐS, công nghệ số là ưu tiên hàng đầu để giải quyết các thách thức.
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cũng chia sẻ về sáng kiến tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) của Việt Nam. Đây là chương trình do Bộ TT&TT phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai.
Mô hình tổ CNSCĐ với thành viên nòng cốt là đoàn viên thanh niên. Tổ CNSCĐ thực hiện các chiến dịch đi từng ngõ, gõ từng nhà để hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số cơ bản: Dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo vệ mình trên không gian mạng và một số kỹ năng đặc thù khác phụ thuộc vào từng yếu tố vùng miền, địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng ban hành tài liệu hướng dẫn cho tổ CNSCĐ để các thành viên của tổ căn cứ vào đó tham khảo và thực hiện triển khai một cách hiệu quả.
Đồng thời, năm 2022, Bộ TT&TT đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ tổ CNSCĐ trên cả nước. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành đã thành lập tổ CNSCĐ cấp xã, với 350.000 thành viên tham gia.
“Năm 2023, Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh tổ chức và tôn vinh những tổ CNSCĐ hoạt động hiệu quả, giúp đỡ được nhiều người dân nâng cao kỹ năng số. Đây là một các tiếp cận tương đối đặc thù của Việt Nam trong việc thúc đẩy CĐS toàn dân, toàn diện”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, các diễn giả và các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến quá trình CĐS của Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới; đặc biệt là vai trò của thanh niên trong việc đẩy mạnh CĐS và ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực trong cuộc sống. Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực số cho giới trẻ; chia sẻ về những nguy cơ và thách thức khi tiếp cận những tiến bộ về công nghệ số hiện nay.
Đồng thời, các đại biểu đều cho rằng thanh niên, giới trẻ Việt Nam cũng như toàn cầu hiện đang đứng tước ngưỡng cửa cơ hội lớn. Người trẻ cần đầu tư những giá trị về năng lực số cho mình để phát triển vững vàng trong kỹ nguyên số sắp tới. Sứ mệnh của thanh niên là đi tiên phong trong CĐS, do vậy cần trau dồi thường xuyên năng lực số để không chỉ giúp ích cho bản thân mỗi cá nhân người trẻ mà còn đóng góp chung cho cộng đồng, đất nước và cho toàn cầu./.