Ông Kunio Mikuriya, Tổng thư ký Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).
PV: Xin ông đánh giá về xu hướng phát triển công nghệ hải quan trên thế giới và mục tiêu định hướng của WCO trong thời gian tới?
Ông Kunio Mikuriya: Công nghệ là một phần rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh thương mại toàn cầu phát triển như hiện nay. Với các cơ quan hải quan, chúng tôi áp dụng công nghệ hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo thuận lợi cho thương mại, đồng thười đảm bảo an ninh thương mại.
WCO sẽ tiếp tục cùng các cơ quan hải quan xây dựng các tiêu chuẩn để hài hòa hóa thủ tục hải quan ở khắp mọi nơi trên thế giới, với công nghệ hỗ trợ, và con người làm trọng tâm của sự phát triển.
PV: Tiến trình chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực hải quan đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Theo ông, cơ quan Hải quan cần xây dựng kế hoạch như thế nào để tạo sức hấp dẫn về nghề hải quan, từ đó thu hút thế hệ cán bộ Hải quan kế nhiệm?
Ông Kunio Mikuriya: Chúng ta biết là thế hệ trẻ ngày nay có niềm đam mê với công nghệ, nhưng cũng cần không quên chia sẻ với họ những kiến thức về ngành hải quan, để họ biết sử dụng công nghệ trên nền tảng những kiến thức chuyên ngành hải quan. Như vậy, có thể thu hút thêm tài năng trẻ đến với ngành hải quan, khi mà họ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế trong bối cảnh thương mại thế giới phát triển như hiện nay.
PV: Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong quá trình áp dụng công nghệ, quan điểm của ông về vấn đề đổi mới đào tạo, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong các cơ quan Hải quan?
Ông Kunio Mikuriya: Trong ngành hải quan, con người là nguồn lực có gía trị nhất. Những càn bộ hải quan trẻ ngày hôm nay chính là tương lai của các cơ quan hải quan. Đó là lý do tại sao chủ đề của Hội nghị 2023 mà WCO đưa ra là “… Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”, khuyến khích văn hóa chia sẻ và nâng cao niềm tự hào ngành hải quan. Lòng yêu nghề và tính chuyên nghiệp của ngành nghề là điều mà những cán bộ hải quan hiện nay cần truyền lại cho thế hệ kế cận.
PV: Đánh giá của WCO đối với Hải quan Việt Nam về kết quả hiện nay và theo ông, Hải quan Việt Nam cần chú trọng mục tiêu gì trong thời gian tới?
Ông Kunio Mikuriya: Hải quan Việt Nam đã rất nỗ lực và chủ động thay đổi theo những khuyến nghị, tiêu chuẩn của WCO trong việc hài hòa hóa, đơn giản hóa thủ tục hải quan. Liên quan đến công nghệ, Việt Nam cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đi đôi với công nghệ và lấy con người làm trung tâm của sự phát triển. Tôi tin là Hải quan Việt Nam, với thế hệ trẻ tài năng hiện tại, có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
PV: Ông có thể dành một vài lưu ý cho Hải quan Việt Nam trong việc xây dựng mô hình công nghệ đáp ứng yêu cầu hỗ trợ cán bộ Hải quan khi triển khai các mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, thông quan và kiểm soát hàng hóa qua biên giới?
Ông Kunio Mikuriya: Đúng như mục tiêu của Hội nghị này, Hội nghị là cơ hội để các bên có thể giới thiệu về những kinh nghiệm áp dụng công nghệ đang thực hiện tại quốc gia của mình, cũng như các sản phầm hiện có trên thị trường ứng dụng trong lĩnh vực hải quan.
Tôi chắc chắn rằng Hải quan Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội tìm hiểu về những cơ quan hải quan khác trên thế giới đang làm gì, để có thể tự đánh giá và áp dụng những giải pháp có thể để nâng cao chất lượng đào tạo nhận lực của mình. Và ngược lại, Hải quan Việt Nam cũng có thể chia sẻ về những kinh nghiệm tốt của mình.
PV: Vậy theo ông, Hải quan Việt Nam phải chú trọng những vấn đề gì để xây dựng và nuôi dưỡng thế hệ chuyên gia hải quan kế nhiệm?
Ông Kunio Mikuriya: Việt Nam, trong mắt những nhà kinh doanh, là một điểm đến vô cùng tiềm năng. Khi tôi hỏi một số đồng nghiệp thuộc Ban cố vấn của Khu vực tư nhân, là họ muốn đầu tư kinh doanh ở đâu, thì họ đã trả lời Việt Nam. Sự phát triển kinh tế Việt Nam được kỳ vọng rất lớn. Thế hệ trẻ cần biết điều đó và nên truyền cho họ niềm tự hào để phát triển nghề nghiệp.
WCO luôn sẵn sàng cung cấp hỗ trợ, và Hội nghị này chính là một minh chứng cho điều đó. Việc linh hoạt thích ứng với bối cảnh xã hội không ngừng biến đổi như hiện nay cũng là một điều vô cùng quan trọng. Định hướng CĐS trong chiến lược của Chính phủ, cần được áp dụng trong lĩnh vực hải quan. Lãnh đạo hải quan cần kiên định với mục tiêu, cũng như truyền lửa cho thế hệ hải quan tương lai, đồng thời với việc phát huy những truyền thống vốn có, đó là một điều rất quan trọng.
PV: Xin cảm ơn ông!