Năng lực CĐS, năng lực áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất kinh doanh ngày càng trở thành một phần đầu tư tiên quyết giúp mọi người, đặc biệt là những người kinh doanh, bán hàng, có được nhiều thu nhập hơn. CĐS không còn là một câu chuyện xa vời, mà đã trở nên rất thực tế. Và đối với các chị em phụ nữ, CĐS là một câu chuyện như vậy, rất thiết thực và sát sườn, đặc biệt cần thiết với những người muốn phát triển kinh tế cá nhân, kinh tế hộ gia đình.
Vừa qua, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) đã tổ chức nhiều khóa học cho phụ nữ nói chung và các phụ nữ yếu thế nói riêng, dưới sự bảo trợ của nhiều cơ quan, tổ chức. Trung tâm đang phấn đấu vì mục tiêu nâng cao tiềm năng cho phụ nữ và giúp họ làm chủ cuộc sống, vươn lên làm giàu bền vững.
Trong những ngày tháng 10 ý nghĩa, Trung tâm đã tổ chức hoạt động tập huấn nâng cao năng lực CĐS, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững. Lớp tập huấn diễn ra trong 02 ngày, dưới cả hai hình thức trực tiếp tại Hà Nội và diễn ra song song trên nền tảng trực tuyến Zoom. Đây là hoạt động do CWD tổ chức, được sự đồng hành của Viện Friedrich Naumann vì Tự do (FNF). Giảng viên của lớp tập huấn là TS. Lê Văn Sơn, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Giảng viên của lớp tập huấn là TS. Lê Văn Sơn
Khóa tập huấn đã hướng dẫn chị em phụ nữ những nội dung như cơ hội và thách thức trong nền kinh tế số, cách chuẩn bị, lập kế hoạch để ứng dụng công nghệ số, phương pháp marketing số, làm nội dung, bán hàng trên các nền tảng TMĐT…
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc CWD, cho biết nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là mục tiêu mà Hội Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục hướng tới trong thời gian tới. Bởi vì, có được quyền năng về kinh tế, tự chủ về thu nhập, phụ nữ mới có thể làm chủ cuộc sống của họ.
Đào tạo, hỗ trợ cho ít nhất 25.000 chị em phụ nữ ứng dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh (SXKD)
Được thành lập vào năm 2002, nhưng phải đến năm 2007, CWD mới bắt đầu đi vào hoạt động, sau 5 năm xây dựng cơ sở vật chất. Nhiệm vụ của Trung tâm là hỗ trợ sự phát triển toàn diện của phụ nữ, qua đó cải thiện vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Để có thể làm nhiệm vụ to lớn như vậy, Trung tâm phải tập trung vào nhóm phụ nữ yếu thế trước tiên, sau đó mới mở rộng cho các đối tượng khác.
Giám đốc CWD cho biết những phụ nữ yếu thế ở đây là những người bị bạo lực gia đình, bị xâm hại và bị mua bán trở về. Năm 2007, mô hình Ngôi nhà Bình Yên cũng chính thức được thành lập và thí điểm hoạt động, hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc CWD, đang ấp ủ mong muốn kết nối với các doanh nghiệp (DN),
tổ chức những sự kiện “TechFest thu nhỏ” ngay tại địa chỉ 20 Thụy Khuê, Hà Nội.
Đây là mô hình nhà tạm lánh cung cấp dịch vụ toàn diện, miễn phí cho các chị em yếu thế và con cái của họ. Họ được miễn phí ăn, ở và sinh hoạt tại Nhà Bình Yên, tối đa trong 6 tháng, thậm chí là 12 tháng với những đối tượng bị mua bán.
Trong quá trình đó, Trung tâm còn hỗ trợ chăm sóc con của các chị, đưa các cháu đến trường học. Những đối tượng phụ nữ này từng bị bạo lực nặng, cả về thể chất và tinh thần, vì vậy Trung tâm cũng hỗ trợ về mặt y tế và pháp lý, giúp các chị giải quyết những tranh chấp trong vấn đề nuôi con, phân chia tài sản hoặc ly hôn.
Đặc biệt, xác định rõ chỉ khi phụ nữ có thể làm chủ về kinh tế, họ mới có thể làm chủ cuộc sống của mình và tránh được những tình thế bạo lực, Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ học nghề cho các chị em.
“Nếu sau khi rời khỏi Nhà bình yên, các chị em không có nghề, không có việc làm, cuối cùng họ rất dễ lặp lại những tình cảnh trước đó. Lệ thuộc vào kinh tế là một trong những lý do khiến phụ nữ rơi vào tình trạng bị bạo lực gia đình, hoặc bị dụ dỗ sang nước ngoài tìm việc và bị mua bán”, bà Dương Thị Ngọc Linh nói.
Chính vì vậy, Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động khởi nghiệp, đào tạo nâng cao kiến thức về quản lý hoạt động SXKD, marketing và bán hàng cho các chị em. “Xã hội đã và đang thay đổi với sự ra đời, thâm nhập của công nghệ số, vì thế nếu cứ bán hàng trực tiếp theo cách truyền thống sẽ không giúp các chị em tiếp cận được nhiều khách hàng”, bà Linh nói và cho biết Trung tâm đã mở một gian hàng (shop) bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee.
Theo bà Linh, gian hàng chính hãng của CWD (Center for Women and Development - CWD) trên Shopee chuyên giới thiệu những sản phẩm đạt chất lượng, có nguồn gốc của các chị em. Trung tâm hỗ trợ và hướng dẫn các chị em sử dụng mã QR để khách hàng yên tâm về nguồn gốc sản phẩm, quay clip, làm nội dung, kể những câu chuyện về sản phẩm để giới thiệu trong các buổi livestream. Đây đều là sản phẩm của các chị em đã và đang tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên. Hiện nay, gian hàng có khoảng hơn 30 sản phẩm, mang thêm một nguồn thu nhập cho chị em.
Với gian hàng trên Shopee, Trung tâm hoàn toàn bỏ chi phí duy trì, đóng vai trò là cầu nối, hỗ trợ chị em kinh doanh, tạo thu nhập và “không thu bất kỳ khoản phí nào với các chị em”. Bà Linh hy vọng sau khi các chị em có kiến thức về ứng dụng CĐS, gian hàng chính hãng của Trung tâm trên Shopee sẽ tiếp tục có thêm nhiều sản phẩm mới.
Giảng viên Lê Văn Sơn và các chị em trong buổi tập huấn về CĐS
Giám đốc CWD tiết lộ trong thời gian tới, Trung tâm sẽ hợp tác với quỹ châu Á (The Asia Foundation) để đẩy mạnh các hoạt động. Ngoài ra, Trung tâm sẽ xây dựng một chương trình đào tạo ứng dụng CĐS trong hoạt động SXKD. Hiện nay, đang trong quá trình chờ phê duyệt dự án, nhưng Trung tâm đã bắt đầu xây dựng các tài liệu CĐS, bao gồm các bài giảng ngắn.
“Bất cứ người phụ nữ ở nông thôn nào, mặc dù đang bận việc gia đình, nấu nướng, vẫn có thể mở điện thoại và nghe những bài giảng về các ứng dụng số trong các sản phẩm của mình”, bà Linh nói. Thời gian tới, Trung tâm dự kiến sẽ đào tạo, hỗ trợ cho ít nhất 25.000 chị em phụ nữ có hoạt động SXKD, đặc biệt lưu tâm hướng đến các chị em ở vùng nông thôn, kèm theo đó là đào tạo 500 cán bộ hỗ trợ để họ có thể thúc đẩy cho 25.000 chị em phụ nữ ứng dụng công nghệ số.
Theo dõi các sự kiện hội chợ TechFest, bà Linh nhận thấy một số giải pháp công nghệ như AI hay robot, có thể ứng dụng vào SXKD. Vì thế, bà Linh đang ấp ủ mong muốn kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức những sự kiện “TechFest thu nhỏ” ngay tại địa chỉ 20 Thụy Khuê, để chị em có thể trực tiếp xem, trao đổi cách thức ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Với công nghệ, phụ nữ như được chắp thêm cánh, được hỗ trợ mạnh mẽ hơn
Là đơn vị đồng hành cùng CWD tổ chức khóa tập huấn về CĐS cho chị em phụ nữ yếu thế, bà Lê Thị Thu Trang, cán bộ quản lý dự án của tổ chức FNF, cho biết Viện đang muốn đẩy mạnh CĐS cho phụ nữ.
Bà Lê Thị Thu Trang: Khi một người phụ nữ trưởng thành, họ hiểu rằng
độc lập về mặt kinh tế là điều quan trọng nhất
“Viện FNF và Trung tâm CWD đã gặp nhau ở một điểm chung là cùng muốn hỗ trợ cho sự tiến bộ, sự tự do của phụ nữ, mà muốn nâng cao quyền năng của phụ nữ thì phải tập trung làm chủ kinh tế”, bà Trang chia sẻ.
Theo bà Trang, trước hết, CĐS giúp phụ nữ nắm bắt thông tin một cách dễ dàng hơn, thuận tiện hơn, từ đó nâng cao nhận thức của họ về cuộc sống, về quyền của người phụ nữ. Tất cả những nội dung, thông tin, từ văn bản, đến hình ảnh, âm thanh, tài liệu về pháp luật, đều được thể hiện rất sinh động qua các nền tảng số, website, các ứng dụng mạng xã hội. Cũng thông qua đó, phụ nữ nâng cao nhận thức, hiểu về thế mạnh của mình, tiếp cận đến nhiều cách phát triển bản thân, tạo ra những kết nối trong cộng đồng phụ nữ.
“Làm việc với phụ nữ, tôi thấy rằng phụ nữ rất giỏi trong việc kết nối. Ngoài ra, khả năng bán hàng của phụ nữ rất tốt, họ có lợi thế từ việc dẫn dắt câu chuyện, họ tỉ mỉ một cách dịu dàng, dễ nghe, tạo nên những thiện cảm trong cộng đồng và giúp lan tỏa câu chuyện. Phụ nữ cũng có đủ sự tinh tế, khéo léo, kiên nhẫn để có thể học cách sử dụng công nghệ số. Đó là một điểm mạnh “bẩm sinh” của người phụ nữ. Và với công nghệ, họ như được chắp thêm cánh, được hỗ trợ mạnh mẽ hơn", bà Thu Trang nói.
Và như vậy, rõ ràng CĐS sẽ giúp người phụ nữ có được năng lực về kinh tế, tự chủ trong cuộc sống của mình và đương nhiên tự chủ về mặt kinh tế cũng sẽ giúp họ tránh được tất cả những cạm bẫy về bạo lực cũng như bị lừa đảo, mua bán. Khi một người phụ nữ trưởng thành, họ hiểu rằng độc lập về mặt kinh tế là điều quan trọng nhất.
CWD đang tập trung hỗ trợ nhóm phụ nữ yếu thế, đó là những phụ nữ bị bạo lực gồm có bạo lực gia đình, bị xâm hại, bị mua bán trở về hoặc di cư không an toàn. Từ năm 2007 đến nay, chúng tôi đã tập trung hỗ trợ tốt nhóm phụ nữ yếu thế thông qua hoạt động của Ngôi nhà Bình yên và qua tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680.
Bà Dương Thị Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc CWD