Nói về những kết quả khi triển khai nhiệm vụ này, tính đến tháng 10/2023, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực và sự chuyển biến mạnh mẽ cung cấp nhiều giá trị lợi ích cho mọi người dân, và điển hình phải kể đến những kết quả đối với lĩnh vực: dữ liệu số; dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); An toàn, an ninh mạng (ATANM); Chữ ký số (CKS)… luôn có sự gia tăng giá trị về con số.
100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành danh mục DVCTT
Tính đến hết ngày 24/10/2023, đối với lĩnh vực dữ liệu số, đã có hơn 103 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, DN kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); có 09 cơ sở dữ liệu (CSDL), 15 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP; trung bình hàng ngày có khoảng 1,6 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
Riêng Bộ Công an đã vận hành Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và kết nối với 15 bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
Bộ Công an cũng đã tiếp nhận 1.287.085.416 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin; 537.264.707 yêu cầu đồng bộ thông tin công dân, đồng bộ thành công 227.739.598 thông tin công dân vào dữ liệu dân cư.
Cùng với đó, CSDL ngành ngành Bảo hiểm cũng đạt kết quả nổi bật, khi cung cấp, chia sẻ 131.751.885 lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT) cho CSDL quốc gia về dân cư.
Đặc biệt hơn, đến nay, kết quả CSDL quốc gia về đăng ký DN cũng đã có lượng dữ liệu lưu trữ lớn đạt gần 1,9 triệu DN (khoảng 900.000 DN đang hoạt động), bao gồm doanh nghiệp nhà nước, DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán.
Cũng như dữ liệu số, kết quả việc triển khai, cung cấp DVCTT (tính đến hết tháng 9/2023), đã có 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành danh mục DVCTT; tỷ lệ thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình đạt 100%.
Cũng trong hệ thống cung cấp DVCTT, 02 nhóm dịch vụ công liên thông Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa hộ khẩu thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” đã giúp cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện, chi phí đi lại của người dân (từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc đối với nhóm khai sinh và từ 25 ngày xuống còn 10 ngày làm việc đối với nhóm khai tử).
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT tại
Trung tâm Hành chính công TP. Tân An, tỉnh Long Anh (Ảnh: la34.com.vn)
Tính đến nay, phần mềm Dịch vụ công liên thông đã tiếp nhận và xử lý thành công đối với 240.720 hồ sơ liên thông khai sinh và 20.023 hồ sơ liên thông khai tử.
Về phát triển công dân số, theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chíp. Đã thu nhận trên 67,5 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 45,4 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 67,5%). Có 29 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục mở đợt cao điểm cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân (Điển hình, UBND tỉnh Gia Lai mở đợt cao điểm 50 ngày đêm tuyên truyền cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn từ 01/9/2023 đến hết ngày 20/10/2023).
Đối với CKS (tính đến hết tháng 10/2023), Bộ TT&TT đã cấp giấy phép hoạt động cho 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng.
Trong lộ trình giai đoạn năm 2018 đến tháng 9/2023, đến nay, số lượng các DN được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS tăng lên cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường cung cấp dịch vụ chứng thực CKS.
Đặc biệt (tính đến tháng 9/2023), kết quả ký số từ xa (remote signing) và dịch vụ chứng thực CKS trên thiết bị di động (Mobile PKI) đạt 292.151 lượt ký. Đáng mừng hơn, việc ký số từ xa và ký số trên thiết bị di dộng đang hoạt động tính đến nay đạt 212.170 chứng thư số.
Ở lĩnh vực an toàn an ninh mạng, tính đến tháng 10/2023, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.010 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 11,8% so với tháng 9/2023 (903 cuộc tấn công), tăng 17,9% so với cùng kỳ tháng 10/2022 (857 cuộc tấn công).
Và để đạt hiệu quả, sự an toàn hơn nữa cho lĩnh vực này, Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường các biện pháp rà quét trên không gian mạng Việt Nam và thường xuyên tích cực đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.
Tập trung ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) các lĩnh vực có thế mạnh
Để thúc đẩy triển khai CĐS quốc gia ngày một đạt hiệu quả hơn nữa, Bộ TT&TT nêu một số giải pháp, đề xuất, kiến nghị.
Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, DN cần tích cực đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua việc triển khai xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các CSDL quốc gia, chuyên ngành; thu thập, xử lý, làm sạch dữ liệu, kết nối để khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành và chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; tập trung rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở tăng cường ứng dụng CNTT, liên thông thủ tục và tái sử dụng dữ liệu; thực hiện việc nâng cấp, hoàn thiện, kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, phần mềm chuyên ngành phục vụ việc giải quyết TTHC; tập trung tháo gỡ dứt điểm những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; rà soát, hoàn thiện các CSDL hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương với các CSDL quốc gia; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng (địa điểm, điện lưới,…) để các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng các vùng lõm; đưa cáp quang tới các thôn bản, đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình.
“Đặc biệt, cần tập trung ưu tiên CĐS các lĩnh vực có thế mạnh, tác động lớn đến phát triển kinh tế, xã hội”, Bộ TT&TT đề xuất./.