Thứ Ba, 26/11/2024
Ngày đăng: 09/11/2023 - Lượt xem: 87
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số là tổng hòa hai yếu tố: Chiến lược và chuyển đổi tự thân trong tổ chức

“Chuyển đổi số (CĐS) phải là tổng hòa của hai yếu tố: Chiến lược và chuyển đổi tự thân trong tổ chức. Muốn thành công trong CĐS, phải đặc biệt chú ý tới hai yếu tố này”, GS. David L. Rogers nhấn mạnh.

Ngày 08/11/2023, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức Hội thảo Quốc tế “Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai” với mục tiêu mang lại những bài học kinh nghiệm CĐS thực tế từ chuyên gia hàng đầu thế giới.

Với nhiều năm nghiên cứu chuyên sâu về CĐS cùng kinh nghiệm tư vấn chiến lược cho những tập đoàn hàng đầu thế giới, các diễn giả từ Columbia Business School là ông David L. Rogers, bà Sheena S. Iyengar đã chia sẻ những phương pháp và bài học thực tế, có thể nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn quá trình xây dựng nền kinh tế số quốc gia nói chung và chiến lược CĐS nói riêng của từng doanh nghiệp (DN).


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Lộ trình CĐS 5 bước

Diễn giả đầu tiên, GS. David L. Rogers, chuyên gia CĐS với kinh nghiệm tư vấn chiến lược cấp cao cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, CitiGroup, Visa, HSBC, Unilever, Toyota và nhiều tổ chức uy tín khác đã có những chia sẻ đáng chú ý để tổ chức, DN CĐS.

GS. David L.Rogers chia sẻ lộ trình CĐS 5 bước theo nghiên cứu của ông đã được trình bày trong cuốn sách mới nhất “Lộ trình chuyển đổi số” (Digital Transformation Roadmap) mà ông là tác giả.

Lộ trình gồm 5 bước: (1) Xác định được tầm nhìn chung; (2) Lựa chọn những vấn đề quan trọng nhất; (3) Kiểm chứng các thử nghiệm mới; (4) Quản lý tăng trưởng quy mô lớn và (5) không ngừng tăng trưởng về năng lực.


GS. David L. Rogers: CĐS phải bắt đầu một cách toàn diện, từ các cấp thấp nhất
cho tới lãnh đạo DN, tập đoàn và tổ chức.

Về xác định tầm nhìn chung, GS. David L. Rogers đặc biệt lưu ý tới việc các DN cần định hướng tương lai, hình dung ra sự tác động của DN tới xã hội và cộng đồng nói chung. Bên cạnh đó, DN cũng không thể không chú ý tới vấn đề thu hồi khoản đầu tư cho quá trình CĐS.

Bước thứ hai là lựa chọn các vấn đề quan trọng cần tập trung. GS. David L. Rogers khẳng định: “CĐS không đơn giản chỉ là chuyển đổi về công nghệ”.

Ông cho rằng ChatGPT, Metaverse…, chỉ là các công cụ để giúp các DN thực hiện các mục tiêu tương lai của mình. "Để thành công, các DN cần không ngừng theo đuổi và phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết của khách hàng, công việc kinh doanh".

Nhiều DN đã thành công khi tìm cách giải quyết các nhu cầu của khách hàng, qua đó thiết lập vị thế đi trước trên thị trường”, GS. David L. Rogers cho hay.

Thứ ba là bước kiểm chứng các thử nghiệm mới, GS. David Rogers khẳng định: Thay vì lập ra các kế hoạch theo mô hình truyền thống, các DN thành công đã không ngừng áp dụng các thử nghiệm mới trong quá trình CĐS của mình.

Vị chuyên gia dẫn chứng một loạt thí dụ thành công cũng như thất bại của các “ông lớn” liên quan tới CĐS như CNN, Walmart…. Theo đó, ông gợi mở: “Tại sao không bắt đầu từ những thử nghiệm nhỏ mà lại tập trung vào những kế hoạch quá tốn kém mà lại dễ thất bại? Các nhà khoa học cũng thường bắt đầu bằng các giả thuyết chứ không khởi đầu bằng kế hoạch. Chúng ta cũng nên tập thói quen không ngừng thử nghiệm nhỏ để rút ra bài học, từ đó dẫn tới thành công”.

Bước thứ tư trong lộ trình CĐS, GS. David L. Rogers nhấn mạnh: Quản trị là phần không thể bỏ qua, trong đó cần nhấn mạnh vào việc quản lý tăng trưởng. “CĐS phải bắt đầu một cách toàn diện, từ các cấp thấp nhất cho tới lãnh đạo DN, tập đoàn và tổ chức”, ông nói.

Về bước cuối cùng là phát triển năng lực, vị chuyên gia này cho rằng các DN cần tập trung cho 3 yếu tố cốt lõi, bao gồm: công nghệ số - nhân tài số - văn hóa số. "Đây cũng là 3 yếu tố rất cần thiết cho tất cả các DN trong quá trình CĐS.

Gợi mở về yếu tố công nghệ, GS. David L. Rogers cho rằng, mỗi DN cần tìm ra công nghệ số phù hợp. Bên cạnh đó, các DN cũng cần tìm ra… nhân tài số.

Các chuyên gia lập trình, AI… có đủ kinh nghiệm, phù hợp và có tinh thần học hỏi, sẵn sàng thử nghiệm rất quan trọng trong quá trình này. Để tạo nên nguồn lực này, các công ty có thể thông qua quá trình chuyển dụng, tự đào tạo… Bên cạnh đó, DN cần phải tạo ra môi trường tốt để giữ chân nhân tài”, vị chuyên gia chia sẻ.

Về văn hóa số, dẫn chứng từ Netflix và Amazon, GS. Rogers cho rằng: Các tổ chức, DN cần tạo ra sự thay đổi về văn hóa, truyền cảm hứng cho quá trình chuyển đổi tới tất cả thành viên của mình. Quá trình này cần được thực hiện từ những bước thấp nhất, lồng ghép sự thay đổi trong tất cả các hoạt động thường ngày.

GS. David L. Rogers khẳng định bản chất cốt lõi của CĐS không hẳn chỉ là chuyển đổi về mặt công nghệ. Quá trình này bao gồm cả việc phải xác định việc thay đổi tư duy, áp dụng tư duy mới vào trong chính tổ chức của mình. Bên cạnh đó, các DN phải nghĩ tới dữ liệu vì đây là tài sản đóng vai trò cốt lõi trong chặng đường phát triển của DN trong tương lai.

Trao đổi cụ thể hơn cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, GS. David L. Rogers cho rằng quá trình CĐS chắc chắn sẽ không hề dễ dàng và dẫn số liệu qua nghiên cứu, có tới 70 - 80% chiến dịch CĐS trong các DN đã không mang lại kết quả mong muốn.

Theo GS David L. Rogers, nhóm rào cản với quá trình CĐS của DN, bao gồm: không có tầm nhìn chung; không có kỷ luật trong xác định ưu tiên; không có thói quen thử nghiệm; không linh hoạt trong quản trị và không tăng trưởng về năng lực.

CĐS phải là tổng hòa của hai yếu tố: Chiến lược và chuyển đổi tự thân trong tổ chức. Muốn thành công trong CĐS, phải đặc biệt chú ý tới hai yếu tố này”, GS. David L. Rogers nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này nhận định, CĐS là quá trình chuyển đổi DN lâu năm để phát triển hiệu quả trong thời đại số không ngừng thay đổi. Đây là thách thức diễn ra trong rất nhiều ngành hiện nay. Ông cho rằng, thay đổi này chắc chắn sẽ ảnh hưởng toàn diện tới tất cả các DN.

Tổng kết lại, GS. David J. Rogers lưu ý: thứ nhất, CĐS không phải là công nghệ. Đó là về kinh doanh và khách hàng. Thứ hai, CĐS không thể chỉ bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao, mà phải được thực hiện từ cấp thấp nhất và gắn kết từ mọi cấp trong tổ chức. Thứ ba, CĐS không phải một dự án có ngày bắt đầu và kết thúc, mà là một quá trình liên tục.

Nghĩ lớn và tư duy “ngoài khung”

Tiếp nối chương trình, GS. Sheena Iyengar trình bày bài thuyết trình với chủ đề "Làm thế nào để có thể nghĩ lớn hơn" (Think bigger). Đây là phương pháp luận mà GS. Sheena Iyengar là tác giả, một người đã có nhiều thiệt thòi từ nhỏ khi 3 tuổi đã bị bệnh giác mạc, sau đó là đối mặt với các khó khăn về sức khoẻ và gia đình.


GS. Sheena Iyengar: mỗi chúng ta, DN và các tổ chức cần phải tư duy
“ngoài khung” và không theo lối mòn.

Theo GS. Sheena Iyengar, phương pháp có thể áp dụng hỗ trợ cho sự thay đổi nói chung của mỗi cá nhân, DN và cộng đồng.

GS. Sheena Iyengar nhấn mạnh, mỗi chúng ta, DN và các tổ chức cần phải tư duy “ngoài khung” và không theo lối mòn. Đồng thời, mỗi cá nhân, các tổ chức cần học hỏi, tận dụng lại các kiến thức đã có sẵn, từ đó tìm ra “các chiến thuật” mới phù hợp. “Đây cũng là con đường chung dẫn tới thành công của rất nhiều vĩ nhân cũng như các “ông lớn” trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

GS. Sheena Iyengar cũng đưa ra 6 bước cụ thể để thực hành theo phương pháp Nghĩ lớn; bao gồm: (1) lựa chọn vấn đề; (2) chia nhỏ vấn đề; (3) so sánh mong muốn; (4) tìm kiếm trong và ngoài khuôn khổ; (5) hình thành bản đồ lựa chọn và (6) Con mắt thứ ba - đặt bản thân vào người khác để nhìn nhận lại lựa chọn của mình đã thực hiện.

96% giao dịch của MB trên các nền tảng, dịch vụ số

Chia sẻ về những chuyển đổi cùng CĐS của MB, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết nguồn lực lớn nhất để MB chuyển đổi, CĐS là bắt đầu từ tầm nhìn DN và xây dựng một đội ngũ gắn bó, tài năng trong cả một quá trình liên tục, dài hạn. “Khi một tổ chức, DN muốn chuyển đổi thành một tổ chức, DN số thì toàn bộ tổ chức, DN sẽ được chuyển dịch. Sự chuyển đổi đó bao gồm nguồn lực của tổ chức (gồm cả nhân lực), các khả năng đầu tư, cũng như một quá trình bền bỉ của tổ chức, DN để thực hiện quá trình chuyển đổi đó”.


Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái: CĐS ngân hàng đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dân, DN

Chủ tịch MB cũng chia sẻ thêm MB đã nghiên cứu phương pháp làm việc từ dưới lên một thời gian và đang ứng dụng cách thức tốt nhất để các ý tưởng đổi mới, sáng tạo đi từ dưới lên. Các tổ chức cũng như ngân hàng cần tổ chức thành các nhóm nhỏ hơn và đa chức năng. Như vậy, các nhóm nhỏ từ dưới lên sẽ được vận hành như một công ty nhỏ với nhiều chức năng và có thể giải quyết, quyết định những vấn đề được đặt ra và từ đó có thể thử nghiệm nhanh hơn các giải pháp cũng như tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.

Chia sẻ về CĐS của lĩnh vực ngân hàng, Chủ tịch Lưu Trung Thái khẳng định: “CĐS ngân hàng đã mang lại những lợi ích to lớn cho người dân, DN. Lĩnh vực ngân hàng đã CĐS nhanh chóng trong nhiều năm vừa qua. Hầu hết các ngân hàng đã CĐS và phục vụ khách hàng trên nền tảng, ứng dụng số. Ít nhất là khoảng 80% các giao dịch lớn của ngân hàng hiện nay được xử lý qua các nền tảng. Do đó việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, DN được nhanh chóng hơn”.

Người đứng đầu MB cho biết MB đã xử lý khoảng 96% giao dịch trên các nền tảng, dich vụ số. Theo đó, năng suất lao động và khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân, DN được tăng lên. Tốc độ xử lý và năng suất lao động của xã hội cũng được tăng lên. Như vậy, bản thân người được hưởng lợi lớn nhất là khách hàng và DN. Sau đó, việc sử dụng dữ liệu, nền tảng, các công cụ CĐS giúp cho tăng năng suất lao động và quản lý rủi ro cho ngân hàng./.

Theo “Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông”