Thứ Ba, 26/11/2024
Ngày đăng: 21/12/2023 - Lượt xem: 38
Xem với cỡ chữ

Thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), thủ tục hành chính (TTHC) liên thông… đang được triển khai mạnh mẽ trên môi trường số, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân khi thực hiện các giao dịch hành chính.

Quá trình sử dụng giao dịch điện tử (GDĐT) toàn trình sẽ không thể thiếu chữ ký số (CKS) cá nhân vì có tính pháp lý thay thế chữ ký tay và con dấu, rút ngắn quy trình thực hiện TTHC và GDĐT.


Người dân thị xã Bình Long, Bình Phước được hướng dẫn cài đặt và sử dụng CKS
cá nhân trong các giao dịch hành chính (Nguồn: baobinhphuoc)

CKS - công cụ quan trọng giúp người dân thực hiện DVCTT toàn trình mọi lúc, mọi nơi

Ngày 24/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2020/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo đó, từ ngày 15/8/2022, DVCTT chỉ còn 02 mức độ: toàn trình và một phần (thay vì 04 mức độ như trước đây).

Đối với việc áp dụng quy trình toàn trình cho DVCTT, việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đều có thể được thực hiện trên môi trường mạng, từ đó, đặt ra yêu cầu đối với các TTHC có yêu cầu người nộp đơn, tài liệu thực hiện dịch vụ công (DVC) phải ký vào bản giấy thì nay cần phải có giải pháp tương đương trên môi trường mạng.

Vì vậy, CKS có thế coi như là một thành tố bắt buộc trong quy trình thực hiện DVCTT. Công cụ này đóng vai trò quan trọng giúp người dân thực hiện các DVCTT toàn trình đảm bảo linh hoạt ký duyệt mọi lúc, mọi nơi, rút ngắn tối đa thời gian giao dịch hành chính, tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa quốc gia.


Mô tả quy trình thực hiện DVCTT toàn trình

Tuy sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, là giải pháp tích cực để thúc đẩy người dân/doanh nghiệp (DN) thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nhưng ký số từ xa là dịch vụ còn rất mới, kể cả các quốc gia tiên tiến như tại châu Âu cũng mới đưa dịch vụ này vào triển khai thực tế từ năm 2018. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân có chứng thư số cá nhân, sử dụng CKS còn rất khiêm tốn, dẫn đến các giao dịch cá nhân còn thực hiện theo phương thức truyền thống trên giấy, gây lãng phí, không đảm bảo tính xác thực. Do đó, việc tích hợp CKS từ xa vào các cổng DVC, cổng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến là thách thức không nhỏ đối với các địa phương, bộ, ngành.

Mặt khác, trong thực tế, để kết nối đến 01 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (CA) để tích hợp ký số từ xa, các đơn vị quản lý, vận hành cổng cần phải tham khảo, đáp ứng bộ tài liệu hướng dẫn theo hệ thống của CA, thử nghiệm kết nối để triển khai. Việc này trung bình sẽ tốn từ 6 - 8 tuần liên tục, khiến cho việc kết nối đến tất cả các CA trở thành một thách thức to lớn đối với đơn vị quản lý, vận hành cổng.

Hiện nay, số lượng CA cung cấp dịch vụ chứng thực CKS theo mô hình ký số từ xa mới chỉ phát triển ở 10 đơn vị (tăng 03 đơn vị so với 2022), trong tương lai, nếu số lượng tăng dần theo thời gian, sẽ phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và kinh phí cũng như gây ra sự bất cập khi phải liên tục cập nhật hệ thống.

Một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng CKS trong các DVCTT

Để thực hiện nhiệm vụ được giao về việc "Cổng DVC cấp bộ, cấp tỉnh phải Kết nối với Cổng kết nối dịch vụ chứng thực CKS công cộng để giúp cho tổ chức, cá nhân thực hiện ký số thuận tiện, dễ dàng khi sử dụng các DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”, từ năm 2022, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã nghiên cứu và tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt Hướng dẫn kết nối ứng dụng sử dụng CKS với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng theo mô hình ký số từ xa theo Quyết định số 769/QĐ-BTTTT ngày 27/4/2022.

Theo đó, việc kết nối từ các Cổng DVC cấp bộ, cấp tỉnh có nhu cầu ký số từ xa đến các CA được đơn giản hóa thành một tập giao thức thống nhất đối với tất cả các CA, tối ưu hóa việc kết nối giữa bên cung cấp DVCTT và các CA.

Đầu năm 2023, nhằm cụ thể hoá các nội dung từ Quyết định 769/QĐ-BTTTT năm 2022 hướng dẫn kết nối ứng dụng sử dụng CKS với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng, NEAC đã tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành Công văn số 936/BTTTT-NEAC ngày 22/3/2023 nhằm hướng dẫn cụ thể phương thức tích hợp tính năng ký số vào cổng DVC.

Trong thời gian tới, NEAC đang và sẽ hoàn thiện đề xuất, xây dựng Cổng kết nối dịch vụ chứng thực CKS bước đầu tích hợp giải pháp ký số từ xa.

Theo mô hình nói trên, các bên cung cấp dịch vụ trực tuyến chỉ cần kết nối MỘT lần duy nhất đến Cổng kết nối, việc kết nối đến từng CA đã được định nghĩa và xử lý bởi Cổng, từ đó hạn chế tối đa việc phải cập nhật hệ thống do sự biến động của các CA.


Việc phát triển và triển khai Cổng cũng như các thư viện phần mềm hệ thống đã được các cổng DVC
nhiệt tình tiếp nhận, tiết kiệm được nguồn lực, thời gian cũng như kinh phí cho các đơn vị vận hành là rất đáng kể.

Căn cứ theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, NEAC đã phối hợp với các Bộ Ngành, địa phương triển khai tích hợp ký thành công đối với 56 trên 63 tỉnh, 2 trên 22 Bộ, ngành. Người dân sở hữu CKS dịch vụ ký số từ xa của các CA đã tích hợp với cổng eSign đều có thể thực hiện tính năng ký số trên các cổng DVC này.

NEAC vẫn đang tiếp tục đánh giá các vướng mắc, khó khăn cũng như thu thập các vấn đề đặc thù khi kết nối với các Cổng DVC để có các hướng dẫn chi tiết hơn nữa. Trong thời gian tới, NEAC sẽ tiếp tục khẩn trương tích hợp Cổng kết nối dịch vụ chứng thực CKS công cộng và Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương còn lại.

Bên cạnh đó, NEAC cũng tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và các chính sách thúc đẩy ứng dụng CKS vào các DCVTT. Cụ thể, trong năm 2023, NEAC đã tích cực phối hợp và làm việc với Câu lạc bộ CKS và GDĐT Việt Nam, các tổ chức đã được cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực CKS theo mô hình ký số từ xa, Sở TT&TT các địa phương triển khai chương trình “Cấp chứng thư số miễn phí cho người dân”.

Tính đến tháng 11/2023, đã có 18/63 địa phương triển khai chương trình với 260.500 chứng thư số đã được cấp phát. Chương trình bước đầu đã tạo được hiệu ứng tốt với khối chính quyền, cơ bản người dân cũng đã nắm được chủ trương sau khi được tuyên truyền và hưởng ứng.

Ngoài ra, NEAC còn phối hợp với các Sở TT&TT của các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị tuyên truyền về CKS và dịch vụ chứng thực CKS cho các cán bộ từ cấp xã, phường, bệnh viện, trường học…; tổ chức phổ biến Luật Giao dịch điện tử 2023; phát hành tờ rơi giới thiệu nhanh về Luật Giao dịch điện tử 2023, in ấn, sản xuất vật phẩm tuyên truyền nhằm đưa CKS đến gần với người dân hơn.

Các hoạt động tuyên truyền, cấp phát CKS miễn phí đã bước đầu đạt được sự quan tâm nhất định từ các cấp, các ngành và địa phương trên cả nước, góp phần không nhỏ vào việc nâng tỉ lệ công dân trưởng thành sở hữu CKS cá nhân đạt 5%. Trong thời gian tới NEAC cùng phối hợp với các CA để triển khai cấp CKS trên nhiều địa bàn hơn để tạo động lực thúc đẩy cho hoạt động này trên cả nước, đẩy mạnh chuyển đổi số đến từng địa phương nói chung và đến từng công dân nói riêng./.

Theo “Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông”