Thứ Ba, 26/11/2024
Ngày đăng: 26/12/2023 - Lượt xem: 38
Xem với cỡ chữ

Cần giải quyết một số bất cập để triển khai nhanh chữ ký số

Chữ ký số là một loại hình công nghệ, công cụ số giúp rút ngắn thời gian để ký hợp đồng mà không cần các đối tác phải có mặt trực tiếp. Lợi ích số nhanh chóng này là điều tích cực, không thể phủ nhận.

Còn một số bất cập do “chậm”

Tuy nhiên, ở góc nhìn theo hướng ngược lại hoặc nói cách khác chữ ký số hiện nay vẫn chưa “nhanh” trong việc triển khai, sử dụng. Về điều này, theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT đó là các bất cập như: Về phía người dân, việc đăng ký chứng thư số đã sử dụng hình thức online, sử dụng eKYC, tuy nhiên, các đối tượng công dân là người cao tuổi (trên 45 tuổi) chưa tự thực hiện được và phải hướng dẫn tận nơi.

Cùng với đó, vẫn còn có một số ít người dân khi thực hiện ký điện tử xác nhận vào phiếu đăng ký sử dụng chữ ký số sợ lộ thông tin nên từ chối sử dụng chữ ký số.


Chữ ký số còn có thể thực hiện ký số nhanh chóng ngay trên điện thoại di động.

Đồng thời, các thiết bị đầu cuối (giá rẻ hoặc máy cũ/máy cho tặng): Không có mật khẩu icloud, không chụp rõ ảnh hoặc KYC chính xác; không có sinh trắc học thì không sử dụng được.

Hiện nay, dịch vụ vẫn còn rất mới, và hầu hết người dân sau khi đăng ký chứng thư số chưa phát sinh nhiều nhu cầu (dịch vụ, ứng dụng) sử dụng chữ ký số, dẫn đến tình trạng chứng thư số cấp ra nhưng không có hoạt động”, NEAC nhận định

Cũng theo NEAC, một hạn chế nữa là về phía các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử (CA công cộng) vẫn còn trong tình trạng thiếu nhân sự trực tiếp ngồi thường trực tại các khu vực hành chính công ở địa bàn để thực hiện cấp CKS cho công dân; quá trình cấp chứng thư số lâu do phải chờ nhân sự CA duyệt; chi phí cho một thuê bao và nhân sự hỗ trợ rất lớn. Tuy nhiên, các CA công cộng lại đang cung cấp miễn phí cho người dân dẫn đến việc triển khai tại các địa phương mà CA công cộng không có địa bàn hoạt động còn nhiều hạn chế.

Những khó khăn, hạn chế trên vẫn chưa dừng lại, NEAC còn cho rằng, về phía cơ quan quản lý hiện nay: Các cấp chính quyền mới chỉ tập trung vào việc cài đặt chữ ký số cho người dân, chưa chú trọng nhiều vào hiệu quả cải cách hành chính.

Cùng với đó là hiện tại các cổng dịch vụ công vẫn chấp nhận hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, người dân đã hoàn thành hồ sơ để cấp chữ ký số cũng không sử dụng; người dân sử dụng trên dịch vụ công nhưng vẫn thu bản cứng. Điều này dẫn tới thời gian xử lý công việc tăng gấp đôi.

Hơn nữa, hệ thống dịch vụ công vẫn chưa quy chuẩn nên người dân chưa dùng được chữ ký số nhiều và vẫn còn thiếu các hoạt động triển khai truyền thông và Tổ chức cấp CKS cho người dân tại các địa phương.

Chủ động phương án cấp chữ kỹ số trực tuyến

Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, muốn phát phát triển chữ ký số hiện tại và trong tương lai, theo NEAC, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị CA trong công tác triển khai do hiện nay các nhà CA đổ nguồn lực khá lớn để triển khai hoàn toàn miễn phí cho công dân.

Bên cạnh đó, cần có phương án tối ưu quy trình cấp phát chứng thư số sử dụng công nghệ định danh điện tử để giảm thời gian cấp pháp chứng thư số cho công dân. Đồng thời, kiến nghị kết nối xác thực qua Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an, để đăng ký chứng thư số được thuận tiện, nhanh chóng hơn.

Bộ TT&TT và NEAC thời gian tới tích cực đẩy mạnh việc liên kết với các bộ, ban ngành đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số từ xa trong cuộc sống, như các cổng dịch vụ công, ngân hàng, y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác.

Đặc biệt sẽ có báo cáo chính phủ hoàn thiện các văn bản, thông tư hướng dẫn chi tiết cho Luật Giao dịch điện tử 2023”, NEAC đề xuất.

Cũng theo NEAC, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, các địa phương đã triển khai chương trình cấp chứng thư số miễn phí cho người dân thì cần tiếp tục đẩy mạnh việc ban hành tỷ lệ dịch vụ công toàn trình, sử dụng chữ ký số trong các giao dịch để không lãng phí tài nguyên, nguồn lực, sức lực triển khai của các địa phương, hướng đến mô hình chuyển đổi số thực chất.

Còn đối với các địa phương sắp triển khai chương trình cấp chứng thư số miễn phí cho người dân cần chủ động tổ chức các chương trình truyền thông về việc sử dụng chữ ký số trong các dịch vụ công tới người dân. Rút kinh nghiệm, học hỏi từ các địa phương làm tốt để triển khai một cách tối ưu, hiệu quả.

Cần lên kế hoạch cụ thể, chỉ tiêu cho từng địa bàn. Có kế hoạch tuyên truyền, rà soát các ứng dụng thực tiễn của chữ ký số từ xa trong cuộc sống thường ngày của người dân, đồng thời, cùng với các CA công cộng để đưa phương án cấp chữ ký số trực tuyến”, NEAC đề xuất./.

Theo “Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông”