Cán bộ Viễn thông Ninh Bình hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng chữ ký số
khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (Ảnh: ninhbinh.edu.vn)
Công tác thúc đẩy, phát triển dịch vụ
Xác định đây tích hợp CKS công cộng vào dịch vụ công là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhằm phát triển dịch vụ, tiến tới thúc đẩy hình thành công dân số, NEAC luôn có những định hướng cải cách theo hướng thuận tiện cho người dùng đầu cuối cũng như đơn vị tích hợp các giải pháp.
Trên cơ sở đó, trong năm 2023, NEAC đã tập trung thực hiện việc phát triển các ứng dụng trung gian, hỗ trợ kết nối và đạt được một số kết quả, cụ thể như sau:
- Công văn số 936/BTTTT-NEAC ngày 22/3/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn tích hợp tính năng ký số vào cổng dịch vụ công.
- Triển khai Công văn số 936/BTTTT-NEAC ngày 22/3/2023, cùng với yêu cầu từ Đề án 06, NEAC đã tích cực phối hợp với các CA công cộng, Trung tâm Công nghệ thông tin của các bộ, ngành và Sở TT&TT các địa phương để tích hợp giải pháp ký số từ xa vào cổng dịch vụ công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Đến hết Quý III năm 2023, theo thông tin từ NEAC, đã tích hợp thành công cổng kết nối dịch vụ chứng thực CKS ESign trên cổng dịch vụ công của 55/63 địa phương, 02 Bộ (Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư pháp) và đang hướng dẫn kỹ thuật cho 06 Bộ và 08 địa phương. Theo thống kê đã có tổng số khoảng 12.519.293 lượt gọi vào hệ thống Esign và 97.249 lượt ký số từ xa thành công.
Dự kiến, đến hết năm 2025, NEAC sẽ hoàn thành tích hợp CKS công cộng vào 100% dịch vụ công trên môi trường mạng và hoàn thành phát triển thành công Nền tảng quốc gia về ký số. Ngoài ra, cùng với việc Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) (sửa đổi) đi vào đời sống, NEAC cũng sẽ định hướng phát triển các dịch vụ và các ứng dụng hỗ trợ đi kèm nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của GDĐT nói chung và các dịch vụ tin cậy nói riêng.
Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của CKS
Từ năm 2018, Bộ TT&TT liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, hiệu quả của CKS và dịch vụ chứng thực CKS; phổ biến các văn bản hướng dẫn, quy định mới trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực CKS, hướng dẫn quy trình ứng dụng CKS cho văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước.
Năm 2023, thay vì tổ chức các hội nghị tuyên truyền mang tính khu vực và đối tượng tỉnh như mọi năm, NEAC đã phối hợp Sở TT&TT các tỉnh Yên Bái, Sóc Trăng và Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Tuyên truyền về CKS, dịch vụ chứng thực CKS với sự tham gia của không chỉ các cán bộ đại diện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh mà còn mở rộng đối tượng tuyên truyền đến cả cán bộ cấp xã (bộ phận một cửa).
Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng trình bày về vai trò, lợi ích của CKS trong các hoạt động của Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kiến thức bổ ích để trang bị cho các cán bộ công chức, viên chức, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chất lượng, hiệu quả công tác này, đóng góp tích cực cho sự nghiệp chuyển đổi số quốc gia. Việc tăng cường triển khai các dịch vụ sử dụng CKS, đặc biệt là trong các dịch vụ công là chìa khóa để tạo nên các công dân số, đưa người dân lên môi trường số sẽ là mục tiêu của giai đoạn sắp tới.
Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục có các định hướng, giải pháp để xây dựng các kế hoạch quản lý, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nhằm nâng cao chất lượng quản lý và cung cấp dịch vụ chứng thực CKS, xác thực điện tử.
Xây dựng Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Ngày 22/6/2023, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật GDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, thay thế cho Luật GDĐT 2005 (trừ một số trường hợp quy định chuyển tiếp).
Luật GDĐT 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 29/11/2005 đã tạo hành lang pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế cho GDĐT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.
Luật GDĐT 2023 gồm 8 Chương, 53 Điều, kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 Điều, quy định mới 18 Điều so với Luật GDĐT 2005.
Một số chính sách nổi bật của Luật GDĐT 2023, cụ thể:
- Luật giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số;
- Luật là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy GDĐT toàn trình, tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống;
- Luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện hợp đồng điện tử, đưa ra cơ sở pháp lý để Bộ trưởng các Bộ có thể ban hành theo thẩm quyền quy định về hợp đồng điện tử trong ngành, lĩnh vực của mình;
- Luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số;
- Luật cung cấp hành lang pháp lý cho việc cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hàng năm (kinh phí sự nghiệp);
- Luật quy định rõ chính sách chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến.
Có thể khẳng định: “Luật GDĐT 2023 có thể coi là tiền đề quan trọng để đẩy mạnh CĐS, từ đó có thực tiễn để đề xuất Luật CĐS vào một thời điểm thích hợp trong tương lai”.
Sau khi Luật GDĐT năm 2023 ban hành, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 Ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 5 và Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 13/10/2023 Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật GDĐT. Theo đó, NEAC được giao chủ trì xây dựng Nghị định quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy, thời hạn trình là tháng 5/2024.
Căn cứ các nội dung Luật GDĐT 2023 đã được Quốc hội thông qua, trong quý III năm 2023, NEAC đã rà soát hiện trạng và kinh nghiệm quốc tế các tiêu chuẩn áp dụng lĩnh vực hạ tầng khóa công khai để tham mưu và đề xuất với Lãnh đạo Bộ TT&TT dự kiến kế hoạch hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật lĩnh vực, cụ thể như sau:
- Xây dựng tiêu chuẩn quy định áp dụng đối với dịch vụ mới theo Luật GDĐT 2023: bổ sung các tiêu chuẩn liên quan tới dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu và dịch vụ cấp dấu thời gian;
- Hợp nhất các bộ tiêu chuẩn để thống nhất quản lý nhà nước lĩnh vực hạ tầng khóa công khai, bao gồm:Hợp nhất các bộ tiêu chuẩn để thống nhất quản lý nhà nước quy định cho “Danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về CKS và dịch vụ chứng thực CKS”; Hợp nhất các bộ tiêu chuẩn để thống nhất quản lý nhà nước đối với nội dung “Quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ký số, kiểm tra CKS” và “Danh mục tiêu chuẩn về CKS và định dạng văn bản điện tử ký số”.
- Cập nhật phiên bản mới các tiêu chuẩn đang áp dụng./.