Thứ Ba, 26/11/2024
Ngày đăng: 06/01/2024 - Lượt xem: 53
Xem với cỡ chữ

“Rào cản” trong việc bảo đảm hoạt động liên tục của CSDL, hệ thống thông tin

Năm 2023, dữ liệu trong cơ quan nhà nước (CQNN) đã có sự tăng trưởng vượt bậc. CQNN đã đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chung 07 cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia.

Đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối và chia sẻ các CSDL quốc gia

Năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia để thúc đẩy phát triển dữ liệu, tận dụng hiệu quả sự bùng nổ dữ liệu trên các nền tảng số Việt Nam nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp (DN).


Ảnh minh hoạ (Nguồn: chinhphu.vn)

Theo đó, năm 2023 với chủ đề “Năm dữ liệu số quốc gia" nhằm giúp tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra các giá trị mới. Năm dữ liệu số quốc gia tập trung cụ thể vào các nội dung: Phát triển dữ liệu mở; phát triển CSDL; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

 Dữ liệu số quốc gia gồm ba thành phần chính: (1) Dữ liệu số của cơ quan nhà nước phục vụ quản trị công; (2) Dữ liệu số của (DN) phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh; (3) Dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ TT&TT, năm 2023, dữ liệu trong CQNN đã có sự tăng trưởng vượt bậc. CQNN đã đưa vào vận hành, khai thác sử dụng chung 07 CSDL quốc gia. Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục CSDL đạt 64%. Số CSDL chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 CSDL lên 2.087 CSDL. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng mạnh từ 9% lên hơn 52% so với năm 2022.

CSDL quốc gia về dân cư lưu thông tin của khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99% dân số Việt Nam; kết nối với 15 bộ, ngành; 63/63 địa phương; 04 DN. Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, cập nhật trên 92.000 trường hợp thôi quốc tịch, gần 5 triệu trường hợp thay đổi thông tin trong hộ tịch để phục vụ việc làm sạch dữ liệu.

Đối với CSDL quốc gia về đăng ký DN, tháng 12/2023 đã kết nối với 13 bộ, ngành và 63/63 địa phương với khoảng 41 triệu giao dịch; lưu trữ dữ liệu của hơn 1,6 triệu DN (khoảng 900.000 DN đang hoạt động) và hơn 200.000 đơn vị trực thuộc DN; lưu trữ thông tin đăng ký của khoảng 2,4 triệu hộ kinh doanh, trong đó: hơn 260.000 hộ kinh doanh được chuẩn hóa dữ liệu, lưu trữ khoảng 30 nghìn hợp tác xã và đơn vị trực thuộc. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng điện tử đạt 92,58%. Từ năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký DN với các bộ, ngành, địa phương.

CSDL quốc gia về bảo hiểm đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 09 bộ, ngành và một số kết nối, chia sẻ dữ liệu có phạm vi quốc gia; quản lý khoảng 32 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm; khoảng 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); khoảng 88,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Đồng thời đã xác thực hơn 93,7 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó: khoảng 84,7 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN), chiếm 96% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội). Đồng thời, hệ thống BHXH Việt Nam đã đồng bộ hơn 132 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT với CSDL quốc gia về dân cư.

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc hoàn thành triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với hơn 50.000 người dùng, cụ thể: khoảng 18.000 tài khoản của công chức tư pháp - hộ tịch, khoảng 32.000 tài khoản của lãnh đạo và văn thư UBND cấp xã.

Tính đến tháng 11/2023, hệ thống đã có khoảng 48 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó: khoảng 9,6 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định (khoảng 5,3 triệu trường hợp đăng ký khai sinh được chuyển sang các cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT), khoảng 12,3 triệu dữ liệu kết hôn, khoảng 10,5 triệu dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, khoảng 8,2 triệu dữ liệu khai tử, khoảng 293.000 trường hợp nhận cha mẹ con, khoảng 20,5 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ, khoảng 16,6 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi, khoảng 889,4 nghìn dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Về CSDL đất đai quốc gia, tại Trung ương đã xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 04 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm: (1) CSDL về thống kê, kiểm kê đất đai; (2) CSDL về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (3) CSDL về giá đất; (4) CSDL về điều tra, đánh giá đất đai.

Tại địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai, cụ thể: 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL địa chính với hơn 46 triệu thửa đất và đưa vào vận hành; 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL thống kê, kiểm kê đất đai (từ kỳ kiểm kê năm 2019); 325/705 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng CSDL giá đất.

Đối với CSDL quốc gia về tài chính, Bộ Tài chính đã xây dựng, hoàn thiện 13 CSDL chuyên ngành phục vụ Đề án xây dựng CSDL quốc gia về tài chính, trong đó 11/13 CSDL thành phần như sau: CSDL Thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) (Kho dữ liệu NSNN); CSDL chuyên ngành quản lý Thuế; CSDL chuyên ngành quản lý Kho bạc; CSDL chuyên ngành quản lý Hải quan; CSDL chuyên ngành quản lý Chứng khoán; CSDL chuyên ngành quản lý Giá; CSDL chuyên ngành quản lý Nợ công; CSDL chuyên ngành quản lý Tài sản công; CSDL chuyên ngành Bảo hiểm; CSDL chuyên ngành quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN; CSDL danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính.

Còn 02/13 CSDL đang thực hiện ở giai đoạn đầu tư là CSDL tổng hợp về tài chính và CSDL chuyên ngành quản lý dự trữ nhà nước.

CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã kết nối, đồng bộ dữ liệu với 96 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương (33 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố), trong đó: 70 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu (đạt 100%) (gồm 13 bộ, ngành và 57 địa phương), các đơn vị còn lại đang tiếp tục đồng bộ dữ liệu về bảo đảm đủ số liệu của giai đoạn 1.

Tổng số dữ liệu được đồng bộ tự động về CSDL quốc gia đến thời điểm này là gần 2,3 triệu hồ sơ, trong đó: bộ, ngành là gần 218 nghìn hồ sơ (đạt 80,3%), địa phương là hơn 2 triệu hồ sơ (đạt 99%).

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng các CSDL quốc gia, Bộ TT&TT cũng chỉ ra còn một số tồn tại, hạn chế. Đầu tiên, các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống thông tin (HTTT) có quy mô từ trung ương đến địa phương có tính chất nền tảng chậm được triển khai, đưa vào khai thác trên quy mô quốc gia (điển hình như CSDL đất đai quốc gia).

Bên cạnh đó, nhiều CSDL, HTTT, nền tảng số đã được xây dựng, đưa vào vận hành trong CQNN, tuy nhiên, vẫn chưa có quy định chung, cụ thể về bố trí kinh phí cho việc vận hành, duy trì. Điều này tạo nên một “rào cản” lớn trong việc bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, tin cậy, an toàn, an ninh mạng của các hệ thống, đặc biệt là các hệ thống quan trọng phục vụ người dân, DN, hoạt động của nền hành chính.

Mặt khác, hiện chưa có các tiêu chí đánh giá cụ thể về mức độ phát triển dữ liệu của CQNN. Dữ liệu của DN còn nằm một cách rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của mỗi DN. Dữ liệu cá nhân vẫn bị khai thác, mua bán trái pháp luật. Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã thiết lập hành lang pháp lý nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức trong việc cân bằng giữa quản lý và phát triển.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai CSDL đất đai quốc gia; chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên, bố trí kinh phí đủ, kịp thời phục vụ triển khai các CSDL quốc gia.

Bộ TT&TT cũng sẽ cập nhật, bổ sung đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển dữ liệu của CQNN trong bộ chỉ số CĐS quốc gia. Các bộ, ngành căn cứ theo chức năng quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong ngành, lĩnh vực một cách phù hợp để vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo./.

Theo “Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông”