Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục CĐS quốc gia trả lời các câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TT&TT mới đây.
Hạ tầng là tài nguyên của quốc gia
Theo đó, ông Nguyễn Phú Tiến cho rằng, để triển khai nhiệm vụ CĐS hiệu quả, thực chất, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, địa phương (đơn vị) cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia ổn định, bền vững.
Đặc biệt, các đơn vị cần tiếp tục, tích cực đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng (vì hạ tầng là tài nguyên của quốc gia); bảo đảm năng lực tính toán, truyền tải, tính ổn định, tin cậy và an toàn.
Hơn nữa, trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung tối ưu hóa việc cung cấp dịch vụ số của chính quyền, nâng cao trải nghiệm sử dụng để các dịch vụ số được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp một cách thuận tiện, đặc biệt là người dân không phải khai báo lại thông tin cá nhân của mình khi thực hiện dịch vụ với cơ quan nhà nước.
Ông Nguyễn Phú Tiến cho biết, kết quả việc triển khai nhiệm vụ CĐS đã đạt nhiều hiệu quả, tích cực.
Ông Nguyễn Phú Tiến cũng cho biết kết quả việc thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia nói chung đến nay đang được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đã có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cụ thể, Chỉ số Đổi mới sáng tạo năm 2023 đứng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay (theo WIPO); chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10, tăng 1 cấp độ so với năm 2021, đứng thứ 38 (theo IPU). Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19% (theo Google, Temasek); kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP…
Cùng với đó, kết quả về cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) chuyên ngành đã và đang được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).
Đáng mừng, CSDLQG về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực; hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho CĐS quốc gia được triển khai tích cực, hiệu quả. Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đạt hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; an ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng được coi trọng, củng cố, tăng cường ( 65% hệ thống thông tin được xác nhận bảo vệ an toàn thông tin phân loại theo cấp độ; gần 4,8 nghìn trang web của cơ quan nhà nước được đánh giá, dán nhãn tín nhiệm mạng…
“Để có được những kết quả nổi bật nêu trên là nhờ vào những nỗ lực, cố gắng, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị; sự nỗ lực, chung tay đồng hành, tham gia có hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, ông Nguyễn Phú Tiến cũng cho biết, hiện nay công tác CĐS ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn những khoảng cách lớn. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Phú Tiến cho rằng, chúng ta vẫn còn hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thiếu số lượng, yếu về chất lượng và hạ tầng số kém phát triển.
Và để giải quyết những hạn chế trên, thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai trên một số giải pháp: Triển khai các chương trình, đề án để đào tạo kỹ năng số cho cán bộ công chức viên chức và người dân; triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ); tăng cường phủ sóng đối với các thôn lõm sóng; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Đẩy mạnh thử nghiệm AI trong các lĩnh vực có tiềm năng
Bên cạnh những nội dung quan trọng được đề cập nêu trên, để phát triển bền vững, hiệu quả, thực chất hơn nữa, theo ông Nguyễn Phú Tiến, yếu tố quan trọng trong hành trình thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia chính là các đơn vị cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa đối với nhiệm vụ này, đồng thời, cần một tổng thể nhận thức tư duy số đúng đắn, không chỉ ở các cấp lãnh đạo, mà rộng hơn được thấm nhuần, hiểu đúng với mọi tầng lớp, mọi người dân.
Và khi nói về tư duy, phát triển các công nghệ số mới, ông Nguyễn Phú Tiến cho rằng chúng ta cần tích cực, chủ động phát triển, nghiên cứu, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), vì AI tạo đang tạo ra những giá trị, lợi ích hữu ích to lớn.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến cho biết, thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành nghiên cứu quy định pháp lý liên quan đến trợ lý ảo nói riêng và các ứng dụng AI. Điển hình là Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Đặc biệt, văn bản trên đề cập việc cần: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI; Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống; Phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Và để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh đến việc: Bộ KH&CN xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu liên quan tới AI; Bộ Công an xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về bảo vệ quyền riêng tư, quyền con người, về an ninh trật tự có liên quan đến hoạt động phát triển và ứng dụng AI và về đảm bảo an toàn an ninh mạng cho các hoạt động liên quan tới AI; còn Bộ Tư pháp xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới AI.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ TT&TT đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử; xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm AI trong các lĩnh vực có tiềm năng.
“Bộ TT&TT sớm xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm AI. Và Bộ TT&TT đã giao Cục CĐS quốc gia chủ trì thử nghiệm triển khai mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) và trợ lý ảo, xây dựng Bộ Benchmark để đánh giá chất lượng các LLM và trợ lý ảo đã triển khai, dự kiến ban hành trong năm 2024”, ông Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh./.