Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh như vậy tại Phiên họp thứ 8 năm 2024 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) ngày 24/4/2024.
CĐS giúp tăng khả năng tự chăm sóc sức khỏe của mọi người dân
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngành Y tế đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện CĐS tăng khả năng tự chăm sóc sức khoẻ (CSSK) của mọi người dân. Đặc biệt, Ngành đã đẩy mạnh thực hiện: các chương trình CĐS y tế; đưa vào sử dụng các nền tảng số, phần mềm số y tế; đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia (Đề án 06)…
Bộ trưởng Đào Hồng Lan: CĐS nâng cao chất lượng dịch vụ y tế (Ảnh: VGP)
“Nhờ triển khai tích cực các nhiệm vụ cụ thể nêu trên, thành quả thu được đã góp phần giúp tăng cường khả năng tiếp cận, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí y tế và tăng khả năng tự CSSK của mọi người dân”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Nói rõ trong quan điểm này, người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, việc tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chính là sự tiện lợi, dễ dàng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Thay vì người dân phải đến trực tiếp bệnh viện, thì nay có thể dễ dàng đặt lịch khám, tư vấn trực tuyến với bác sĩ thông qua các ứng dụng hoặc website của bệnh viện.
Và việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế được thực hiện theo mô hình hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống thông tin quản lý bệnh viện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và y tế từ xa (telehealth).
Còn đối với việc giảm chi phí CSSK chính là bớt đi các quy trình quản lý hồ sơ, khám, xét nghiệm và điều trị. “Hơn nữa, người dân có thể theo dõi sức khỏe cá nhân qua các thiết bị thông minh, truy cập thông tin y tế uy tín và chính xác, cũng như tham gia các chương trình giáo dục sức khỏe trực tuyến… đó là lợi ích của việc tăng khả năng tự CSSK”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, kết quả chung trong việc thực hiện nhiệm vụ CĐS đến nay, ngành Y tế đã: Công bố 100% các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; xây dựng, công bố các dữ liệu mở của ngành trên trang thông tin điện tử; kết nối liên thông 99,5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; 100% bệnh viện đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai phần mềm kê đơn thuốc điện tử...
Ảnh minh họa
Cần trang bị thêm các kiến thức về an toàn thông tin cho cán bộ y tế
Tuy nhiên, trong những kết quả tích cực đạt được này, người đứng đầu ngành Y tế cho biết vẫn còn nhiều thách thức, đó là việc đẩy mạnh các đổi mới sáng tạo vẫn chưa mạnh mẽ, và chưa đồng bộ; thiếu những điều khoản quy định trong Luật Phòng bệnh về nội dung, mô hình y tế số; thiếu sự kết nối liên thông, tích hợp giữa các hệ thống thông tin trong ngành Y tế và các ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, là việc xây dựng hạ tầng CNTT, triển khai các ứng dụng và nền tảng số trong y tế đều đòi hỏi một khoản đầu tư lớn; vấn đề về an ninh mạng, các dữ liệu y tế, thông tin bệnh nhân quản lý rộng; thiếu đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ có năng lực cao về CNTT, CĐS y tế…
Đưa ra giải pháp cho những vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên, người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, chúng ta cần có những quy định pháp luật chặt chẽ (chuyển tuyến điện tử, công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các tuyến… ); huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư cho CĐS y tế từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp, nguồn thu hợp pháp, tài trợ, viện trợ của các tổ chức nước ngoài; tăng cường hợp tác công tư, chú trọng phương thức xã hội hóa.
Hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về sử dụng các dịch vụ y tế trên nền tảng số một cách an toàn, phù hợp. Đồng thời, nâng cao nhận thức của tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc ngành Y tế trong việc ứng dụng CNTT để đáp ứng với yêu cầu của quá trình CĐS; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin; đẩy mạnh việc triển khai tập huấn, bồi dưỡng theo nhiều cấp độ, phù hợp với nhiều đối tượng người học về an toàn thông tin cho cán bộ y tế.
Cuộc diễn tập thực chiến an toàn thông tin của ngành Y tế trong năm 2023
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, cần chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo và chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về CĐS, CĐS y tế và có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.
Người đứng đầu ngành Y tế còn nhấn mạnh đến việc, muốn đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ CĐS bền vững, mang lại hiệu quả cao cần có sự tích cực từ các cấp, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp công nghệ trong nước, nước ngoài và sự ủng hộ từ mọi tầng lớp người dân.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong muốn Ban chỉ đạo CĐS Quốc gia sớm xây dựng, hoàn thiện đề án CĐS cho các ngành, lĩnh vực, từ đó hướng dẫn cụ thể các đơn vị thực hiện, đồng thời, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá, báo cáo thường xuyên đối với công tác này…
“Nếu CĐS không làm nhanh sẽ không tạo ra sự đồng bộ để phát triển tổng thể cho các ngành, lĩnh vực, đất nước”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh./.