Và để đạt được mục tiêu này, Ủy ban Quốc gia (UBQG) về CĐS luôn nỗ lực tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, tổng hợp, báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ này trước Chính phủ, từ đó phân tích những tồn tại, rút kinh nghiệm, cũng như tập trung phát huy những ưu điểm, đưa ra đề xuất, giải pháp cần tập trung.
Kinh tế số, xã hội số đang được tạo lập, đạt kết quả tích cực
Theo đó, các nội dung cơ bản (tính từ đầu năm 2024 đến nay) đối với nhiệm vụ quan trọng nêu trên vừa được nêu rõ trong thông báo kết luận Phiên họp lần thứ 8 của UBQG về CĐS.
Cụ thể, đối với công tác này, thực sự đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên phương diện ban hành văn bản, chính sách, pháp luật và công tác chỉ đạo thực hiện, triển khai.
Cùng với đó, các yêu cầu cần phải có để đảm bảo hiệu quả, thành quả cho công tác này đến nay đã được chủ động khai thác, phát triển như: Hạ tầng số, các nền tảng số luôn gia tăng (100% xã, phường, thị trấn có kết nối Internet băng thông rộng, kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan nhà nước; trên 80% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng; việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đang được đẩy mạnh (trung bình mỗi ngày có khoảng 2,8 triệu giao dịch được thực hiện thông qua NDXP…).
Đặc biệt, đến nay việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN đạt kết quả tích cực: Triển khai 41/53 dịch vụ công thiết yếu toàn trình; đạt gần 14,6 triệu tài khoản…
“Kinh tế số, xã hội số đang được tạo lập, đạt kết quả tích cực, điển hình là kết quả doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đạt 31 tỷ USD, tăng 17%”, thông báo nhấn mạnh.
Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng
Cũng trong thông báo này, quan điểm phát triển kinh tế số
được nhấn mạnh, đây là một yêu cầu bắt buộc, xu thế phát triển hiện nay. Do đó, việc phát triển kinh tế số là: Một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng; chúng ta phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên trong khu vực, thế giới.
Và để phát triển kinh tế số, Việt Nam phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lập nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số với tinh thần “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”.
Không chỉ nhấn mạnh đến những giá trị mục tiêu, quan điểm phát triển cho nền kinh tế số của Việt Nam theo hướng đi bền vững hướng đến mà trong thông báo này, những kết quả ban đầu khác đang được tạo ra chính là, đến nay toàn xã hội đã có 8,2 triệu người dân, khách hàng sử dụng Mobile Money (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023); 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản.
Đây là kết những kết quả tích cực, thuận lợi mà Việt Nam đạt được nhanh chóng trong xu thế số phát triển, và đây cũng chính là những tiền đề, cơ sở để Việt Nam vương khát vọng hướng đến một xã hội văn minh, hiện đại, phát triển ổn định, bền vững.
Huy động mọi nguồn lực xã hội
Tuy nhiên, trong những kết quả tích cực nêu trên, thông báo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là: Nhận thức của một số bộ phận, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương vẫn còn lơ là, thiếu quyết tâm trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia; cần phải nhanh hơn đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện môi trường pháp lý; vẫn còn những điểm lõm điện, lõm sóng; công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng còn chưa quan tâm đúng mức.
Và để thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả thực chất đối với công tác này, thông báo nhấn mạnh đến việc gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị cần thay đổi, phát huy vai trò người làm gương, giữ vững kỷ luật, kỷ cương khi thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy công tác mạnh truyền thông.
“Người đứng đầu các đơn vị cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung chỉ đạo quyết liệt trong triển khai CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số với tinh thần “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”, thông báo nhấn mạnh.
Cụ thể, với tinh thần "3 tăng cường" cần tập trung vào: Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của CĐS tới từng người dân, doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu; tiềm lực cho CĐS (ưu tiên bố trí nguồn lực); hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực xã hội.
Đối với tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong CĐS; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh an toàn thông tin mạng, an ninh mạng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và DN, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa, từ cơ sở.
Đặc biệt, văn bản nhấn mạnh đến việc giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc tăng ít nhất 5 bậc và Chỉ số an toàn an ninh mạng theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu.
“Bộ TT&TT sớm hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi); xây dựng cơ chế, công cụ đo lường, giám sát việc triển khai Kế hoạch hoạt động của UBQG về CĐS...", thông báo nhấn mạnh.
Còn lại đối với các đơn vi, bộ ngành khác trong tháng 5 cần đẩy mạnh các nội dung quan trọng khác, trong đó tập trung các nội dung như: Triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin…/.