Thứ Ba, 26/11/2024
Ngày đăng: 01/06/2024 - Lượt xem: 35
Xem với cỡ chữ

Doanh nghiệp Việt hoạt động hiệu quả lớn từ thực tiễn chuyển đổi số

“Thực chất việc chuyển đổi xanh (CĐX) chính là chuyển đổi số (CĐS), và các doanh nghiệp (DN) cần chú trọng, thực hiện để đảm bảo gia tăng tính bền vững, phát triển, bảo vệ môi trường ổn định không phát thải carbon”.

Điều này đã được ông Lâm Quang Nam, Phó Chủ tịch Uỷ ban CĐS DN thuộc Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhấn mạnh tại hội thảo “CĐS, CĐX trong sản xuất công nghiệp” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao CĐS Việt Nam - châu Á (Vietnam - Asia DX Summit) 2024, diễn ra chiều 29/5 tại Hà Nội.

Chuyển đổi “xanh”, chuyển đổi số: một mũi tên trúng 2 đích

Theo đó, để các DN Việt Nam phát triển bền vững theo hướng xanh - số, ông Lâm Quang Nam cho rằng, đây là một xu hướng, hướng đi đúng đắn và nếu các DN làm nghiêm túc, trách nhiệm sẽ tạo ra sức mạnh “kép”, đích “kép”.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, việc CĐX khi triển khai cũng không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ nếu DN không có cái nhìn sâu, rộng thì có thể sẽ thực hiện theo phương thức, mô hình tiếp cận là hạ nguồn “gánh” thượng nguồn.

Có nghĩa nếu gắn ở vị trí suất phát là hạ nguồn, DN sẽ luôn bị động, bị gánh tất cả những gì gọi là không “xanh” từ phía thượng nguồn chảy về. Do đó, DN cần có sự chủ động, xuất phát ngay từ điểm đỉnh của thượng nguồn, có quá trình “đo đếm, thống kê, phân tích, kiểm soát”.

Và để làm được điều này, DN cần có sự minh bạch, liên thông mọi quy trình đầu vào, ra đối với sản phẩm và phải áp dụng các công nghệ số đối với mọi quy trình điều hành, quản trị.

Tuy nhiên, ông Lâm Quang Nam lưu ý, bản thân công nghệ số là một tiến bộ của thời đại và khi vận hành các công nghệ, sẽ không thuần tuý là công nghệ xanh vì tiêu tốn năng lượng. Do đó, các DN cũng cần có sự tính toán khi sử dụng đảm bảo tính toán việc gia tăng carbon khi sử dụng các công nghệ để đảm bảo đạt các chỉ số cho phép, an toàn.

Chuyên gia này còn cho rằng, hành trang song hành trong việc chuyển đổi mô hình "xanh" chính là "số", đo đó, khi DN thực hiện cần xây dựng, thực hiện theo kiến trúc công nghệ cụ thể được đảm bảo dựa trên khung CĐS rõ ràng, tránh việc đầu tư chồng chéo.

Cần đảm bảo có thể đầu tư theo phương thức “trước”, “sau”, “một phần”, “trọn vẹn”, miễn sao phù hợp với năng lực, đặc thù, nhu cầu thực tế của từng DN. Đồng thời, đảm bảo thực hiện theo nội dung của khung CĐS dựa trên 3 nội dung cơ bản phải có: Quy trình (vận hành, chuỗi cung ứng, vòng đời sản phẩm); công nghệ (tự động, kết nối, thông minh); tổ chức (con người, cơ cấu).

“Các DN cần tìm ra cách mới thay thế việc cũ, việc mới được giải quyết theo hướng mới. Và việc CĐX - số là con đường không có điểm cuối, luôn cần sự nỗ lực không ngừng”, ông Lâm Quang Nam nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của ông Lâm Quang Nam, đồng thời cũng là người luôn trăn trở, mong muốn các DN địa phương mình phát triển, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng muốn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, điểm quan trọng cần đẩy mạnh chính là: Khi thực hiện địa phương cần bám sát mô hình tổng thể: yếu tố dẫn dắt (xây dựng thể chế; quy hoạch); hỗ trợ (thiết kế hạ tầng; nguồn nhân lực; thương hiệu, năng lực, cạnh tranh); các trụ cột (tri thức; thông minh; văn hoá; sinh thái).

Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng theo mô hình xanh (Rà soát, đánh giá hiện trạng; xác định mục tiêu trước mắt, lâu dài, nội dung các hoạt động ưu tiên; tính toán các chỉ số đo lường cụ thể để đạt mục tiêu đề ra trong các năm kế hoạch và năm định hướng; thiết lập danh mục các chương trình và kế hoạch hành động.

Các DN cần lựa chọn, thực hiện theo kịch bản tăng trưởng xanh tối ưu có đánh giá về chi phí, lợi ích qua 3 kịch bản: Kinh tế (đảm bảo được các tiêu chí về giảm phát thải khí nhà kính, mang lại lợi ích kinh tế và làm gia tăng GDP, góp phần giảm tiêu hao năng lượng, gia tăng việc làm nhưng yêu cầu nguồn lực vừa phải; Kỹ thuật (có mức giảm phát thải thấp cho phép); Net-zero (kịch bản với tầm nhìn dài hạn về trụ cột môi trường, có tiềm năng giảm phát thải).

Ngoài ra, địa phương tập trung hướng đến giải pháp dài hạn, có tầm nhìn rộng: Xanh hoá sản xuất, thương mại, dịch vụ và tiêu dùng; thu hút đầu tư, phát triển DN theo định hướng kinh tế xanh; quy hoạch và phát triển khu công nghiệp (KCN), đô thị theo hướng sinh thái; phát triển khoa học công nghệ, đào tạo lao động xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường các giải pháp quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.

“Đặc biệt, đối với các DN hoạt động trong các KCN cần đảm bảo trong quá trình sản xuất, vận hành cần bảo vệ: Môi trường (giảm khí thải carbon, tái chế hiệu quả chất thải, tái tạo sử dụng tài nguyên, năng lượng); Xã hội (đảm bảo môi trường làm việc an toàn; kết nối tương tác hiệu quả các DN trong KCN); Quản trị (tối ưu hoá quy trình, chi phí vận hành, nguồn nhân lực)”, TS. Nguyễn Phương Bắc nhấn mạnh.

Khi thực hiện cần dựa trên nguyên tắc tổng thể và toàn diện

Khi nói về các kinh nghiệm thành công trong việc triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS trong mọi quy trình hoạt động tại DN, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch, Công ty CP Hồng Lam cho biết, từ khi CĐS, áp dụng các công nghệ số tân tiến, đơn vị thu được những kết quả tích cực, đó là việc gia tăng sản lượng, chất lượng nguyên liệu, giảm thiểu lãng phí. Quan trọng nữa, giúp bảo vệ môi trường và tăng trình độ cũng như chất lượng sống của những người lao động, nông dân.

Việc áp dụng, ứng dụng các công nghệ, nền tảng số còn giúp đơn vị hiểu rõ sở thích, thói quen và hành vi mua hàng của khách hàng, từ đó giúp công ty đưa ra những giải pháp, dịch vụ giải quyết chính xác nhu cầu của từng khách hàng, đồng thời, cá nhân hóa trải nghiệm của mỗi khách hàng.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển, ông Nguyễn Hồng Lam cho rằng, để chuyển đổi theo mô hình xanh - số hiệu quả, các DN trong quá trình thực hiện phải dựa trên nguyên tắc tổng thể và toàn diện. Ở mỗi giai đoạn, cần chọn các điểm thiết thực, phù hợp nhất để tập trung nguồn lực, tạo ra đột phá giúp đem lại hiệu quả cao nhất cho DN và nhân sự.

“Công nghệ đang giúp các đơn vị tạo ra mô hình sản xuất thông minh, đó là việc: Tối ưu hoá chuỗi cung ứng; tự động hoá dây chuyền sản xuất; tối ưu và bảo dưỡng thiết bị”, ông Nguyễn Hồng Lam nhận định.

Cũng tại hội thảo, ngoài việc trình bày các thảo luận nêu trên, các chuyên gia còn trả lời, thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có những giải pháp pháp công nghệ số tiên tiến. Điển hình trong nội dung này, giải pháp số tối ưu đã được bàn sâu, chính là giải pháp tích hợp điều hành sản xuất (MES).


MES giúp giám sát toàn bộ trạng thái về năng quản lý  phát thải ra môi trường theo thời gian thực

Thông qua giải pháp này, các DN khi sử dụng sẽ gia tăng hiệu quả đạt mục tiêu xanh - số. Cụ thể, đây là một giải pháp giúp các DN: Quản lý môi trường (oxy, nhiệt độ); quản lý thiết bị; quản lý năng lượng (điện, nước); quản lý, kiểm soát truy cập; quản lý an ninh (mạng lưới camera, cảm biến); giám sát, cảnh báo; thu thập dữ liệu thời gian thực từ sản xuất; phân tích dữ liệu từ sản xuất…

“Điều quan trọng, MES giúp giám sát toàn bộ trạng thái về năng quản lý phát thải ra môi trường theo thời gian thực, hướng tới mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải. Đặc biệt, giúp các DN sản xuất “xanh” bền vững, hiệu quả cao, chi phí thấp và tăng chất lượng sản phẩm…”, ưu điểm tạo ra của MES./.

Theo “Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông”