Website là cái gốc của tất cả các kênh bán hàng trực tuyến
Thiếu website hiện diện trực tuyến tin cậy: hạn chế căn bản của các cửa hàng bán lẻ
Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ TT&TT, hiện nay, cả nước có khoảng 14 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ và đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, thị phần của chợ truyền thống đang ngày cảng giảm sút.
Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề Kinh tế số - thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) bán buôn, bán lẻ được Bộ TT&TT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhận định: Nếu không đẩy mạnh CĐS, doanh thu của các chợ truyền thống, các cửa hàng bán lẻ sẽ chết, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của bà con tiểu thương, gây nhiều hệ lụy xã hội. CĐS hãy bắt đầu từ thương mại điện tử (TMĐT).
Ông Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT cũng chỉ ra rằng trong bối cảnh trực tuyến, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về sự trải nghiệm tiện lợi, nhanh chóng, cửa hàng bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với những hạn chế, bất lợi nếu không có sự dịch chuyển online. Trong thời đại 4.0 hiện nay, website đã trở thành một trong những kênh bán hàng không thể thiếu của mỗi doanh nghiệp (DN). Không chỉ vậy, website còn là một kênh thông tin đầy đủ và chính xác, giúp khách hàng tiếp cận nhanh nhất với các sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hạn chế căn bản của các cửa hàng bán lẻ trực tuyến hiện nay là thiếu website chuyên nghiệp. Khi tiếp cận các cửa hàng bán lẻ trên mạng, khách hàng cần thông tin để đánh giá mức độ tin cậy của cửa hàng. Trong xu hướng bán hàng đa kênh, nhiều cửa hàng chưa đầu tư xây dựng website và các kênh trực tuyến, hoặc chỉ đầu tư vào các kênh mạng xã hội, sàn TMĐT mà quên website.
Website chính là ngôi nhà, trụ sở của các cửa hàng bán lẻ trên Internet, có thể tích hợp và dẫn link tới các nền tảng bán hàng khác mà không bị lệ thuộc vào chính sách và thuật toán của mạng xã hội/các sàn TMĐT. Nếu không có trang web, khách hàng có thể đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cửa hàng. Trang web tin cậy, chuyên nghiệp sẽ giúp tạo lập được niềm tin với khách hàng.
Các lý do này không chỉ giúp cửa hàng bán lẻ trực tuyến nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tạo ra trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng.
Etailer hãy bắt đầu bằng tên miền .vn gắn với các dịch vụ số
“Etailer (cửa hàng bán lẻ trực tuyến) hãy bắt đầu bằng tên miền .vn gắn với các dịch vụ số” - đó là thông điệp ông Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh tại Hội nghị chuyên đề Kinh tế số - thúc đẩy CĐS bán buôn, bán lẻ. Tên miền quốc gia “.vn” gắn với website/email chính là giải pháp giúp cho các cửa hàng bán lẻ: Hiện diện tin cậy, chính danh; tối ưu hệ thống tìm kiếm; phát triển thương hiệu sản phẩm. Các thông tin trực tuyến sẽ trở nên tin cậy và an toàn hơn khi sử dụng các dịch vụ số gắn liền với tên miền quốc gia ".vn", được xác định danh tính chủ thể đăng ký rõ ràng và minh bạch.
Các quốc gia phát triển, người dân, DN đặc biệt các DN vừa và nhỏ đã rất có ý thức trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu trực tuyến. Trung bình ở châu Âu, có trên 70% DN có website sử dụng tên miền quốc gia ở nước sở tại. Cá biệt, ở Đức tỷ lệ này lên đến 95%. Tuy nhiên, con số này ở Việt Nam mới chỉ đạt 25%. Nhiều DN tại Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ về sự hiện diện chính danh trên Internet.
Lợi thế của tên miền quốc gia “.vn”
Cơ hội hiện diện trực tuyến chưa từng có cho người dân, DN, hộ kinh doanh, cửa hàng bán lẻ
Để giúp người dân, DN được hiện diện trực tuyến, nhanh chóng và tin cậy trên Internet, ngày 21/5/2024, Bộ TT&TT ban hành Quyết định số 826/QĐ-BTTTT phê duyệt "Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, DN, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn". Chương trình được triển khai trên cả nước đem đến cơ hội chưa từng có để hiện diện trực tuyến cho người dân, DN, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán lẻ.
Chương trình đưa ra 02 chính sách đột phá. Đó là miễn phí 2 năm tên miền và các dịch vụ số đi kèm (email/website) đối với tên miền “biz.vn” dành DN mới thành lập trong vòng 01 năm và cho các hộ kinh doanh cá thể; tên miền “id.vn” cho người dân trong độ tuổi từ đủ 18 - 23 tuổi.
Với mục tiêu đến 2025 đạt 350,000 tên miền id.vn, 50,000 tên miền biz.vn, ưu đãi mà chương trình đang miễn phí ước tính 200 tỷ (lệ phí, phí phải trả cho cơ quan nhà nước để sử dụng tài nguyên tên miền quốc gia “.vn” và chi phí sử dụng dịch vụ hosting website, email cho nhà cung cấp dịch vụ) trong vòng 2 năm chia đều cho 63 tỉnh thành. Đây là con số không nhỏ.
Việc đăng ký tên miền và khởi tạo website/email trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Với hệ thống kỹ thuật dịch vụ hiện nay, người dùng đăng ký tên miền và dịch vụ khởi tạo website, email cơ bản trong vòng chưa đến 1 giờ đồng hồ.
Các nhà bán lẻ thành công đang tái thiết kế các dịch vụ của mình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cả trực tuyến và tại cửa hàng, tạo ra trải nghiệm tích hợp kết hợp các kênh. Tuy nhiên, Etailer đừng quên thông điệp hãy bắt đầu bằng website với tên miền .vn. Để đăng ký tên miền “.vn”, truy cập ngay https://hiendienonline.tenmien.vn./.