Trong thời gian qua, tại các chợ trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa đã sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, các bước thanh toán cũng trở nên dễ dàng hơn khi khách hàng có trong tay một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng. Điều này nhằm hạn chế việc lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, giảm được các chi phí cần thiết phục vụ cho lưu thông tiền mặt. Từ đó làm giảm thiểu chi phí xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số trên địa bàn. Hầu hết tiểu thương và người mua hàng đều hài lòng vì sự thuận tiện của phương thức thanh toán này. Anh Nguyễn Đình Anh, người dân mua hàng tại chợ Nguyễn Thị Minh Khai chia sẻ: “không dùng tiền mặt thanh toán thì không phức tạp, tránh rơi tiền và khi ra ngoài không lo bị trộm cướp vặt”.
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết TTHC, Thành phố Bắc Kạn đẩy mạnh tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân hiểu được lợi ích, ý nghĩa của tài khoản dịch vụ công; cách thức tạo tài khoản dịch vụ công, nộp, tra cứu, nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến. Bước đầu các đoàn viên thanh niên đã giúp người dân tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Qua đó giúp họ hình thành thói quen giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Người dân còn được hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng, đặc biệt các thông tin liên quan đến các dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Chị Triệu Thị Bách, tổ 8B, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn nói: “Lần đầu tiên tôi đến đây, thấy đoàn thanh niên hướng dẫn nhiệt tình, mọi thủ tục nhanh chóng hơn, giúp người dân không phải đi lại nhiều, giải quyết nhanh chóng, rất thuận tiện. Người dân có thể tự truy cập, đăng nhập phần mềm trên điện thoại, đã cài đặt xong hết và chuẩn bị các bước tiếp theo”.
Hiện tại, thành phố Bắc Kạn có 08 tổ công nghệ cấp xã, phường và 117 tổ công nghệ thôn, tổ với tổng số 756 người tham gia, đạt tỷ lệ 100%. Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Để hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đi vào thực chất, sát với nhu cầu của người dân, làm cho người dân cảm nhận được giá trị, lợi ích thiết thực mang lại từ chuyển đổi số trong đời sống hằng ngày. Chị Nguyễn Minh Phương, Bí thư Đoàn phường, tổ trưởng tổ Công nghệ số cộng đồng phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tuần trực tuyến với TTHC, trong đó các cán bộ, công chức, các ngành, đoàn thể cùng tham gia phối hợp hỗ trợ tại bộ phận “một cửa” giúp người dân giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Triệu tập các bạn đoàn viên thanh niên, Bí thư Chi đoàn đến hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công quốc gia, thanh toán các thủ tục, lệ phí trên môi trường mạng”.
Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần bắt nhịp để hội nhập và phát triển. Việc ứng dụng chuyển đổi số đang trở thành “chìa khóa” quan trọng giúp các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thành phố Bắc Kạn tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương nhiều hơn đến người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp, HTX đã từng bước áp dụng chuyển đổi số bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực, chủ động tiếp cận với các sàn thương mại quốc tế, cho nhân viên tham gia các lớp quản lý về chuyển đổi số để bán hàng và marketing, đẩy mạnh thương mại điện tử. Việc triển khai các giải pháp “số hóa” đã đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà bày tỏ: “Thế kỷ XXI là thế kỷ của khoa học công nghệ và nền tảng số, sàn thương mại điện tử là sân chơi lớn, rất mới, cũng đã tìm hiểu được ba,bốn năm rồi, thì nó cực kỳ hiệu quả. Công ty cũng đã áp dụng trên một số sàn từ nhỏ đến to và một nhóm trên sàn thì cũng ghi lại được những mặt tích cực và những truyền thông quảng bá rất rộng, hiệu quả của nó trên cả mong đợi.”
Đồng chí Triệu Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Bắc Kạn cho biết: “Trong năm nay, xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, theo các chương trình, văn bản của tỉnh thì chúng tôi cũng đã chỉ đạo đồng bộ và hiện nay thì tất cả các bộ phận đều phải vào cuộc ví dụ như là từ các tổ công nghệ số, rồi từ các các cán bộ công chức phải đi đầu như lực lượng trẻ là đoàn viên thanh niên, đến các tổ chức chính trị xã hội, chúng tôi đều giao nhiệm vụ cụ thể, ngoài những cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ cụ thể, thì cần phải tuyên truyền hướng dẫn người dân trong bước đầu thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.”
Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố tiếp tục quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia hiệu quả về chuyển đổi số… Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, hướng đến xây dựng đô thị thông minh./.