Thứ Tư, 27/11/2024
Ngày đăng: 18/09/2024 - Lượt xem: 41
Xem với cỡ chữ

Bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án chuyển đổi số mang tính đột phá

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương ban hành ngày 16/9/2024.


(Ảnh minh họa: Internet)

Chỉ thị nêu rõ, trong thời gian qua, việc triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số (KTS) và xã hội số (XHS), Chiến lược dữ liệu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng được nhu cầu; các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh xây dựng, từng bước đưa vào khai thác, sử dụng; nhiều dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến toàn trình; KTS, XHS đều có bước phát triển tích cực; kỹ năng số của cán bộ công chức, viên chức và người dân được nâng cao; xếp hạng quốc gia về CPĐT được cải thiện...

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ không ít thách thức và bất cập như: người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương chưa coi CĐS, phát triển KTS là nhiệm vụ trọng tâm; công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiến triển chậm; vẫn còn một số khu vực chưa có điện lưới quốc gia dẫn đến việc triển khai hạ tầng số còn khó khăn; quy mô phát triển kinh tế của các vùng, miền trên cả nước chưa đồng đều, nhất là các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao dẫn đến việc người dân sở hữu các thiết bị thông minh còn thấp.

Bên cạnh đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) còn chưa cao; xếp hạng quốc gia về CPĐT tuy có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực, chưa có sự đột phá; nguy cơ về mất an toàn thông tin (ATTT) mạng còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức; chưa đầu tư nguồn lực thích đáng, đặc biệt là việc thu hút nguồn nhân lực về CNTT và ATTT mạng.

CĐS là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt

CĐS là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình CĐS, phát triển KTS, XHS. Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, là đề án quan trọng, đột phá trong thúc đẩy CĐS quốc gia, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn.

Chỉ thị nêu rõ, thành công từ Đề án 06 giúp rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cần được các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc tiếp tục học tập, phát huy và mở rộng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình CĐS quốc gia.

Trên tinh thần đó, để khắc phục tồn tại trong thời gian vừa qua, tạo động lực, đột phá cho CĐS và phát triển KTS, XHS, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào phương pháp tiếp cận và bài học kinh nghiệm triển khai thành công Đề án 06, mỗi bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tìm ra mũi đột phá cho mình.

Các cơ quan, đơn vị xây dựng một đề án về CĐS có tính chất tương tự như Đề án 06 và bảo đảm kết nối với Đề án 06, tập trung chỉ đạo thực hiện xong và thành công trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, phù hợp với Chương trình CĐS quốc gia, các chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển KTS và XHS, Chiến lược dữ liệu quốc gia, Đề án 06 và các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch CĐS khác của bộ, ngành, địa phương.


Các cơ quan, đơn vị xây dựng một đề án về CĐS có tính chất tương tự như Đề án 06 và bảo đảm
 kết nối với Đề án 06, phù hợp với Chương trình CĐS quốc gia. (Ảnh minh họa: baolamdong.vn)

Nguyên tắc xây dựng Đề án CĐS

Chỉ thị nêu rõ, Đề án CĐS khi xây dựng phải dựa trên một số nguyên tắc sau:

Thứ nhất, lựa chọn đưa vào đề án các mũi đột phá có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Giải quyết các vấn đề này sẽ tạo nên những động lực chính thúc đẩy hoạt động và tạo đột phá trong CĐS và phát triển KTS của bộ, ngành và địa phương.

Thứ hai, các mũi đột phá có thể tập trung vào nội hàm phát triển KTS với 4 trụ cột là: công nghiệp CNTT, KTS ngành, quản trị số và dữ liệu số hoặc phát triển Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thứ ba, các vấn đề đưa vào đề án phải cụ thể, tường minh, đo lường được (ưu tiên bằng hình thức trực tuyến thông qua các nền tảng số), phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.

Thứ tư, Đề án cần bảo đảm tính khả thi và có thể được triển khai ngay dựa trên nhu cầu thực tiễn và theo khuôn khổ pháp lý hiện hành mà không cần phải sửa đổi thể chế và chính sách.

Thứ năm, phân định rõ danh mục nhiệm vụ của bộ, ngành và nhiệm vụ của địa phương trong thúc đẩy phát triển, đầu tư xây dựng, tránh chồng chéo, lãng phí.

Thứ sáu, bảo đảm đồng bộ với các chương trình, chiến lược của quốc gia, ngành, lĩnh vực; các nghị quyết, đề án, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương về CĐS để tránh trùng lặp, tối ưu nguồn lực triển khai.

Thứ bảy, có phương án, giải pháp bảo đảm an ninh mạng, ATTT mạng nhằm hạn chế nguy cơ lộ, mất bí mật Nhà nước, thông tin nội bộ và dữ liệu cá nhân người dùng trên không gian mạng.

Thứ tám, ngân sách triển khai đề án được cân đối từ ngân sách của bộ, ngành, địa phương và được triển khai một cách thiết thực, hiệu quả. Trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.

Cuối cùng, việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện đề án phải bảo đảm tuân thủ quy trình thủ tục và nguồn lực thực hiện đề án theo quy định của pháp luật.


(Ảnh minh họa)

Xác định rõ các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình CĐS

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chủ trì xác định các mũi đột phá, bảo đảm có đề án mang tính đột phá thực hiện CĐS trong ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình.

Trong quá trình xác định các mũi đột phá, các bộ, ngành, địa phương bám sát thực tiễn CĐS, bảo đảm đồng bộ, gắn liền với triển khai Đề án 06 tại bộ, ngành, địa phương mình.

Các bộ, ngành, địa phương có liên quan tới các dự thảo tiểu Đề án CĐS bảo đảm kết nối với Đề án 06 do Bộ Công an xây dựng, chuyển cho các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ tại điểm d khoản 18 Phụ lục Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ, tổ chức nghiên cứu, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp vào nội dung Đề án CĐS của bộ, ngành, địa phương mình.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ mũi đột phá đã được xác định, xây dựng đề án CĐS mang tính đột phá cho ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Trường hợp các bộ, ngành, địa phương đã có Chương trình/Dự án/Đề án về CĐS mang tính đột phá của ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý thì bộ, ngành, địa phương cần thuyết minh và xác định rõ mũi đột phá và tính khả thi để tập trung thực hiện xong từ nay đến hết năm 2025. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/10/2024 (bao gồm cả trường hợp xây dựng đề án mới).

Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về triển khai đề án tại ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý. Định kỳ hàng tháng tổ chức họp để rà soát, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án.

Bộ TT&TT công bố mô hình thành phần hạ tầng CĐS trước ngày 30/9

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS công bố mô hình thành phần hạ tầng CĐS, trong đó xác định rõ trách nhiệm, cơ quan chủ trì, hoàn thành trước ngày 30/9/2024.

Đồng thời, tổng hợp kết quả triển khai của các bộ, ngành, địa phương (có ý kiến về tính khả thi, đồng bộ khi cần thiết) tại báo cáo định kỳ về CĐS, kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai phù hợp với tình hình thực tế.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện tài liệu tổng hợp bài học kinh nghiệm, cách làm từ Đề án 06, phổ biến cho các bộ, ngành, địa phương để tham khảo, hoàn thành trước ngày 20/9/2024.

Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước hàng năm để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc đề án trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và khả năng cân đối của ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp kế hoạch đầu tư công hàng năm trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai các chương trình, dự án thuộc đề án theo quy định của pháp luật về đầu tư công./.

Theo Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông