Thứ Năm, 21/11/2024
Ngày đăng: 13/11/2024 - Lượt xem: 23
Xem với cỡ chữ

Việt Nam trong xu thế sử dụng các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương

Trong thời đại bùng nổ công nghệ số, lĩnh vực tiền tệ đang có những thay đổi to lớn. Một số quốc gia đi đầu bắt đầu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sử dụng một hình thái tiền tệ mới - tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC).

Nhiều quốc gia triển khai đồng tiền điện tử ngân hàng Trung ương

Một loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng Trung ương của một quốc gia phát hành được gọi là tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương hay CBDC (Central Bank Digital Currency). Nó có thể so sánh với tiền điện tử, nhưng nó tương đương với tiền tệ pháp định của quốc gia và có giá trị cố định do ngân hàng trung ương quy định. CBDC đang được phát triển ở nhiều quốc gia và một số đã đưa chúng vào thực tế. Do rất nhiều quốc gia đang xem xét các cách tiếp cận để chuyển sang tiền kỹ thuật số, điều quan trọng là phải hiểu được những gì CBDC mang lại cho xã hội.

Mục tiêu chính của CBDC là cung cấp bảo mật tài chính, khả năng chuyển nhượng, quyền riêng tư, khả năng tiếp cận và sự thuận tiện cho các công ty và khách hàng tham gia vào các giao dịch tài chính.

Ngoài ra, CBDC có thể giảm thiểu chi phí giao dịch xuyên biên giới, giảm chi phí bảo trì liên quan đến việc duy trì hệ thống tài chính phức tạp, cung cấp các lựa chọn hợp lý hơn cho những người hiện đang sử dụng các dịch vụ chuyển tiền khác.


Tính đến cuối năm 2023, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai nghiên cứu
CBDC trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới

Theo dữ liệu từ Atlantic Council, tính đến cuối năm 2023, đã có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai nghiên cứu CBDC trên tổng số 195 quốc gia trên thế giới. 130 quốc gia này chiếm 98% GDP toàn cầu, tăng gấp 4 lần so với mức 35 quốc gia vào tháng 5/2020. Trong số đó, có 11 quốc gia đã triển khai toàn diện CBDC bao gồm: Bahamas (Sand Dollar), Jamaica (JAM-DEX), Nilgeria (e-Naira), Khu vực kinh tế Đông Caribbean gồm 7 quốc gia (DCash).

Số lượng quốc gia đang ở giai đoạn triển khai thí điểm là 21 với các quốc gia phát triển nhất châu Á đều góp mặt trong danh sách này: Trung Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia, Ấn Độ…

Phần lớn các quốc gia khác đang ở giai đoạn nghiên cứu (46 quốc gia) và thực nghiệm (32 quốc gia). Những cái tên nổi bật bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Brazil, Argentina, Indonesia, Philippines.

Tại châu Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia là 3 quốc gia châu Á đang thực hiện CBDC ở quy mô bán lẻ. Gần 5 năm sau khi Trung Quốc triển khai thử nghiệm đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) đầu tiên, chỉ có hai quốc gia châu Á khác thực sự có CBDC bán lẻ đang hoạt động là Ấn Độ và Campuchia.

Ở những nơi khác trong khu vực châu Á, nhiều thí điểm khác nhau đang được tiến hành tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác. Họ đang theo dõi chặt chẽ những quốc gia đã áp dụng sớm để cân nhắc những quyết định, tuy nhiên để đi đến việc ra mắt một loại tiền kỹ thuật số hay không vẫn còn là một ẩn số.

Còn nhiều khó khăn trong phát triển CBDC tại Việt Nam

Trước xu thế phát triển của CBDC và trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng đã có những chủ trương, quyết tâm trong thúc đẩy nghiên cứu về CBDC.

Cụ thể, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã có những định hướng phát triển chung, trong đó giao NHNN chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận việc phát hành, quản lý và giám sát CBDC là một vấn đề thực tiễn mới, vì vậy, việc nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế là rất cấp thiết, nhằm đưa ra những gợi ý cho Việt Nam trong quá trình hoạch định các chính sách và động thái cho loại hình tiền tệ này trong tương lai.

Tuy nhiên, việc phát hành CBDC khó tránh khỏi những thách thức cần vượt qua để đạt được mục tiêu và hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu phát triển của loại tiền mới này.

Việc thay thế hoàn toàn tiền giấy bằng CBDC là rất khó khăn và cần có thời gian để thực hiện. Vì vậy, có thể CBDC và tiền giấy sẽ tồn tại song song với nhau trong một giai đoạn nhất định. Một trong những nguyên nhân của khó khăn trong triển khai CBDC trên diện rộng là do mức độ tài chính toàn diện ở Việt Nam còn đang ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực.

Theo khảo sát của tổ chức Principal Financial Services Inc. (2022) về chỉ số tài chính toàn diện (FI Score) năm 2022, Việt Nam xếp thứ 30 trên 42 quốc gia được khảo sát với FI Score là 41,25 và đứng cuối trong nhóm các nước châu Á.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tình hình dân số, lao động việc làm Quý IV và năm 2023, hơn 60% người dân Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn. Vì thế, khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại tại các khu vực này vẫn còn hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp cận và triển khai dạng công nghệ mới như CBDC đến phần đông nhóm đối tượng người dân đang sinh sống tại khu vực nông thôn.

Sự thành công của việc phát hành CBDC phụ thuộc vào khả năng thiết kế và lập trình của nhà phát triển cũng như tính an toàn của hệ thống. Vì CBDC được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain, do đó, một lỗi nhỏ trong quá trình phát hành có thể tạo ra những lỗ hổng lớn, đặc biệt là khi CBDC sẽ được sử dụng để thay thế cho tiền mặt truyền thống.

Vấn đề quan trọng và cấp thiết mà Chính phủ đang đối mặt khi triển khai CBDC là cân bằng giữa việc bảo vệ quyền riêng tư của người dân và sự minh bạch cần thiết trong các giao dịch liên quan đến CBDC.

Để triển khai thành công CBDC tại Việt Nam, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan nhằm xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm đảm bảo tính tương thích và bảo mật, cùng với kế hoạch triển khai thử nghiệm loại CBDC phù hợp. Quan trọng hơn cả là cần chuẩn bị đội ngũ nhân lực đáp ứng chuyên môn và tập trung vào những nhóm đối tượng phù hợp ngay từ ban đầu nhằm đảm bảo cho quá trình triển khai CBDC diễn ra đúng theo lộ trình dựa trên sự tham vấn và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và kinh nghiệm triển khai từ các quốc gia khác./.

Theo Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông