Thứ Ba, 09/07/2024
Ngày đăng: 13/05/2024 - Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Thay đổi thói quen của người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Đưa thành công các dịch vụ công (DVC) lên môi trường trực tuyến mới chỉ là tạo thêm một kênh để giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC). Phải làm sao để người dân đến với kênh giải quyết TTHC trực tuyến, từ đó mới phát huy hiệu quả dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), đó là câu chuyện không chỉ của riêng Bắc Kạn.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhiều thủ tục hành chính (TTHC) được đơn giản hóa, người dân không còn mất nhiều thời gian để đến các cơ quan nhà nước các cấp giải quyết TTHC. Thay vào đó, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet và ngồi ở nhà vẫn có thể nộp và nhận kết quả giải quyết TTHC một cách bình thường.

Thực tế cho thấy, việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết TTHC, giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, giảm áp lực giấy tờ, công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, tăng tính minh bạch trong giải quyết TTHC, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC bất cứ thời điểm nào trong ngày, ở địa điểm có kết nối Internet. Người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn được cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết TTHC.

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.168 DVCTT (gồm: 994 DVCTT toàn trình, 174 DVCTT một phần) và 649 dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, trong đó tiêu biểu là việc miễn giảm phí, lệ phí khi lựa chọn hình thức dịch vụ công trực tuyến.

Ngày 01/8/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định mức thu, miễn, giảm; thu nộp quản lý và sửa dụng các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, giảm 40% phí, lệ phí phải nộp nếu lựa chọn hình thức DVCTT, qua đó góp phần khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT, thúc đẩy tỷ lệ phát sinh hồ sơ DVCTT trên địa bàn tỉnh.

Người dân đến nộp hồ sơ thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ
hành chính công tỉnh Bắc Kạn

Tuy đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên đến nay, việc tăng tỉ lệ giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến vẫn là một trong những vấn đề còn nhiều trăn trở của Bắc Kạn. Một rào cản lớn để DVCTT thực sự hữu ích, đến được với người dân đó là tâm lý truyền thống của người dân khi làm TTHC. Thông thường, người dân vẫn có thói quen đến trực tiếp cơ quan nhà nước để làm TTHC, với suy nghĩ "chắc chắn", và để được hỏi, hướng dẫn cụ thể các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan. Hầu hết người dân ít khi có nhu cầu làm các TTHC, vì vậy khi có nhu cầu, họ thường đến thẳng cơ quan hành chính (CQHC) để làm, và cảm thấy an tâm hơn khi đến trực tiếp trụ sở CQHC để được hướng dẫn và thực hiện.

Đặc biệt, nếu DVCTT có quy trình đơn giản, dễ làm, dễ thao tác sẽ thu hút người dân sử dụng hơn. Những thủ tục với nhiều quy trình phức tạp sẽ khiến người dân bị rối, từ đó hạn chế sử dụng. Chính vì thế, cải thiện quy trình cung cấp DVCTT cũng là một bước để giúp người dân từng bước tiếp cận với cách làm mới.

Việc thay đổi thói quen của công dân trong việc sử dụng dịch vụ công thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công là một công việc quan trọng, để cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những thông tin trực tuyến, dần dần từ bỏ phương thức liên hệ kiểu cũ với cơ quan nhà nước.

Để tuyên truyền hiệu quả và thay đổi thói quen của người dân, cần cung cấp đa dạng các kênh giao tiếp, giúp người dân, doanh nghiệp lựa chọn hình thức xử lý dịch vụ công phù hợp nhất. Từng bước tiến tới xác định Internet sẽ là kênh cung cấp dịch vụ chính cho công dân.

Thêm vào đó, để thực hiện dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả, chính quyền địa phương cần tích cực và đưa vào hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng góp phần hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến.

Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì chính người dân cũng nên từng bước thay đổi thói quen, tâm lý trong thực hiện thủ tục hành chính. Thay đổi thói quen thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ góp phần giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại, nhằm đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân./.

Nguyễn Nga