Thứ Năm, 21/11/2024
Ngày đăng: 07/10/2024 - Lượt xem: 94
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số cung cấp cho người dân nhiều tiện ích hơn

Tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực từng ngày phổ cập kỹ năng số đến người dân, đưa công tác chuyển đổi số được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

  Trong tiến trình chuyển đổi số, các dịch vụ số như: Hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ thiết yếu như viện phí, điện, nước, mua sắm… là những tiện ích hết sức thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội, phục vụ trực tiếp người dân. Các tiện ích này đã và đang từng bước tạo thuận lợi và sự minh bạch, giảm thời gian và chi phí phát sinh cho các thủ tục hành chính, giảm thao tác thủ công, giảm áp lực công việc cho cán bộ các đơn vị, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp... Để đưa được những tiện ích này tới gần hơn với người dân, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ cập kiến thức, “cầm tay chỉ việc”… qua đó, thu về nhiều kết quả khả quan.

Cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Bắc Kạn áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Là đơn vị có nhiệm vụ chuyên môn về thuế, từ năm 2022 đến nay, ngành Thuế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế các cấp, thay đổi mô hình quản lý hóa đơn thủ công sang mô hình quản lý hóa đơn theo hướng hiện đại, hiệu quả, minh bạch. Tính đến ngày 31/8/2024, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 98 tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 60 doanh nghiệp, 38 hộ kinh doanh đã đăng ký với tổng số hóa đơn đã sử dụng là: 329.705 hóa đơn. Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm tăng cường quản lý doanh thu trong lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, đồng thời mang lại nhiều lợi ích, như: giúp cho người bán hàng chủ động trong việc lập hóa đơn; xử lý triệt để vướng mắc về độ trễ giữa thời điểm thanh toán và thời điểm lập hóa đơn; chủ động xử lý sai sót phát sinh ngay trên thiết bị của người nộp thuế; người mua có thể nhận hóa đơn điện tử ngay khi thanh toán; làm tối giản thủ tục kê khai, nộp thuế giúp cơ quan thuế quản lý hoạt động kinh doanh của các đơn vị dễ dàng hơn; minh bạch các hoạt động nộp thuế; tiết kiệm thời gian, chi phí, xử lý sai sót trực tiếp cho những giao dịch phát sinh trên thiết bị tính tiền của đơn vị khi cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền.

Sở TT&TT tập huấn cho tổ công nghệ số cộng đồng huyện Bạch Thông tháng 9/2024

Để đưa được kỹ năng số ngày càng đến gần hơn với người dân, để người dân thực sự là những người sử dụng và thụ hưởng được thành quả của chuyển đổi số, một trong những cách làm đang được Bắc Kạn thực hiện và thu về những kết quả khá khả quan là việc thành lập và duy trì hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thành lập 108/108 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được Sở TT&TT tỉnh tập huấn về nhiều nội dung, như: Thông tin về chương trình, mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh; kỹ năng sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh và quốc gia… Đồng thời, tập huấn cách hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, BHXH điện tử, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản thanh toán trực tuyến, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia… Với phương châm hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trực tiếp hướng dẫn người dân theo hướng cầm tay chỉ việc, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần tích cực giúp lan toả công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và từng bước xây dựng công dân số… từ đó thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Trước thực tế tỷ lệ người dân khai thác, sử dụng hệ thống chính quyền số của tỉnh nói chung, dịch vụ công trực tuyến nói riêng còn thấp, chưa hình thành lực lượng “Công dân điện tử” trong xã hội, Bắc Kạn đã xác định tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã gắn liền với phổ cập điện thoại thông minh tới người dân. Từ năm 2023, tỉnh Bắc Kạn một trong số ít các tỉnh thành trên cả nước đã ghi dấu ấn thành công với việc triển khai Chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 08 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023, kết quả đã tiếp nhận 186 chiếc điện thoại thông minh và hơn 470 triệu đồng tiền ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân... Dù mới ở bước đầu của quá trình CĐS, thời gian triển khai chưa lâu nhưng tỉnh Bắc Kạn đã đi đúng hướng, lựa chọn đúng điểm đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, bền vững, là động lực để thúc đẩy chuyển đổi số tiến xa hơn. Và mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã và hỗ trợ điện thoại thông minh vận dụng với điều kiện của Bắc Kạn là phù hợp, cần được nhân rộng phạm vi thí điểm sang các địa phương trong tỉnh để phát huy hiệu quả chuyển đổi số bền vững.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Công an cấp huyện, cấp xã phối hợp rà soát và tổ chức thực hiện thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD), cấp định danh điện tử tuyên truyền vận động đi từng nhà, rà từng nhân khẩu trên địa bàn để vận động người dân hiểu được các tiện ích và tham gia. Tính đến ngày 13/9/2024, toàn tỉnh thu nhận 361.506 hồ sơ cấp Căn cước; đã tiếp nhận 332.592 thẻ; đã trả cho công dân sử dụng 324.168 thẻ. Tổng số hồ sơ định danh điện tử đã thu nhận là 190.170, trong đó, đã kích hoạt 174.447 tài khoản định danh điện tử (gồm mức độ 1: 45.190 trường hợp và mức độ 2: 129.257 trường hợp). Triển khai, thực hiện quy định của Luật Căn cước và chỉ đạo của Bộ Công an về việc tiến hành thu nhận CCCD đối với trẻ từ 0 đến dưới 6 tuổi và từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, tính đến ngày 14/9/2024, toàn tỉnh thu nhận từ 0 đến dưới 6 tuổi là 13.822 hồ sơ; từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi là 30.419 hồ sơ. Thông qua nguồn cơ sở dữ liệu về dân cư được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác đã thúc đẩy triển khai các nhóm tiện ích nhằm hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số và phát huy nguồn tài nguyên số về dân cư.

Trong xã hội, hầu hết các cơ sở kinh doanh cố định đều chấp nhận thanh toán điện tử, trong đó nhiều cơ sở tạo mã QR nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng khi thanh toán điện tử. Số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 353.886 thuê bao; số thuê bao điện thoại smartphone đạt 283.041 thuê bao, đạt 87% dân số; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân; số thuê bao internet đạt 294.256 thuê bao, đạt tỷ lệ 91% dân số. Tỷ lệ người dùng internet đạt 91%; số hộ gia đình có người có điện thoại thông minh đạt 95%. Đây là những số liệu cho thấy sự chuyển đổi số mạnh mẽ trên trụ cột xã hội số, trong đó, trọng tâm là hình thành và phát triển hệ sinh thái công dân số.

Không chỉ chuyển đổi số trong thanh toán, tiêu dùng, nhiều ứng dụng số được triển khai trong các lĩnh vực thiết yếu như: Y tế, giáo dục giúp người dân thay đổi cách tiếp cận và góp phần hình thành những công dân số.

Chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm. Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, xây dựng và phát triển hệ sinh thái công dân số chính là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số. Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân khi hoạt động trên môi trường số bảo đảm an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật. Qua đó, thúc đẩy hệ sinh thái công dân số phát triển và khai thác tốt nguồn lực từ cơ sở dữ liệu số, hạ tầng số góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nguyễn Nga