Thứ Năm, 21/11/2024
Ngày đăng: 30/10/2024 - Lượt xem: 38
Xem với cỡ chữ

Ngân Sơn từng bước thúc đẩy công tác chuyển đổi số

Năm 2024, công tác chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn huyện Ngân Sơn luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cơ bản được hoàn thành, kết quả bước đầu đã mang lại lợi ích thiết thực, hiệu quả, từng bước góp phần xây dựng Chính quyền số và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội phát triển tại địa phương.

Công tác chuyển đổi số luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng,
chính quyền từ huyện đến cơ sở

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống, huyện Ngân Sơn đã gắn các chương trình, sự kiện của huyện với công tác chuyển đổi số. Các tổ chức hội, đoàn thể tích cực tổ chức ngày hội chuyển đổi số, tập huấn công tác chuyển đổi số, gắn chuyển đổi số với mọi hoạt động công việc, giao dịch hằng ngày. Công tác tuyên truyền về CĐS được quan tâm đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục, các thông tin về CĐS được đưa đến với mọi người dân trên địa bàn huyện thông qua Trang, Cổng Thông tin điện tử huyện, xã, hệ thống đài truyền thanh cơ sở, mạng xã hội... Các cơ quan đơn vị, địa phương đã chủ động lồng ghép công tác tuyên truyền CĐS vào các sự kiện, hội nghị, các hội thi... Các xã, thị trấn đã thành lập 152 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn với 672 thành viên, duy trì tốt các hoạt động hỗ trợ người dân chuyển đổi số.

100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn huyện đã sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (HSCV) trong công tác chỉ đạo, điều hành; Hệ thống phần mềm hệ thống thông tin giải quyết TTHC được duy trì sử dụng đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. 100% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã được cấp máy tính đảm bảo phục vụ công việc; các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng đường truyền internet do các doanh nghiệp VNPT, Viettel cung cấp tích hợp với đường truyền số liệu chuyên dùng.

Cán bộ Công an huyện Ngân Sơn hướng dẫn người dân cài đặt
định danh điện tử mức 2

Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 92,34%; tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 48,21%; tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết TTHC toàn huyện đạt 72,1%.

Bên cạnh đó, huyện Ngân Sơn cũng đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng số như sổ sức khỏe điện tử, sổ học bạ điện tử, ví điện tử, ngân hàng điện tử….

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như sử dụng phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hàng, quản lý nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán, đồng thời ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều người dân đã biết cách tiếp cận các nền tảng trực tuyến để mua bán, trao đổi hàng hóa và tận dụng lợi thế mạng xã hội để quảng bá sản phẩm nông sản kết hợp du lịch khám phá.

Tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Ngân Sơn, du khách đến đây ngoài được tham quan cảnh đẹp của di tích, khi muốn tìm hiểu thông tin, du khách chỉ cần quét mã QR là thông tin về di tích lịch sử hiển thị đầy đủ. Công nghệ số giúp du khách dễ dàng tìm hiểu các giá trị của di tích lịch sử một cách trọn vẹn hơn…

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng phục vụ cho CĐS... song, với quyết tâm từng bước tháo gỡ khó khăn, nỗ lực CĐS vì sự phát triển bền vững, huyện Ngân Sơn đang từng bước đưa CĐS vào trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị và người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng số, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển... góp phần mang lại cuộc sống tiện ích cho người dân./.

CTV Thu Hường (Trung tâm VHTT&TT huyện Ngân Sơn)