Thứ Ba, 09/07/2024
Ngày đăng: 20/05/2024 - Lượt xem: 28
Xem với cỡ chữ

Đưa hàng hóa lên “chợ mạng” - xu thế của thương mại số

Hòa mình vào công cuộc chuyển đổi số hiện nay, người dân ở vùng nông thôn trong tỉnh đã đổi mới tư duy, sử dụng công nghệ số để giải quyết các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống, trong đó bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, website đang dần phổ biến trong cuộc sống của người dân.

Đưa hàng hóa lên “chợ mạng”

Trong xu thế hiện nay, khi người người, nhà nhà đều sử dụng các ứng dụng như facebook, zalo, tiktok, mỗi người kinh doanh muốn giữ chân khách hàng thì phải đổi mới mô hình, dịch vụ bằng việc áp dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh, như mua, bán hàng trên “chợ mạng”, thanh toán qua tài khoản ngân hàng, quét mã QR code, niêm yết giá rõ ràng, ship hàng đến tận nơi khi khách yêu cầu... Bên cạnh đó, hình thức livestream bán hàng trực tiếp đã trở nên phổ biến với nhiều ngành hàng tiêu dùng như: giày dép, túi xách, mỹ phẩm… Sự tiện ích của hình thức này đã lan sang lĩnh vực nông sản.

 Người dân vùng cao Bắc Kạn khi xưa vốn chỉ quen với với hình thức kinh doanh truyền thống thì nay đang tiếp cận dần với cách bán hàng online. Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh Bắc Kạn, mỗi khi vào vụ thu hoạch cam, quýt, dưa lưới, dưa lê, hay mùa miến dong… thì lại thấy nhiều người lại livestream bán hàng. Một số nhỏ thì bán theo kiểu “cây nhà lá vườn”, “của nhà trồng được”. Theo đó, số lượng không nhiều, chủ yếu với mong muốn chia sẻ với cộng đồng. Đặc biệt, hình thức livestream và quay video trên một số nền tảng mạng xã hội cũng là một xu hướng đang thu hút người tiêu dùng.

Nhiều tháng nay, facebook có tên Đại Bắc Kạn thu hút được nhiều lượt người quan tâm theo dõi và đặt các mặt hàng nông sản thông qua nền tảng này. Chỉ với 1 chiếc điện thoại thông minh được kết nối mạng, các mặt hàng nông sản của Bắc Kạn được vợ chồng anh Đại giới thiệu chi tiết tới khách hàng. Các sản phẩm nông sản khi bán online thu hút nhiều khách hàng  với những hình ảnh trực tiếp bởi chất lượng, mẫu mã cũng như tiện ích khi mua sản phẩm.

Việc tiếp cận công nghệ để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống đã thay đổi cuộc sống người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Chị Lý Thị Hà, chủ cơ sở sản xuất miến dong Hà Trần, xã Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ..“Dịp Tết vừa qua, cơ sở sản xuất của mình vừa chốt được vài trăm kg miến dong trên facebook, thế là đủ thu nhập cho cả một tháng so với bán hàng truyền thống. Từ ngày chị lập facebook, bán sản phẩm do mình làm ra trên các hội nhóm, có đơn hàng lớn là bưu điện đến tận nhà lấy hàng, vận chuyển đi. Mọi giao dịch tiền hàng chị đều sử dụng điện thoại thông minh để chuyển khoản",

Là một trong những người thường xuyên đặt mua thực phẩm qua mạng, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, phường Phùng Chí Kiên (thành phố Bắc Kạn): “Hình thức mua hàng này rất tiện lợi cho các bà nội trợ công sở ít thời gian như chúng tôi. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chúng tôi lướt mạng xã hội, bị hấp dẫn bởi những mặt hàng và lựa chọn được ngay những thứ mình cần. Thực phẩm được giao hàng tận nơi nên không tốn thời gian, công sức đi chợ, nhất là trong những ngày nóng nực”.

Bên cạnh mạng xã hội, nhận thức được lợi ích của sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tìm đến các sàn giao dịch để đăng ký. Thông qua kênh này, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận giao dịch hàng hóa, sản phẩm chủ lực… Các nhóm sản phẩm đã được giới thiệu trên trang gồm: Thực phẩm từ hàng nông sản; trái cây (cam, quýt); đặc sản địa phương ( măng, gạo bao thai Chợ Đồn...).

Giải pháp tốt cho vấn đề nông sản được mùa mất giá

Hiện nay, tận dụng nền tảng mạng xã hội để bán nông sản giúp bà con vùng quê thay đổi cách thức kinh doanh của người nông dân, từ đó tăng sản lượng tiêu thụ.

Thực tế, ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ nông sản đang là xu thế, giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân… Việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng thông qua phản hồi từ tin nhắn, bình luận, giúp các HTX, hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ.

Tuy nhiên khó khăn là phương thức bán hàng này mới được áp dụng chủ yếu là ở đối tượng người trẻ, thế hệ 8X, 9X trong khi nhiều nông dân lớn tuổi với trình độ sử dụng công nghệ thông tin hạn chế nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận. Những dịch vụ đi kèm như giao hàng tận nơi, chế biến sẵn thực phẩm… đôi khi còn chưa được bài bản. Sự cạnh tranh trên giao dịch trực tuyến ngày càng lớn khiến mặt hàng thực phẩm dễ bị làm nhái, kém chất lượng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng…

Tạo uy tín, bán nông sản chất lượng, “đúng như quảng cáo” sẽ tạo niềm tin cho khách hàng. Bởi nông sản là những mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng sau khi “chốt đơn” thì mong sớm nhận được sản phẩm để sử dụng ngay. Do đó, nếu hàng tươi ngon, chất lượng đảm bảo, thì việc đặt thêm là hoàn toàn có thể. Hoặc đây chính là cơ hội để nâng cao uy tín của chủ kênh bán hàng, khiến cho những lần livestream số người và số đơn chốt sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề phát sinh với khách hàng. Đây là điều còn yếu của nhiều chủ kênh bán hàng trực tuyến.

Tỉnh Bắc Kạn đã thành lập và duy trì hiệu quả mô hình “Tổ công nghệ số cộng đồng” tại các địa phương. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số áp dụng vào cuộc sống; nhất là hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử; sử dụng nền tảng số, công nghệ số để quảng bá sản phẩm...  Nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ số vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử PostMart.vn, được người tiêu dùng tin tưởng, đặt hàng, nên doanh số và giá trị của sản phẩm ngày càng tăng./.

Nguyễn Thị Nga