Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 15/05/2024 - Lượt xem: 122
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ kinh doanh phát triển kinh tế số

Bắc Kạn đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển kinh tế số theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn mới.

Qua rà soát, hiện nay tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200 doanh nghiệp. Riêng trong quý I/2024, tỉnh có 20 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 400 tỷ đồng và có 15 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.  

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn lực, triển khai các giải pháp công nghệ, đào tạo kiến thức, kỹ năng số… cho doanh nghiệp. Triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn ngân sách Trung ương năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo  Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn ngân sách Trung ương năm 2024 theo Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 10/3/2024 của UBND tỉnh có số kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ là 1.200 triệu đồng (Trong đó: Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ: 500 triệu đồng; Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề: 150 triệu đồng; Chi các hoạt động kinh tế: 550 triệu đồng).

Các giải pháp công nghệ được đẩy mạnh  hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như ứng dụng thanh toán trực tuyến như VNPT-Pay, Viettel Pay, Mobile money và tài khoản các ngân hàng thương mại.  Nếu như trước đây, người dân khi mua bán trao đổi hàng hóa chủ yếu bằng phương thức truyền thống là sử dụng tiền mặt thì đến nay, thanh toán điện tử đã phát triển khá mạnh.  Từ 2022 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai mô hình Chợ 4.0 (chợ thanh toán không dùng tiền mặt) tại 12 chợ trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, Chợ thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới), chợ đầu mối và chợ Côn Minh (huyện Na Rì), chợ Phủ Thông (huyện Bạch Thông), Chợ Bản Mạ, xã Quảng Bạch và Chợ thị trấn Bằng Lũng (Chợ Đồn)... Qua đó giúp tạo thói quen tiêu dùng thanh toán số cho người dân tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn.

Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ chuyển đổi, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, sản xuất thông minh, tham gia vào các sàn thương mại điện tử cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh như: Buudien.vn và voso.vn… Qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng doanh thu.

Các sản phẩm khi được đưa lên sàn giao dịch điện tử, được thiết kế thêm bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Từ đó, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn, số lượng hàng hóa bán được nhiều hơn qua sàn thương mại điện tử, qua website, qua mạng, qua các nhóm bán hàng trên zalo, facebook...  Hiện khá nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến các mặt hàng đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn, như miến dong, tinh nghệ, mật ong, nano curcumin...

Có thể thấy, chuyển đổi số đã có những bước chuyển biến tích cực giúp thay đổi nhận thức, kỹ năng, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với sự quan tâm đầu tư hạ tầng bài bản cùng chính sách, cơ chế đồng bộ sẽ là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Nguyễn Nga