Thứ Ba, 09/07/2024
Ngày đăng: 10/06/2024 - Lượt xem: 30
Xem với cỡ chữ

Phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh

Tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Công tác này cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Đầu tư hạ tầng số là tất yếu

Trong chuyển đổi số, việc xây dựng và phát triển hạ tầng số là tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng đảm bảo cho sự thành công của chuyển đổi số.

Có thể hiểu hạ tầng số bao gồm thiết bị, máy tính điện tử; các loại mạng kết nối như mạng không dây, cáp quang; các cơ sở dữ liệu, công nghệ, quy trình, cách tổ chức, vận hành, quản lý và chia sẻ dữ liệu; công cụ khai thác các nguồn tài nguyên số; hệ thống pháp lý và thực thi pháp luật trong thời chuyển đổi số; lực lượng lao động số với kỹ năng lao động mới, có khả năng làm chủ và sử dụng các công nghệ số

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ quan điểm và nhấn mạnh về tính thiết yếu và bắt buộc của hạ tầng số.Trong đó xác định phát triển hạ tầng số nhằm “sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng”.

Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: Hạ tầng số đi trước một bước, phát triển với tốc độ nhanh, theo hướng Việt Nam làm chủ công nghệ lõi.

Tại tỉnh Bắc Kạn, với quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số và chính quyền số, việc xây dựng hạ tầng số được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân.

Trong công tác quy hoạch tổng thể, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số: 1189/QĐ-UBND ngày 29/6/2020 phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn, phiên bản 2.0, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ. Tỉnh ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng số đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Theo số liệu thống kê, hạ tầng mạng lưới viễn thông của tỉnh hiện có 01 tổng đài cố định trung tâm (host), 07 trạm vệ tinh, 03 trạm visatIP, 51 điểm chuyển mạch, 02 tuyến viba. Toàn tỉnh hiện có 7.285 km cáp quang, 882 trạm BTS, 01 trạm điều khiển thông tin di động BS. Mạng lưới viễn thông đã kết nối thông suốt 03 cấp đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp.

Đến nay 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính. Số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 353.886 thuê bao; số thuê bao điện thoại smartphone đạt 283.041 thuê bao, đạt 87% dân số; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân; số thuê bao internet đạt 294.256 thuê bao, đạt tỷ lệ 91% dân số. Tỷ lệ người dùng internet đạt 91%; số hộ gia đình có người có điện thoại thông minh đạt 95%.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng được tỉnh triển khai đến 163 cơ quan cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%), được chuẩn hóa kết nối giám sát 04 cấp hành chính đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định.

Tỉnh đang khai thác sử dụng 17 cơ sở dữ liệu và xây dựng 7 cơ sở dữ liệu của các ngành. Hiện nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang khai thác sử dụng trên 95 hệ thống thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu khác nhau để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ nghiệp vụ...

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tỉnh duy trì, hoàn thiện, thúc đẩy việc kết nối hệ thống đến hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh từ điểm cầu Trung ương đến điểm cầu tỉnh được triển khai từ năm 2010 với 9 điểm kết nối. Đến nay, hệ thống đã 02 lần được nâng cấp, mở rộng đến 118 điểm cầu (gồm 108/108 xã, phường, thị trấn và một số đơn vị trên địa bàn) nhằm đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối thông suốt
phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh

Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh được đầu tư xây dựng và thường xuyên nâng cấp, mở rộng theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hệ thống máy chủ ảo hóa của Trung tâm dữ liệu gồm 08 máy chủ vật lý cung cấp tài nguyên cho 257 máy chủ ảo hóa chạy song hành được quản lý tập trung đáp ứng tốt cho hoạt động của các hệ thống dịch vụ và yêu cầu sử dụng của hệ thống dịch vụ, ứng dụng dùng chung của tỉnh. Hiện có 27 hệ thống thông tin của sở, ngành tỉnh được cài đặt, vận hành tại Trung tâm.

Năm 2019, tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh và đang được khai thác, sử dụng đáp ứng yêu cầu cơ bản trong kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đến hệ thống liên quan của Bộ, ngành Trung ương. Tỉnh đã kết nối thành công và đưa vào sử dụng 14 dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư. Hiện tại, tỉnh đang đầu tư xây dựng nền tảng LGSP riêng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Động lực phát triển

Để đạt được kết quả trên đòi hỏi quá trình nỗ lực và quyết tâm cao. Trong đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng số có đóng góp rất quan trọng. Trong điều kiện khó khăn chung của một tỉnh miền núi, bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển hạ tầng số vẫn còn bất cập, hạn chế. Qua rà soát tổng hợp, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 42 thôn bản, 62 cụm dân cư chưa có sóng thông tin di động 3G, 4G; 72 thôn bản chưa có dịch vụ internet cáp quang băng rộng cố định. Cơ sở dữ liệu chưa được tích hợp, liên thông, chia sẻ với cổng dịch vụ công trực tuyến và chưa được chia sẻ để các ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp cùng khai thác, sử dụng.

Do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí dành cho đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa nhiều, quy mô triển khai chưa đồng bộ.

Dữ liệu chuyên ngành hiện có của tỉnh đang được các đơn vị sử dụng còn rải rác, phân tán, chưa được chuẩn hóa và tập hợp thành dữ liệu chung, chủ yếu phục vụ cho hoạt động quản lý của chính ngành chủ quản.

Dữ liệu tại các ngành chủ yếu là dạng văn bản chưa được số hóa/dữ liệu chưa đầy đủ. Hiện nay tỉnh vẫn đang trong quá trình xây dựng kho dữ liệu dùng chung, xây dựng cổng dữ liệu mở của tỉnh để đáp ứng nhu cầu chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu của các đơn vị, địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường chất lượng kỹ thuật và khả năng đáp ứng của hạ tầng số, xây dựng và phát triển hạ tầng số tỉnh đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực. Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu, các chức năng về giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.

Xây dựng kho dữ liệu mở của tỉnh để thông tin, chia sẻ tài nguyên dữ liệu cho nhân dân và doanh nghiệp sử dụng, giúp doanh nghiệp và nhân dân sử dụng, cập nhật dữ liệu và thông tin để phục vụ cho cuộc sống, công việc kinh doanh và đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng sống và khuyến khích người dân tích cực tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội.  Đồng thời, doanh nghiệp có thể tham gia sử dụng dữ liệu mở để tạo ra sản phẩm giá trị mới đóng góp cho hệ sinh thái ứng dụng của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tiếp tục triển khai các hệ thống đảm bảo hạ tầng chung của tỉnh như: Mạng diện rộng (WAN) trên nền tảng mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC); dịch vụ thu thập, phân tích và quản trị đảm bảo an toàn thông tin; hệ thống điều khiển trung tâm hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh (MCU)...

Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các nền tảng số quốc gia theo Quyết định số 2294/QĐ-BTTTT ngày 21 tháng 11 năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về sửa đổi, bổ sung Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11 tháng 02 năm 2022.

Thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có phạm vi triển khai từ Trung ương đến địa phương; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu do tỉnh triển khai nhằm khai thác hiệu quả dữ liệu, đồng thời, hình thành nên các cơ sở dữ liệu lớn, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các cấp./.

Nguyễn Nga