Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 24/05/2024 - Lượt xem: 72
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường xếp thứ 2/20 các sở, ngành về chuyển đổi số.


Công chức Sở Tài nguyên và Môi trường tại Trung tâm phục vụ Hành chính công

Thực hiện Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 25/4/2023 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, lưu trữ hồ sơ tài liệu; thường xuyên đăng tải, tuyên truyền các văn bản, tin bài về chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng trên Trang thông tin điện tử của Sở tại địa chỉ http://tnmt.backan.gov.vn, “chuyên mục CHUYỂN ĐỔI SỐ” để người dân, công chức, viên chức, người lao động hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của chuyển đổi số. Đồng thời, lồng ghép phổ biến kỹ năng số, nhận thức về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng tại các cuộc họp, hội nghị của cơ quan, đơn vị.

Đến nay, các quy trình xử lý văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường  đều được thực hiện trên môi trường điện tử, 100% văn bản đi, đến của Sở đều được số hoá (trừ văn bản mật), 100% văn bản đi được ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp; 93/93 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết thực hiện trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh, trong đó 61 TTHC thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 15 TTHC thuộc danh mục dịch vụ công trực tuyến một phần và 17 TTHC thuộc dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến/Tổng số hồ sơ phát sinh của các dịch vụ công trực tuyến đạt 95%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 14%.

Sở Tài nguyên và Môi trường hiện đang vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của 06/08 huyện, thành phố gồm: Ngân Sơn, Chợ Đồn, Na Rì và thành phố Bắc Kạn, Ba Bể, Pác Nặm và đang vận hành chính thức trên trang Web: http://backan.diachinh.vn. Các nghiệp vụ chuyên môn về quản lý đất đai được thao tác và xử lý trực tiếp trên phần mềm và thực hiện trên môi trường mạng (truy vấn, khai thác dữ liệu đất đai; quản lý quy trình cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai; dịch vụ đăng ký đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; các bản đồ hiện trạng sử dụng đất; dịch vụ đăng ký đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; các bản đồ về hiện trạng sử dụng đất, bản đồ về quy hoạch sử dụng đất, bản đồ giá đất,..). CSDL đất đai được đưa vào hoạt động đã phục vụ tốt công tác chỉnh lý biến động đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác.

Đối với công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh, Sở  đưa hệ thống thông tin dữ liệu môi trường tỉnh Bắc Kạn đi vào vận hành,  góp phần đáp ứng các yêu cầu quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật dữ liệu môi trường đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, kịp thời, theo quy định; tạo lập được bộ cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất từ việc chuẩn hóa, đồng bộ; kiểm soát ô nhiễm môi trường và các tai biến thiên nhiên; phổ biến thông tin dữ liệu môi trường tỉnh Bắc Kạn đến nhiều đối tượng sử dụng.

 Sở cũng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng CSDL và Hệ thống hệ thống tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động, liên tục nước, khí thải trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận thông tin dữ liệu môi trường từ các cơ sở sản xuất về tỉnh phục vụ công tác kiểm soát, giám sát môi trường kịp thời phát hiện ô nhiễm để có biện pháp xử lý, đồng thời truyền tải thông tin dữ liệu về Trung ương. Đồng thời để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tỉnh Bắc Kạn và được tích hợp lồng ghép trong cơ sở dữ liệu môi trường.

 Đối với cơ sở dữ liệu Kho tài nguyên môi trường, từ năm 2012 đã thực hiện dự án số hoá kho hồ sơ dữ liệu của ngành và xây dựng CSDL kho tài nguyên môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý hồ sơ dữ liệu để quản lý kho dữ liệu tài nguyên và môi trường, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và để lưu trữ theo quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn, dễ quản lý, truy nhập tìm kiếm thông tin lưu trữ trong kho dữ liệu tài nguyên môi trường đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng, khoa học và theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Sở đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đẩy mạnh việc thực hiện 02 dịch vụ công thiết yếu là “Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” và thủ tục “Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ Tài nguyên và Môi trường (tại địa chỉ https://dvcthietyeu.monre.gov.vn).

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thực hiện chuyển đổi số trong ngành Tài nguyên và môi trường còn có những khó khăn như: Một số trang thiết bị, máy móc, hệ thống phần mềm do sử dụng lâu năm nên xuống cấp, lạc hậu, chưa đáp ứng được việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Hạ tầng kỹ thuật CNTT và phần mềm chuyên ngành tuy được đầu tư, nhưng chưa đồng bộ; việc thanh toán phí, lệ phí qua Hệ thống thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được triển khai nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn như: Tỷ lệ người dân thực hiện thanh toán trực tuyến chưa cao; hệ thống thanh toán phí, lệ phí chưa thông suốt; việc thanh toán mới chỉ thực hiện được đối với Ngân hàng VietinBank, BIDV…

Trước những khó khăn này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã, đang kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ để từng bước tháo gỡ, khắc phục, đầu tư, nâng cấp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chuyển đổi số đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, nhấn mạnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số trên nền tảng tài nguyên số, cải cách hành chính, thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trong lĩnh vực TN&MT, nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực TN&MT. 

Theo Chương trình chuyển đổi số Tài nguyên và Môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến; triển khai thanh toán phí, lệ phí và các chi phí khác để người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đồng thời, xây dựng bổ sung các cơ sở dữ liệu thành phần của ngành Tài nguyên và Môi trường để chia sẻ thông tin, dữ liệu cho các cơ quan chức năng, trước mắt là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai huyện Bạch Thông, Chợ Mới và đưa vào vận hành chính thức vào năm 2025.

Nông Thị Thêm (Sở Tài nguyên và Môi trường)