Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 62
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn: 07 xã được tài trợ đầu tư đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông

Năm 2020, tỉnh Bắc Kạn có 07 xã được Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup tài trợ lắp đặt thiết bị đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông gồm: Phúc Lộc, Đồng Phúc, Cao Thượng (huyện Ba Bể); Thượng Quan, Lãng Ngâm, Cốc Đán (huyện Ngân Sơn); Xuân Dương (huyện Na Rì).

Ngày 10 tháng 7 năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 2552/BTTTT-TTCS về việc tài trợ đầu tư đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Theo đó, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) tài trợ đầu tư đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông cho 67 xã đặc biệt khó khăn ở miền núi, biên giới, hải đảo thuộc 13 tỉnh và 03 xã, phường làm mô hình điểm thuộc 02 tỉnh. Tỉnh Bắc Kạn có 07 xã được chọn để tài trợ lắp đặt thiết bị. Quỹ Thiện Tâm tài trợ toàn bộ chi phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật của đài truyền thanh xã, cụ thể: Tài trợ mỗi xã 01 bộ máy vi tính để quản trị hệ thu, phát của đài truyền thanh xã và từ 50-70% số lượng bộ thu, phát cho các thôn, bản có đủ điều kiện lắp đặt thiết bị của 01 xã và các vật tư khác đi kèm.

Để việc đầu tư hiệu quả, góp phần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin đến người dân, thực hiện mục tiêu giảm nghèo về thông tin của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã được tài trợ bố trí địa điểm lắp đặt thiết bị, có điện lưới ổn định, có kết nối Internet; có nhân sự vận hành và quản lý thiết bị sau khi được Quỹ Thiện Tâm tập huấn, hướng dẫn sử dụng; đảm bảo nguồn kinh phí thường xuyên để chi trả phí vận hành, quản lý thiết bị sau khi được lắp đặt (lương hoặc phụ cấp cho người vận hành, quản lý, tiền cước thuê bao cho mỗi cụm loa, tiền điện, Internet, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị khi hỏng…). Đánh giá việc sử dụng đài truyền thanh sau thời gian 12 tháng kể từ khi đài được đưa vào vận hành, sử dụng và gửi báo cáo về Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3988/UBND-VXNV ngày 15/7/2020 chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện: Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì; UBND các xã: Phúc Lộc, Đồng Phúc, Cao Thượng, Thượng Quan, Lãng Ngâm, Cốc Đán, Xuân Dương tiếp nhận tài trợ đầu tư đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup). UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông làm đơn vị đầu mối hướng dẫn các địa phương được tài trợ đầu tư đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông; tổng hợp, báo cáo đánh giá việc sử dụng của các xã được tài trợ đầu tư sau 12 tháng kể từ khi đài được đưa vào vận hành, sử dụng gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh theo quy định. UBND các huyện: Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì quan tâm bố trí kinh phí cho các xã được tài trợ đầu tư chi trả phí vận hành, quản lý thiết bị sau khi được lắp đặt. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã xây dựng báo cáo đánh giá việc sử dụng sau 12 tháng kể từ khi đài được đưa vào vận hành, sử dụng gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống truyền thanh cơ sở là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nhằm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu đến cơ sở để góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin trong Nhân dân. Trạm truyền thanh cơ sở là một kênh thông tin thiết yếu phục vụ người dân, với đặc trưng khác biệt với thông tin trên báo chí là thông tin ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng thực hiện. Thông tin cơ sở có tính gần gũi, mang tính thuyết phục cao vì được thực hiện bởi chính những người của địa phương, nói tiếng nói của địa phương, phạm vi nội dung thông tin được cung cấp hẹp hơn, chỉ bao gồm các thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh sống ở địa phương đó, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc trưng tiếp nhận thông tin của người dân địa phương.

Mô hình ứng dụng CNTT-VT cho hệ thống truyền thanh

Đài truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông là đài truyền thanh sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, Internet trong truyền dẫn, phát sóng, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa. Đây là một giải pháp công nghệ hiện đại có nhiều ưu điểm hơn so với truyền thanh có dây và không dây FM, như: không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục được các lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết; ứng dụng công nghệ số trong việc sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình (kiểm duyệt chương trình từ xa; chuyển tải chương trình trên hệ thống từ Trung ương đến địa phương hoặc sang các ứng dụng khác như Cổng thông tin điện tử của địa phương, các cơ quan báo chí; quản lý lịch phát sóng tự động...), sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu (chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số...).

Giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Bắc Kạn có nhu cầu thực hiện nâng cấp 07 hệ thống phát thanh của Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện (nay là Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện); thiết lập mới 32 Đài truyền thanh xã; nâng cấp 70 Đài truyền thanh xã và thiết lập mới 212 cụm truyền thanh thôn, bản với dự kiến kinh phí thực hiện là  94.979 triệu đồng. Tuy nhiên, giai đoạn 2017 - 2020, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Trung ương và nguồn kinh phí của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông mới chỉ tham mưu thực hiện đầu tư xây dựng mới 35 đài truyền thanh xã, sửa chữa, nâng cấp 09 Đài truyền thanh xã gồm các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020. Đối với nội dung thiết lập đài truyền thanh thôn bản, do không có kinh phí, nên tỉnh chưa thực hiện được nội dung thiết lập trạm truyền thanh thôn bản. 

Có thể thấy, việc xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT - viễn thông được xem là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của loại hình này trong xu thế mới để loại hình này tiếp tục phát huy được những thế mạnh vốn có và ngày càng khẳng định tiếng nói của mình trong đời sống dân cư. Việc đầu tư đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông góp phần tốt hơn nhiệm vụ thông tin tuyên truyền ở các xã vùng sâu, xa, khó khăn. Đặc biệt, càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc trang bị các thiết bị cho đài truyền thanh xã sẽ phục vụ kịp thời cho công tác tuyên truyền phòng, chống đại dịch ở cơ sở./.

Nguyễn Nga