Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 26/09/2024 - Lượt xem: 21
Xem với cỡ chữ

Vai trò quan trọng của việc xác thực bằng nhận diện sinh trắc học của khách hàng trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng

Sau gần 3 tháng triển khai thực hiện các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024), việc thực hiện xác thực bằng nhận diện dấu hiệu sinh trắc học đã khẳng định vai trò quan trọng, đảm bảo bảo an ninh, an toàn, đem lại sự an tâm, thuận tiện và trở thành thói quen của khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Theo quy định tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN, khách hàng cá nhân khi thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng phải xác thực bằng sinh trắc học đối khớp với dấu hiệu sinh trắc học đã được các cơ quan, tổ chức thu thập, kiểm tra (thông tin lưu trong chip của thẻ Căn cước công dân). Đây là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh, an toàn tiền, tài sản của khách hàng trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm công nghệ cao và lừa đảo trên không gian mạng, giảm thiểu nguy cơ xâm nhập trái phép tài khoản; chủ động phát hiện, làm sạch, loại bỏ các tài khoản gian lận, lừa đảo được mở bằng giấy tờ giả, phòng chống, ngăn ngừa việc mở, mua bán và cho thuê tài khoản (tài khoản thanh toán không chính chủ)…

Cùng với chính sách theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, tại Thông tư số 18/2024/TT-NHN ngày 28/6/2024 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng yêu cầu: Kể từ ngày 01/10/2024, cá nhân đăng ký mở thẻ hoặc ví điện tử bằng phương tiện điện tử phải thực hiện xác thực sinh trắc học theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; kể từ ngày 01/01/2025, yêu cầu tất cả các tài khoản ngân hàng phải hoàn tất xác thực giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học trước khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Đây là những quy định pháp luật cụ thể hóa giải pháp của ngành Ngân hàng thực hiện nhiệm vụ tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06): “…kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát triển và sử dụng các ứng dụng trên thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID trên nầng tảng công nghệ sinh trắc học để cung cấp các dịnh vụ định danh, xác thực điện tử trong thanh toán, mở tài khoản…tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng”.

BIDV Chi nhánh Bắc Kạn hỗ trợ khách hàng thu thập thông tin nhận diện sinh trắc học

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hệ thống Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn luôn xác định việc thực hiện Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư số 18/2024/TT-NHNN là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện, chủ động thông tin, truyền thông tới tổ chức, người dân, khách hàng bằng nhiều hình thức phù hợp, trang bị, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ, đổi mới quy trình nghiệp vụ, tập trung nguồn nhân lực hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng thu thập thông tin, dữ liệu nhận diện sinh trắc học (hướng dẫn khách hàng tự thực hiện trực tuyến hoặc hỗ trợ khách hàng thực hiện tại quầy giao dịch) và xác thực các giao dịch trực tuyến theo đúng quy định.

Theo số liệu thống kê đến ngày 20/9/2024, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tổng số 233.456 tài khoản thanh toán cá nhân với 182.304 thẻ ngân hàng; trong đó  có 46.374 tài khoản thanh toán và 61.749 thẻ của khách hàng cá nhân đã được thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip hoặc tài khoản VNEID; bên cạnh đó, các Ngân hàng cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động các khách hàng là tổ chức với 3.697 tài khoản thanh toán, đề nghị người đại diện hợp pháp thực hiện thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học với CCCD gắn chip hoặc tài khoản VNEID để thực hiện định danh, xác thực điện tử trong các giao dịch trực tuyến, thanh toán theo đúng quy định.

Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Ngành Ngân hàng nói chung, hệ thống Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn nói riêng, rất cần sự đồng hành, ủng hộ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội trong tiến trình phát triển Ngân hàng số, góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số./.

CTV Ma Hồng Bính - Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn