Thứ Hai, 16/09/2024
Ngày đăng: 22/08/2024 - Lượt xem: 9
Xem với cỡ chữ

Phát huy sức mạnh công nghệ số trong công tác Lao động, Thương binh và Xã hội

Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, phát huy sức mạnh công nghệ số, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện dịch vụ công, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

 

Chuyển đổi số từ việc ứng dụng CNTT trong tư vấn lao động - việc làm tại đơn vị

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, của UBND tỉnh về công tác chuyển đổi số, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành các kế hoạch, chương trình cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số toàn diện. Sở tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giao dịch điện tử, chữ ký số và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của ngành; tuân thủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử trên các phần mềm quản lý chuyên dụng…

Thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với đối tượng an sinh xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi, trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn. Đến nay, 8/8 huyện, thành phố đã triển khai việc đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản. Theo số liệu thống kê, tổng số đối tượng diện an sinh xã hội trên địa bàn là 20.256 người. Tổng số đối tượng có tài khoản (mong muốn chi trả qua tài khoản) là 1.106 người. Tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là 1.099 người. Kinh phí thực hiện chi trả qua tài khoản là 1.454.667.000 đồng (Số liệu tính từ ngày 05/01/2024 đến 12/6/2024).

Đến nay, Sở Lao động Thương binh và xã hội đã triển khai các CSDL chuyên ngành, gồm: Hệ thống quản lý giáo dục nghề nghiệp - đào tạo nghề tỉnh Bắc Kạn; CSDL chung ngành Lao động Thương binh Xã hội giai đoạn 1(dữ liệu về người có công; hộ nghèo, hộ cận nghèo). Tiếp nhận và sử dụng các phần mềm do bộ, ngành triển khai: Hệ thống phần mềm dữ liệu người người có công; Phần mềm cơ sở dữ liệu liệt sỹ; Phần mềm cơ sở dữ liệu việc làm (csdl.vieclamvietnam.gov.vn); Phần mềm giao dịch việc làm  (http://sangdvl.vieclamvietnam.gov.vn); Phần mềm và CSDL về Đối tượng Bảo trợ xã hội (csdlbtxh.molisa.gov.vn); Phần mềm và CSDL về Trẻ em (http://nhaplieu.treem.gov.vn/).

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục duy trì sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh, thường xuyên thực hiện cập nhật, chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình xử lý chế độ báo cáo, hồ sơ, TTHC trên môi trường mạng. Hiện Sở đang triển khai và duy trì sử dụng các CSDL, hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ CBCCVC; phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống Một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Đối với dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội, hệ thống dịch vụ công đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến của Cục Bảo trợ xã hội đã được triển khai tại địa chỉ http://dvcbtxh.molisa.gov.vn, kết nối Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với hệ thống phần mềm Đăng ký giải quyết chính sách trợ giúp xã hội, trực tuyến và cập nhật cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội. Hệ thống đã tiếp nhận hồ sơ từ dịch vụ công liên thông khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí.

Thực hiện Quyết định số 539/QĐ-UBND ngày 06/4/2022 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đơn vị đã áp dụng giải pháp “Thanh toán không dùng tiền mặt đối với phí, lệ phí giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội”. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục triển khai áp dụng các sáng kiến, giải pháp “Đổi mới việc đánh giá giải quyết TTHC của công dân thông qua hình thức trực tuyến bằng mã QR-code”, “Số hóa hồ sơ công chức, viên chức, hợp đồng lao động để đưa vào lưu trữ điện tử”; tiếp tục triển khai thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số còn gặp một số khó khăn. Về thanh toán phí, lệ phí qua Hệ thống thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tuy đã được triển khai nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn, trở ngại như: Tỷ lệ người dân thực hiện thanh toán trực tuyến chưa cao; Hệ thống thanh toán phí, lệ phí trực tuyến chưa được thông suốt, thường xuyên bị gián đoạn phần nào ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC cho công dân.

Hạ tầng công nghệ thông tin giữa tỉnh và một số bộ, ngành liên quan (Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an) chưa thực sự đồng bộ, đáp ứng yêu cầu để triển khai đầy đủ các nghiệp vụ tại địa phương dẫn đến nhiều khi quá tải (cả tốc độ xử lý và lưu trữ), hệ thống bị chậm hoặc không sử dụng được ảnh hưởng đến việc tiếp nhận và giải quyết thực hiện TTHC của công dân.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để người lao động biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hằng tháng, ngành thực hiện điều chỉnh cơ sở dữ liệu tăng, giảm đối với đối tượng bảo trợ xã hội, cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo… Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá công tác chuyển đổi số, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai thực hiện chính quyền số, liên thông với dữ liệu dân cư quốc gia...

Nguyễn Nga