Có 9 yếu tố cấu thành công dân số gồm: Khả năng truy cập nguồn thông tin số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng trên mạng; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; bảo vệ thể chất, tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số; quyền, trách nhiệm trong môi trường số; định danh, xác thực, dữ liệu cá nhân; quyền riêng tư trong môi trường số.
Với điều kiện thực tế của tỉnh miền núi, trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Bắc Kạn xác định cần huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, nhất là người dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, khi bắt tay vào triển khai trên địa bàn tỉnh có một thực tế rằng tỷ lệ người dân khai thác, sử dụng hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh nói chung, dịch vụ công trực tuyến nói riêng còn thấp, chưa hình thành lực lượng “Công dân điện tử” trong xã hội. Tỉ lệ người dân có điện thoại thông minh để khai thác các ứng dụng chuyển đổi số của cơ quan nhà nước còn thấp so với các tỉnh trong khu vực nói riêng, cả nước nói chung. Đó là “điểm nghẽn” đầu tiên cần tháo gỡ trong nhiệm vụ CĐS của tỉnh.
Từ điều kiện thực tế địa phương, Bắc Kạn đã xác định tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã gắn liền với phổ cập điện thoại thông minh tới người dân là góp phần giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi, giúp xóa đi ranh giới giữa người dân ở hai khu vực và thực hiện đúng như quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” theo định hướng của kế hoạch chuyển đổi số quốc gia, để tổ chức triển khai chuyển đổi số một cách bài bản, vững chắc.
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn một trong số ít các tỉnh thành trên cả nước đã ghi dấu ấn thành công với việc triển khai Chương trình phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 08 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023, kết quả đã tiếp nhận 186 chiếc điện thoại thông minh và hơn 470 triệu đồng tiền ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân... Dù mới ở bước đầu của quá trình CĐS, thời gian triển khai chưa lâu nhưng tỉnh Bắc Kạn đã đi đúng hướng, lựa chọn đúng điểm đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, bền vững, là động lực để thúc đẩy chuyển đổi số tiến xa hơn. Và mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã và hỗ trợ điện thoại thông minh vận dụng với điều kiện của Bắc Kạn là phù hợp, cần được nhân rộng phạm vi thí điểm sang các địa phương trong tỉnh để phát huy hiệu quả chuyển đổi số bền vững.
điện thoại thông minh từ phía doanh nghiệp
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái số phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Tính đến ngày 13/6/2024, toàn tỉnh thu nhận 309.358 lượt hồ sơ cấp CCCD; đã tiếp nhận và trả cho công dân sử dụng 293.852 thẻ CCCD. Tổng số hồ sơ định danh điện tử là 182.569, trong đó, đã kích hoạt 159.265 tài khoản định danh điện tử (gồm mức độ 1 và mức độ 2 của công dân cư trú trên địa bàn tỉnh). Thông qua nguồn cơ sở dữ liệu về dân cư được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác đã thúc đẩy triển khai các nhóm tiện ích nhằm hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số và phát huy nguồn tài nguyên số về dân cư.
Hệ thống thông tin của tỉnh đã kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác, sử dụng dịch vụ xác thực thông tin công dân khi giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hiện tại, hệ thống cung cấp 1.771/1.771 TTHC của tỉnh; tiếp nhận, xử lý 149.016 hồ sơ. Tỷ lệ cung cấp DVCTT toàn trình trên tổng số DVC đủ điều kiện lên toàn trình đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến trên tổng số DVCTT có phát sinh hồ sơ (cả trực tuyến và không trực tuyến) đạt 91%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 45,8 %; tỷ lệ tài khoản của người dân, doanh nghiệp có sử dụng DVCTT đạt 38,7%.
Với sự tập trung đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông của tỉnh đáp ứng tương đối tốt nhu cầu sử dụng phục vụ chuyển đổi số của người dân. Đến nay 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính. Số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 353.886 thuê bao; số thuê bao điện thoại smartphone đạt 283.041 thuê bao, đạt 87% dân số; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân; số thuê bao internet đạt 294.256 thuê bao, đạt tỷ lệ 91% dân số. Tỷ lệ người dùng internet đạt 91%; số hộ gia đình có người có điện thoại thông minh đạt 95%.
Đây là những số liệu cho thấy sự chuyển đổi số mạnh mẽ trên trụ cột xã hội số, trong đó, trọng tâm là hình thành và phát triển hệ sinh thái công dân số.
Nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức thanh toán điện tử thay bằng thanh toán trực tiếp. Ngay cả tại các chợ truyền thống, tỉ lệ người dân mua hàng thực hiện thanh toán điện tử cũng ngày càng tăng. Hầu hết các cơ sở kinh doanh cố định đều chấp nhận thanh toán điện tử, trong đó nhiều cơ sở tạo mã QR nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng khi thanh toán điện tử. Triển khai sử dụng hoá đơn điện tử, đến nay 100% doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện việc kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế thông qua phương thức điện tử; 100% tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện đăng ký hóa đơn điện tử trên hệ thống. Triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến 10 điểm cầu.
Không chỉ chuyển đổi số trong thanh toán, tiêu dùng, nhiều ứng dụng số được triển khai trong các lĩnh vực thiết yếu như: Y tế, giáo dục giúp người dân thay đổi cách tiếp cận và góp phần hình thành những công dân số. Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành Y tế được triển khai, nâng cấp phát huy tốt hiệu quả sử dụng; đến nay số lượng người dân được tạo lập dữ liệu là 353.785 hồ sơ, 100% hồ sơ ban đầu của người dân trong tỉnh được cập nhật trên hệ thống; 91% người dân đã được chuẩn hóa các thông tin hành chính; 100% đơn vị khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện HIS, quản lý trạm Y tế và truyền dữ liệu lên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm Y tế; triển khai phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” cho 119 đơn vị khám chữa bệnh do Bộ Y tế hỗ trợ và triển khai phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân; tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt triển khai tại bệnh viện cấp tỉnh và trung tâm Y tế các huyện, thành phố đạt từ 20-25%. Tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đạt 58,7%. Thực hiện chi lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân.
Chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm. Con người vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, xây dựng và phát triển hệ sinh thái công dân số chính là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số. Thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục tổ chức và phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân khi hoạt động trên môi trường số bảo đảm an toàn, hiệu quả và đúng pháp luật. Qua đó, thúc đẩy hệ sinh thái công dân số phát triển và khai thác tốt nguồn lực từ cơ sở dữ liệu số, hạ tầng số góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống./.