Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 39
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn: Đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số

Bắc Kạn đang thực hiện lộ trình triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ. Xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chương trình chuyển đổi số trong việc thúc đẩy, hoàn thành tiến trình chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nhiệm vụ: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số. Căn cứ tình hình cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương để quyết định xây dựng đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động của bộ, ngành, địa phương, gắn kết với ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ số, chính quyền số các cấp, thử nghiệm phát triển dịch vụ đô thị thông minh.

Xác định chuyển đổi nhận thức trong chuyển đổi số là nhiệm vụ đầu tiên trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch riêng về tuyên truyền Chương trình chuyển đổi số quốc gia tỉnh Bắc Kạn năm 2021 (Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 08/4/2021). Kế hoạch là cơ sở để công tác tuyên truyền được triển khai thuận lợi, góp phần kịp thời nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề để triển khai có hiệu quả Đề án chuyển đổi số trên địa bàn. 

Nội dung, hình thức tuyên truyền yêu cầu phải đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến Chương trình. Với mỗi nội dung công việc, UBND tỉnh đều phân công cụ thể đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp cũng như thời gian thực hiện. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông giữ vai trò chủ động cung cấp nội dung tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về chuyển đổi số tới các thuê bao, khách hàng của doanh nghiệp (bằng các hình thức: Qua tin nhắn, thông báo cước, hóa đơn...) phù hợp với năng lực, hạ tầng mạng lưới của doanh nghiệp. Đồng thời, có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh theo quy định.

Hợp tác xã Thiên An (xã Vi Hương) với các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá,
tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng

Thời gian qua, Bắc Kạn là một trong những địa phương đã tích cực triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia, sau khi Chương trình này được Thủ tướng Chính phủ ban hành.  Xã Vi Hương  (huyện Bạch Thông) là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh và là một trong bảy xã của cả nước thực hiện thí điểm chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Các hoạt động chuyển đổi số được triển khai tại xã gồm: Xây dựng các kênh giao tiếp, tương tác thuận tiện hơn với người dân; nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng AI; triển khai các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng; triển khai nền tảng kết nối thương mại điện tử AgriConnect cho các sản phẩm nông sản của xã; phần mềm bán hàng Shopone; triển khai cầu truyền hình và nền tảng hỗ trợ hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth tại trạm y tế; lắp đặt trạm phát sóng di động 4G; trạm wifi công cộng tại khu vực UBND xã.

Với những hoạt động trên góp phần thay đổi nhận thức, tác phong trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của lãnh đạo và công chức xã theo hướng năng động, hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn gần dân, vì dân. Đối với người dân, nhiều người đã hiểu được thế nào là chuyển đổi số, nội dung của chuyển đổi số và những lợi ích có được từ chuyển đổi số. Từ đó có sự thay đổi và chủ động nắm bắt cơ hội do chuyển đổi số mang lại trong sản xuất cũng như sinh hoạt đời thường. Đây là cơ sở để triển khai nhân rộng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng để bứt phá vượt lên, thay đổi thứ hạng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chuyển đổi số sẽ tạo ra đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân và toàn xã hội dựa trên công nghệ số.

Riêng đối với các tỉnh miền núi như Bắc Kạn, chuyển đổi số còn là cơ hội mang lại những khởi sắc mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương để rút ngắn khoảng cách về kinh tế xã hội so với các tỉnh vùng đồng bằng./.

Nguyễn Nga