Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 41
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn với lộ trình chuyển đổi số quốc gia

Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang quyết liệt chỉ đạo để phục vụ tốt hơn sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp

Chính quyền điện tử là chính quyền ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Mục tiêu của chính quyền điện tử là làm tăng hiệu quả làm việc, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính quyền. Người dân, doanh nghiệp được các cơ quan chính quyền phục vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn bằng việc cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến. Người dân trở thành trung tâm trong quá trình các cơ quan chính quyền cung cấp thông tin và dịch vụ. Mục đích của chính quyền điện tử là làm cho mối tác động qua lại giữa người dân, doanh nghiệp, nhân viên chính quyền và các cơ quan chính quyền trở nên thuận tiện, thân thiện, minh bạch, đỡ tốn kém và hiệu quả hơn…

Chuyển đổi số là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, của nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số. Chuyển đổi số chính là bước phát triển tiếp theo có tính đột phá của việc ứng dụng công nghệ thông tin. Chuyển đổi số sử dụng các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và nền tảng để triển khai công nghệ thông tin nhanh hơn, rẻ hơn và tạo ra các giá trị mới, từ đó thay đổi cách thức sản xuất và quản trị.

Việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Chính phủ, được triển khai ở tất cả các địa phương. Chuyển đổi số là xu hướng phát triển vừa mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, các địa phương và tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ 6 quan điểm, cách tiếp cận của Chương trình, trong đó: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; Người dân là trung tâm của chuyển đổi số; Thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số; và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Trên quan điểm đó, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã vạch ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai nhằm tạo nền mỏng chuyển đổi số; phát triển chính phủ số; phát triển kinh tế số và phát triển xã hội số. Cụ thể, để tạo nền móng chuyển đổi số, Chương trình xác định, cần chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, lan truyền từ điểm tới diện, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao.

Triển khai nhiệm vụ nêu trên, 4 giải pháp cụ thể được đưa ra là: Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả Liên minh Chuyển đổi số để truyền cảm hứng, đi tiên phong; xây dựng bộ nhận diện chung cho Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.  Mỗi địa phương chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Các phần mềm dùng chung được duy trì sử dụng tại tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc 3 khối Đảng, chính quyền, đoàn thể.  Thông tin về hoạt động của cơ quan nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng được công khai, giúp tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nâng lên và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Đến nay, 1.300 TTHC trên địa bàn tỉnh được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cụ thể: Tại cấp tỉnh có 1.075 TTHC được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tại cấp huyện có 179 TTHC được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tại cấp xã có 46 TTHC được thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Qua đó, giúp người dân dần quen với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đây là tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số trên địa bàn tỉnh. 

Kinh tế số bước đầu đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Công nghệ số đang được ứng dụng trong nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ.  Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã ứng dụng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đã ứng dụng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên
nền tảng công nghệ số và internet (Ảnh: Website thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà)

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, người dân trên địa bàn đã từng bước tiếp cận và tạo cho mình thói quen sử dụng các nền tảng công nghệ trong đời sống hàng ngày như khai thác các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các nền tảng trực tuyến trong mua sắm, trao đổi hàng hóa. 

Trước xu thế chuyển đổi số diễn ra sâu rộng hiện nay, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc nâng cao nhận thức cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp là yếu tố rất quan trọng, là giải pháp đầu tiên trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Xây dựng, hoàn thiện thể chế và công nghệ là động lực; đảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh./.

 

Nguyễn Nga