So với các địa phương khác trong cả nước, Ngành Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn rất may mắn vì vẫn đủ điều kiện tổ chức dạy và học bình thường do dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế tốt, không có tình huống phát sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Đức Xuân (Thành phố Bắc Kạn) dự lễ khai giảng năm học 2021 - 2022
theo hình thức trực tuyến tại trường
Từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường cấp tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Đối với cấp THCS, THPT và GDTX, tuỳ vào điều kiện thực tế của các nhà trường sắp xếp, bố trí tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng viễn thông để tổ chức triển khai dạy học trực tuyến khi tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Tích cực khai thác, sử dụng bài giảng trên truyền hình, kho học liệu số và bản mềm sách giáo khoa tại các trang web của nhà xuất bản; Tài nguyên hỗ trợ dạy học trực tuyến trên Cổng TTĐT của Bộ GD&ĐT, trang web olm.vn,.... để sẵn sàng tổ chức dạy học có hiệu quả trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cùng với đó, từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã tổ chức các Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp nhằm triển khai hướng dẫn nội dung các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và của Sở hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; chỉ đạo các trường học xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19; hướng dẫn cài đặt và sử dụng các phần mềm dạy - học trực tuyến. Các nhà trường cũng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê số lượng học sinh có điều kiện khó khăn, thiếu thiết bị học trực tuyến để báo cáo hỗ trợ, đảm bảo công bằng cho học sinh trong tiếp cận giáo dục.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục và quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch, Sở đã chỉ đạo các trường học triển khai nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số, qua đó tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và hướng đến là người học.
Hiện nay, các trường học trong toàn tỉnh đã và đang ứng dụng Hệ thống quản lý trường học vnEdu với các tính năng có thể đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu của Bộ GD&ĐT và kết nối trao đổi liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu của toàn ngành. Hệ thống này được áp dụng cho tất cả các Nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo để thực hiện các nghiệp vụ quản lý: Giáo viên, Học sinh, Kết quả học tập, Cơ sở vật chất, Quản lý tài sản, Các báo cáo thống kê… Phần mềm quản lý vnEdu cho phép quản lý tập trung dữ liệu, xử lý linh hoạt, đáp ứng nhu cầu liên thông cơ sở dữ liệu ngành.
Hệ thống quản lý trường học vnEdu bao gồm cơ sở dữ liệu về: Mạng lưới trường, lớp học, người học (kết quả của quá trình học tập, rèn luyện; hồ sơ sức khỏe); đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị trường học, tài chính - đầu tư, nước sạch, nhà vệ sinh trường học, công tác y tế trường học… Hệ thống quản lý trường học vnEdu không chỉ kết nối đầy đủ, toàn diện dữ liệu từ các cơ sở giáo dục vào hệ thống dữ liệu toàn ngành mà còn từng bước kết nối dữ liệu giữa ngành GD&ĐT với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của địa phương phục vụ công tác báo cáo, theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo, kiểm tra và thanh tra của các cơ quan quản lý giáo dục.
Với việc cập nhật đầy đủ dữ liệu lên hệ thống quản lý dữ liệu toàn ngành vnEdu, hệ thống dữ liệu học tập của mỗi học sinh được lưu trữ và quản lý một cách đồng bộ, hiện đại, đảm bảo an toàn thông tin. Phụ huynh học sinh có thể đăng ký sử dụng ứng dụng Sổ liên lạc điện tử, sử dụng mã số học sinh đã được cấp hoặc số điện thoại để tra cứu thông tin, kết quả học tập.
Hệ thống quản lý trường học vnEdu được triển khai tại 100% trường học trong tỉnh
Trên cơ sở nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu đã cập nhật, Ngành GD&ĐT cũng đã chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị tích hợp hoặc triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử như sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, đồng thời triển khai ứng dụng kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số, các giải pháp miễn phí như tin nhắn zalo, email....
Bên cạnh các giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý và giảng dạy, Ngành GD&ĐT cũng chú trọng đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên triển khai dịch vụ trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp mức độ 3, mức độ 4; thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt; tiếp tục sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa tất cả các cơ sở giáo dục với các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, giữa Sở GD&ĐT với Bộ GD&ĐT.
Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ, thường xuyên, Ngành GD&ĐT Bắc Kạn đã và đang đạt được những kết quả quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số, không chỉ thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 mà còn từng bước xây dựng nền giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thời đại công nghệ số - xã hội số./.