Quyết tâm của cả hệ thống chính trị được nâng cao khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 03/8/2021 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Bắc Kạn, năm 2022 (Kế hoạch số 811/KH-UBND ngày 29/12/2021).
Mục tiêu của tỉnh nhằm xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số tỉnh Bắc Kạn, gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn - an ninh mạng của tỉnh. Từng bước thực hiện chuyển đổi hoạt động của các cơ quan nhà nước lên môi trường số; nâng cao nhận thức, coi chuyển đổi số là bắt buộc, mang tính mặc định. Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Giảm bớt, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp các dịch vụ tiện ích số mang lại giá trị gia tăng cho mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, thân thiện, dễ dàng sử dụng. Từng bước hình thành văn hoá số, người dân có thói quen sử dụng dịch vụ số. Bổ sung, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; hoàn thiện và xây dựng mới một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống trong và ngoài tỉnh. Bước đầu triển khai việc mở dữ liệu của tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi số tại một số xã để tạo động lực, tiền đề, kinh nghiệm nhân rộng ra nhiều xã khác.
Chỉ tiêu đề ra năm 2022, phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 30% các báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) và báo cáo thống kê phục vụ chỉ đạo, điều hành của của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 40% cuộc họp của chính quyền, đoàn thể (trừ các cuộc họp mật) được tổ chức trực tuyến. Kết nối đến 100% các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin có phạm vi từ trung ương đến địa phương khi các Bộ/ngành quản lý cho phép và mở kết nối….Về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; phấn đấu 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 03/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch của UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị.
Nông sản Bắc Kạn góp mặt trên sàn thương mại điện tử
Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ đưa 131 sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn để kết nối, quảng bá, giao dịch mua, bán, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm nông sản trên 02 sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn được 10,6 tấn Cam, Quýt, Dưa lưới…. Hiện nay, ngành chức năng đang quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) tích cực mở các gian hàng trực tuyến trên sàn TMĐT, thúc đẩy các hộ SXNN tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh thông qua hình thức mua, bán trực tuyến trên sàn TMĐT của các doanh nghiệp bưu chính. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn như vừa đào tạo trực tiếp vừa đào tạo trực tuyến để hỗ trợ cho các hộ SXNN mở các gian hàng trên sàn TMĐT. Tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản OCOP và các sản phẩm khác của tỉnh đưa lên sàn TMĐT tới các tỉnh bạn trên mạng lưới của các doanh nghiệp Bưu chính.
Kế hoạch của Ngành Y tế tập trung phát triển về công nghệ thông tin về y tế chuyên sâu, xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Đẩy mạnh phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin y tế trên các nền tảng số mới nhất về truyền thông xã hội, cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công một cách đơn giản, thuận tiện trên di động, phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để thực hiện chuyển đổi số toàn diện các mặt công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước và cung cấp trải nghiệm tốt nhất, thân thiện nhất cho người dùng.
Các hệ thống ngành Y tế sẽ tập trung triển khai bao gồm: Phát triển, hoàn thiện trung tâm điều hành y tế thông minh tại Sở Y tế; Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử tại Sở Y tế; tiếp tục hoàn thành triển khai các dịch vụ công mức độ 4; kết nối các hệ thống thông tin của quốc gia về y tế bao gồm: hệ thống thông tin về nhân lực y tế, hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm, dược, trang thiết bị và công trình y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, môi trường y tế, Y- dược học cổ truyền, HIV-AIDS.
Ngành Giáo dục và Đào tạo hiện đang tăng cường triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu ngành đảm bảo an toàn, dữ liệu tập trung, thống nhất, đúng cấu trúc theo quy định hiện hành về kiến trúc dữ liệu, đảm bảo tính mở, tính liên thông và khả năng đồng bộ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác. Tăng cường triển khai sử dụng các loại hồ sơ sổ sách dạng điện tử, xây dựng và hoàn thiện các quy định về sử dụng hồ sơ điện tử, dữ liệu điện tử. Xây dựng và phát triển các dịch vụ, ứng dụng trực tuyến (trên máy tính và thiết bị di động) của ngành. Làm tốt công tác tuyên truyền về chuyển đổi số trong ngành giáo dục, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để nhà trường, người dân sử dụng có hiệu quả các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến của ngành.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, tạo sự phát triển mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng. Chỉ mới khởi động một thời gian ngắn, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển động tích cực tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân... Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và hành động đồng bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, sẽ góp phần quan trọng đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn./.